GIỐNG LÚA AC5

GIỐNG LÚA AC5

1. Nguồn gốc, tác giả:
Tác giả: Đào Thúy Nhuần, Hùynh Yên Nghĩa, Nguyễn Văn Doăng, Nguyễn Tấn Hinh, Nguyễn Mạnh Đôn và CTV – Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm.
            Giống lúa AC5 do Bộ môn Công nghệ sinh học, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm tạo ra từ tổ hợp lai C70/CR203//10TGMS bằng phương pháp nuôi cấy bao phấn kết hợp với chọn tạo dòng thuần truyền thống.
Quá trình lai tạo được tiến hành từ năm 1997 và từ năm 2003-2004, giống được đưa đi khảo nghiệm tại mạng lưới khảo nghiệm Quốc gia. Giống AC5 được công nhận cho sản xuất thử nghiệm vào tháng 11 năm 2005, và được công nhận là giống Quốc gia theo Quyết định Số 56/QĐ-BNN-TT ngày 08/01/2008 của Bộ NN&PTNT.
2. Đặc điểm chính của giống:
– Giống lúa AC5 có thời gian sinh trưởng ngắn (vụ xuân: 145 – 150 ngày, vụ mùa: 115 – 120 ngày)
– Dạng cây hình chữ V, lá to trung bình, màu xanh nhạt, cây cao trung bình, đẻ khoẻ, bông to, hạt thóc dài màu vàng sậm, khối lượng 1000 hạt 24,0g
– Năng suất khá cao 55 – 70 tạ/ha, hạt gạo dài, trắng trong, bóng đẹp, hàm lượng amylose thấp < 18%, cho cơm thơm ngon, dẻo, đậm.
– Giống có khả năng chống đổ và chịu rét khá, nhiễm nhẹ rầy nâu và đạo ôn.
3. Kỹ thuật canh tác
– Thời vụ: + Vụ xuân gieo mạ từ 15 – 25/12 (nếu đưa vào trà xuân muộn gieo mạ 20 -30 /1). Cấy khi mạ có 5 lá. Mật độ cấy 45-50 khóm/m2, cấy 2-3 dảnh/khóm. Thu hoạch vào 15 -30/6. Có thể áp dụng phương pháp mạ dược, mạ sân hoạc gieo thẳng. Trong điều kiện các tỉnh Bắc trung bộ nếu cần thu hoạch sớm hơn thì có thể đẩy thời vụ lên sớm hơn 5-10 ngày.
     + Vụ mùa gieo mạ vào 25/5 – 10/6, cấy khi mạ đạt 20 ngày tuổi. Mật độ cấy 45-50 khóm/m2. Giống AC5 không nên gieo cấy trong vụ hè thu tại các tỉnh Bắc trung bộ.
– Phân bón: 400 kg phân chuồng + 8 kg ure + 6 kg kali + 20 kg lân/sào Bắc bộ (phân chuồng: 8-10 tấn ; Đạm Urê: 200-220 kg; Lân Supe: 450-500 kg; Kali: 200-220 kg/ha)
– Cách bón: bón lót toàn bộ phân chuồng + toàn bộ lân + 40% ure + 50% kali
Bón thúc lần 1 (sau khi lúa bén rễ hồi xanh) : 30% ure
Bón đón đòng (sau khi kết thúc đẻ nhánh): 30% ure + 50 kali.
Nếu sử dụng phân NPK (16-16-8) thì dùng 15-18 kg/sào. Bón lót 7-9 kg, thúc lần 1: 4-5 kg. Số còn lại bón thúc lần 2.
Trước khi cấy 4-5 ngày nên bón phân cho mạ với lượng 2 kg ure/sào mạ.
– Chăm sóc: Sau khi lúa kết thúc đẻ nhánh nên tháo cạn ruộng trong 4-5 ngày để lúa dừng đẻ nhánh (đảm bảo 6-7 dảnh chính/khóm là được).
– Theo dõi và phòng trừ bọ trĩ ở giai đoạn mạ và sau cấy. Sâu cuốn lá trong giai đoạn lúa đẻ nhánh (theo phương pháp IPM). Chú ý phòng trừ bệnh đạo ôn trong vụ xuân (nên phun kép 2 lần thuốc bệnh ). Đặc biệt chú dự báo và phòng trừ sâu đục thân trong tháng 9 (chú ý: nên phun 2 lần vào giai đoạn lúa sắp trỗ).
– Thu hoạch vào cuối tháng 9- đầu tháng 10. Sau khi thu hoạch có thể tiếp tục canh tác một vụ màu (khoai tây, rau chính vụ hoạc rau muộn..)
– Chú ý:
                + Giai đoạn lúa đứng cái lá lúa thường ngả mầu vàng đây là hiện tượng sinh lý bình thường của giống không đáng lo ngại.
            + Ở vụ xuân cần phun thuốc phòng trừ bệnh đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông, nên kết hợp với thuốc phòng trừ sâu đục thân và rầy nâu.
4. Đối tượng và phạm vi áp dụng giống lúa AC5
– Giống lúa AC5 có thể gieo cấy tại các tỉnh thuộc ĐBSH và Bắc Trung bộ trong cả vụ xuân và vụ mùa. Do giống có bộ rễ khỏe, khả năng chống đổ tốt nên chân đất thích hợp là chân vàn và vàn trũng, đất cát pha hoặc đất thịt, thịt nặng.
– Giống AC5 là giống lúa chất lượng cao nên cần được sử dụng cho sản xuất lúa gạo hàng hóa chất lượng cao.
5. Điển hình đã áp dụng thành công giống lúa mới
Giống lúa AC5 đã và đang được gieo cấy rộng rãi ở các tỉnh ĐBSH và Bắc Trung bộ. Đặc biệt tại Hải Dương và Nghệ An, giống lúa AC5 đã được gieo cấy để sản xuất lúa gạo hàng hóa chất lượng cao trên quy mô hàng nghìn ha.
6. Địa chỉ liên hệ giống
Bộ môn Công nghệ sinh học – Liên Hồng, TP Hải Dương, Hải Dương
ĐT: 0220.3716570