MÔ HÌNH GIỐNG DONG RIỀNG MỚI DR1 TẠI HUYỆN ĐÀ BẮC, TỈNH HÒA BÌNH

Trong khuôn khổ dự án: “Xây dựng mô hình trồng dong riềng giống mới và thâm canh tổng hợp tại miền núi phía Bắc” năm 2018, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có củ thuộc Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm thực hiện nghiên cứu biện pháp thâm canh tổng hợp và xây dựng 20 ha mô hình trồng giống dong riềng DR1 tại xã Cao Sơn và Tu Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình với sự tham gia của 60 hộ nông dân. Các hộ nông dân đều được tham gia tập huấn kỹ thuật làm đất, chọn giống, trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại, bảo quản giống dong riềng DR1 sau thu hoạch.

Mô hình giống dong riềng DR1 tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình

Giống dong riềng DR1 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có củ tuyển chọn. Giống được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận cho sản xuất thử tại Quyết định số: 608/QĐ-TT-CLT ngày 14/12/2010.

Mô hình giống dong riềng DR1 tại huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình

Kết quả đánh giá cho thấy: Giống dong riềng DR1 có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt. Cây cao trung bình từ 165 – 185 cm, ít đổ. Củ nạc, đồng đều, ruột trắng, Củ dong riềng có hàm lượng tinh bột cao (13,5 – 16,4%), có thể sử dụng ăn tươi, làm thức ăn gia súc, chế biến tinh bột. Đặc biệt củ DR1 rất thích hợp cho chế biến công nghiệp. Năng suất củ đạt 68-70 tấn/ha. Hiệu quả kinh tế tăng từ 12,2-18,5 triệu đồng/ha so với mô hình trồng giống dong riềng địa phương. Giống Dong riềng DR1 được đánh giá cao, phù hợp với điều kiện sinh thái huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.

Ảnh và bài viết: Phạm Thị Thu Hà