GIỐNG LÚA NẾP N202

GIỐNG LÚA NẾP N202

1. Nguồn gốc:

Giống lúa NT202 là giống lúa nếp thơm được chọn lọc từ tổ hợp lai N87-2/DT22.

Giống được công nhận chính thức theo Quyết định số 197/QĐ-TT-CLT ngày 18/9/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Tác giả: Mai Thị Hương, Nguyễn Xuân Dũng, Nguyễn Văn Vương và Trần Văn Tứ.

2. Đặc điểm chính của giống:

– Thời gian sinh trưởng: 105 – 110 ngày (vụ mùa), 126 – 138 ngày (vụ xuân).

– Giống có chiều cao cây trung bình, khả năng đẻ nhánh khá, chống đổ khá.

– Hạt gạo bán tròn, xôi mềm dẻo, bóng và thơm nhẹ.

– Giống lúa nếp N202 cho năng suất khá và ổn định, năng suất trung bình đạt 50-56 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt trên 60 tạ/ha, trên đồng ruộng nhiễm nhẹ một số loại sâu bệnh hại (rầy nâu, bạc lá, đạo ôn, khô vằn).

Nhược điểm của giống lúa nếp N202: Gieo trồng trên chân đất trũng, nếu thâm canh không cân đối dễ phát sinh sâu bệnh, đặc biệt là bệnh khô vằn và bạc lá. Vụ xuân muộn nếu gieo trồng quá sớm dễ xảy ra hiện tượng thui đầu bông.

  1. Kỹ thuật canh tác:

* Thời vụ:

+ Vùng Trung du miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng

– Vụ xuân: Trà xuân muộn (mạ dược) gieo từ 30/1 đến 5/2. Cấy sau lập xuân, đối với mạ dược cần cấy kết thúc sớm tránh mạ già (tuổi mạ 3,5 – 4 lá), mạ sân cấy tuổi mạ 12 – 15 ngày. Nếu gieo sạ thì lùi thời vụ từ 5-7 ngày so với mạ dược

– Vụ mùa: Trà mùa sớm gieo từ 5/6 đến 20/6, tuổi mạ dược 16 – 18 ngày, tuổi mạ sân 10 – 12 ngày. Nếu gieo sạ thì lùi thời vụ từ 5-7 ngày so với mạ dược

+ Vùng Bắc Trung bộ:

– Vụ xuân muộn: gieo 15 – 25/1, cấy tuổi mạ 18 – 20 ngày (mạ dày xúc). Nếu gieo sạ thì lùi thời vụ từ 5-7 ngày so với mạ dược

– Vụ hè thu: gieo 1- 15/6, cấy tuổi mạ 12 – 15 ngày (mạ dày xúc). Nếu gieo sạ thì lùi thời vụ từ 5-7 ngày so với mạ dược

* Mật độ: Cấy 40 – 45 khóm/m2, mỗi khóm 2 – 3 dảnh.

* Phân bón:

+ Liều lượng phân bón cho 1 ha: 80-90 kg N + 100 kg P2O5 + 100 kg K2O, tương đương 174 -196 kg Ure + 500 kg Lân supe + 166 kg Kali Clorua.

Có thể sử dụng các loại phân khác nhau để bón nhưng phải tính toán cho đủ lượng N; P2O5 và K2O theo mức trên.

+ Cách bón:

* Nếu bón phân đơn (đạm, lân, kali) cho 1ha thì bón theo cách sau:

Bón lót: toàn bộ lân, 40%  ure, 30% kali.

Bón thúc: vào thời kỳ lúa bắt đầu đẻ nhánh 60% đạm, 30% kali.

Bón đón đòng vào thời kỳ lúa phân hóa đòng, bón hết số phân còn lại (40% kali).

* Nếu bón phân tổng hợp:

Bón lót trước khi cấy 20%.

Bón thúc 2 lần: lần 1 khi lúa bén rễ hồi xanh (sau cấy 7-10 ngày): 40%.

Lần 2 sau lần 1 từ 10-12 ngày, bón hết 40%.

Chú ý: Bón thúc chỉ nên bón trong khoảng thời gian 20 – 25 ngày từ khi cấy xong, sau cấy 25 ngày không nên bón phân nữa chỉ có kali bón đón đòng để hạn chế sâu bệnh.

* Chế độ chăm sóc, làm cỏ và phòng trừ sâu bệnh:

Bình thường như các giống khác. Làm sạch cỏ dại cho lúa, thường xuyên theo dõi, phát hiện sâu bệnh để phòng trừ kịp thời.

4. Đối tượng và phạm vi áp dụng:

Giống lúa nếp N202 là giống lúa ngắn ngày rất phù hợp cho xuân muộn, mùa sớm, hè thu ở các tỉnh phía Bắc.

Giống lúa nếp N202 thích hợp gieo trồng trên các chân đất vàn và vàn cao chủ động tưới tiêu ở các tỉnh phía Bắc.

Nếu gieo trồng trên chân đất vàn trũng hoặc trũng thì lúa đẻ kém, hoặc bón quá nhiều đạm không cân đối dễ nhiễm sâu bệnh nên hạn chế năng suất.

Vụ xuân không nên gieo sớm, phải gieo đúng trà xuân muộn để tránh hiện tượng thui đầu bông khi gặp rét cuối vụ.

5. Điển hình đã áp dụng thành công:

Đã áp dụng thành công ở tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Thanh Hóa.

6. Địa chỉ liên hệ giống: Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa lai, Viện CLT & CTP: Xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội

Tác giả: ThS. Mai Thị Hương, DĐ: 0912773385 Email: hương rice 1977.2009@gmail.com