Tọa đàm: Thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai tây cho các tỉnh Đồng bằng sông Hồng

Ngày 15/12/2022, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm tổ chức: Tọa đàm “Thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai tây cho các tỉnh Đồng bằng sông Hồng” tại tỉnh Hải Dương”.

Tham dự tọa đàm có Bà Lương Thị Kiểm – Phó GĐ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hải Dương, Ban Giám đốc Viện Cây lương thực và CTP, Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Nam Định và các doanh nghiệp. Tọa đàm có sự tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ các tỉnh, trong đó có 70 nông dân đang tham gia sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp.

Toàn cảnh tọa đàm

Phát biểu khai mạc hội nghị, TS. Nguyễn Trọng Khanh – Viện Trưởng Viện Cây lương thực và CTP cho biết: Khoai tây là cây lương thực quan trọng được sản xuất rất nhiều trên thế giới với sản lượng hàng trăm triệu tấn/năm. Sản lượng luôn duy trì ở mức cao (trung bình 367,89 triệu tấn/năm) từ năm 2011 đến năm 2020, sản lượng cao nhất đạt được là 373,85 triệu tấn năm 2017. Ở Việt Nam hiện nay, diện tích trồng khoai tây phân bố chủ yếu ở Đồng bằng sông Hồng, Đà Lạt – Lâm Đồng và một vài tỉnh thành khác, ổn định trong khoảng 20.000 ha/năm. Tuy nhiên sản lượng khoai tây sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 35-40% nhu cầu tiêu dùng trong nước, số còn lại phải nhập khẩu, riêng năm 2019 kim ngạch nhập khẩu khoai tây lên tới 15.649.000 đô la Mỹ. Vì vậy thúc đẩy phát triển khoai tây là cần thiết. Khoai tây là một trong những cây trồng chính của vụ đông tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất đạt khoảng 20-25 tấn/ha, hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ lớn.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu được nghe các báo cáo: Đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển sản xuất khoai tây tại tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Nam Định; Thị trường tiêu thụ khoai tây ăn tươi và chế biến hiện nay tại vùng Đồng bằng sông Hồng và Giới thiệu một số giống khoai tây mới cho năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh hại và nâng cao hiệu quả kinh tế tại vùng Đồng bằng sông Hồng.

Phần trao đổi, thảo luận diễn ra sổi nổi với nhiều ý kiến tham luận được trình bày, tập trung vào các chủ đề chính sau: i) Biện pháp kỹ thuật tự để giống, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại trên khoai tây, ii) Cơ giới hóa và bao tiêu sản phẩm, iii) Cơ chế chính sách hỗ trợ trong sản xuất và liên kết tiêu thụ khoai tây.

Đại biểu thảo luận tại Hội nghị

Phát biểu tại Tọa đàm, TS. Dương Xuân Tú – Phó Viện Trưởng Viện Cây lương thực và CTP nhấn mạnh: Khoai tây là cây lương thực – thực phẩm quan trọng, sản phẩm được sử dụng ăn tươi và phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến. Hiện nay nhu cầu sử dụng khoai tây trong nước và thế giới là rất lớn, chúng ta vẫn chưa đáp ứng đủ cả về số lượng và chất lượng. Phát triển sản xuất khoai tây có ý nghĩa lớn trong định hướng phát triển của ngành nông nghiệp nói chung và của các tỉnh đồng bằng sông Hồng nói riêng trong thời gian tới. Vì vậy, cùng việc phát huy lợi thế của vùng, cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc định hướng, quy hoạch, ban hành các cơ chế, chính sách đồng bộ, kêu gọi và thu hút các tiềm lực để người dân cũng như doanh nghiệp yên tâm đầu tư và mở rộng sản xuất.

Đoàn đại biểu thăm mô hình Khoai tây tại xã Hồng Lạc, Thanh Hà, Hải Dương

Sau khi thăm mô hình khoai tây tại huyện Thanh Hà và Tứ Kỳ của tỉnh Hải Dương, các đại biểu và nông dân đã hiểu rõ được đặc tính của cây khoai tây, các biện pháp kỹ thuật canh tác để tăng năng suất, cách tiếp cận thị trường và kết nối tiêu thụ với doanh nghiệp thu mua sản phẩm. Đồng thời, các đại biểu trân trọng cảm ơn Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Trung tâm Khuyến Nông 3 tỉnh Hải Dương, Thái Bình và Nam Định đã tạo điều kiện được tham dự buổi tọa đàm thật bổ ích và ý nghĩa.

Ảnh và bài: Nguyễn Thị Sen