GIỐNG ĐẬU XANH ĐX11

GIỐNG ĐẬU XANH ĐX11

1. Nguồn gốc

Nguồn gốc và phương pháp: ĐX11 được chọn lọc từ dòng đậu xanh ký hiệu CN36 nhập từ Thái Lan. ĐX11 được công nhận cho sản xuất thử năm 2008 theo Quyết định số 111/QĐ-TT-CCN ngày 03 tháng 6 năm 2008 của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Cơ quan tác giả: Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm.

Tác giả: TS. Nguyễn Thị Chinh, KS. Nguyễn Thanh Bình, ThS. Nguyễn Văn Thắng, KS. Đồng Hồng Thắm, KS. Đỗ Thị Lan, ThS. Nguyễn Thị Chúc và CTV.

2. Đặc điểm chính

– Thời gian sinh trưởng 70 – 75 ngày.

– Đặc điểm: ĐX11 thuộc dạng hình cao cây (55 – 70 cm), thân mập, phân cành vừa. Vỏ quả chín mầu nâu đen, khối lượng 1000 hạt 60 – 68 gram, hạt mầu xanh nhạt (mỡ) phù hợp thị hiếu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

– Nhiễm nhẹ bệnh lở cổ rễ, sâu đục quả, chống đổ trung bình.

– Năng suất trung bình 1,6 – 2,0 tấn/ha.

– Hàm lượng prôtêin tương đối cao 26,3%.

3. Kỹ thuật canh tác

– Vùng đất gieo trồng: Thích hợp với các loại đất vùng miền múi, đồng bằng, ven biển của các tỉnh phía Bắc và miền Trung.

– Thời vụ: Tuỳ điều kiện canh tác ở mỗi vùng, ĐX11 được bố trí làm 3 thời vụ sau: Vụ xuân hè: 20/3 – 5/4; Vụ hè thu: 30/5 – 30/6; Vụ thu đông: 15/8 – 15/9

– Mật độ: Khoảng cách giữa các hàng 40 – 45cm, giữa các hốc trên hàng 10 – 12cm gieo 1 – 2 hạt/hốc.

– Mục đích sử dụng: Lấy hạt, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

– Bón phân: (Tính cho 1 sào 500m2)

+ Bón lót: 300-400 kg phân hữu cơ vi sinh + 15 – 20 kg vôi bột + 20kg lân super. Vôi bột bón khi bừa đất lần cuối, chú ý không trộn lẫn vôi bột với các loại phân khác.

+ Bón thúc: Lần 1: Khi cây có 2 lá thật bón 2kg đạm + 2 kg Kali, kết hợp xới nhẹ.

Lần 2: Khi cây có 5 – 6 lá thật bón 2-3 kg đạm urê + 3 kg kali clorua vãi đều giữa 2 hàng đậu kết hợp xới, vun cao chống đổ.

– Phòng trừ sâu bệnh: Cần chú ý phòng trừ sâu hại lá, đục hoa, quả và hạt, bệnh đốm nâu lá, đặc biệt với bệnh lở cổ rễ trong vụ xuân nên xử lý hạt giống trước khi gieo. Sử dụng thuốc BVTV khi cần thiết.

– Thu hoạch và bảo quản: Khi quả chuyển sang màu đen tiến hành thu hái, quả được phơi 1 – 2 nắng rồi đập lấy hạt. Hạt sau khi phơi 3 – 5 nắng được đưa vào bảo quản ở nơi thoáng mát.

4. Đối tượng và phạm vi áp dụng:

– Loại đất phù hợp: Đất thịt nhẹ, cát pha

– Thời vụ phù hợp: Có thể gieo trồng các vụ trong năm

– Địa điểm phù hợp: Vùng miền núi phía Bắc, Đồng Bằng Sông Hồng, Bắc Trung Bộ

5. Điển hình đã áp dụng thành công:

Huyện Trấn Yên -Tỉnh Yên Bái; huyện Chợ Mới, huyện Ba Bể – Tỉnh Bắc Cạn; huyện Thiệu Hoá, huyện Như Thanh, huyện Tĩnh Gia – Tỉnh Thanh Hoá; huyện Yên Thành – Tỉnh Nghệ An; huyện Đức Thọ, huyện Hương Sơn – Tỉnh Hà Tĩnh, Tỉnh Quảng Bình…

6. Địa chỉ liên hệ giống:

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ – Vĩnh Quỳnh – Thanh Trì – Hà Nội

ĐT: 024 38613919