VIỆN CÂY LƯƠNG THỰC VÀ CÂY THỰC PHẨM 45 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm được thành lập năm 1968 theo Nghị định số 24/CP ngày 09 tháng 02 năm 1968 của Hội đồng Chính phủ, đến nay đã được 45 năm. Với việc thành lập Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam theo Quyết định số 220/2005/QĐ-TTg ngày 09 tháng 9 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm được thành lập lại trên cơ sở sáp nhập một số đơn vị trực thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam trước đây vào Viện. Việc tổ chức lại là nhằm tập trung nguồn nhân lực, nâng cao năng lực và trình độ khoa học công nghệ của ngành trồng trọt, góp phần nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của nông sản hàng hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế. Hiện nay, Viện hoạt động theo Quyết định số 73/2008/QĐ-BNN ngày 13 tháng 6 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, trụ sở của Viện được đặt tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.
Viện là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, có nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ lĩnh vực cây lương thực và cây thực phẩm, chủ yếu là cây lúa, cây đậu đỗ và cây có củ. Viện đồng thời thưc hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nông nghiệp cho vùng ĐBSH.
Bốn mươi lăm năm qua là quá trình lao động bền bỉ và sáng tạo, phấn đấu không ngừng, vận động và đổi mới, khắc phục khó khăn của nhiều thế hệ cán bộ công nhân viên để Viện hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng được giao.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, ngoài sơ sở chính của Viện được xây dựng từ năm 1968 tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, Viện đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT được phép tổ chức các cơ sở khác trực thuộc như sau:
Trại Nghiên cứu Ngô được xây dựng từ năm 1973, năm 1976 được đổi tên thành Trung tâm Nghiên cứu Ngô, đến năm 1987 được Bộ Nông nghiệp và PTNT quyết định đổi tên thành Viện Nghiên cứu Ngô. Trung tâm Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp ĐBSCL xây dựng từ năm 1978 do Viện quản lý, mấy năm sau được đề nghị đổi thành cơ sở độc lập, nay là Viện Lúa ĐBSCL. Trại Khoai tây Đà Lạt được xây dựng từ năm 1978 sau này đổi tên thành Trung tâm Nghiên cứu Khoai tây, Rau và Hoa trực thuộc Viện, đầu năm 2004 được Bộ Nông nghiệp và PTNT chuyển giao trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Miền Nam. Trung tâm Nghiên cứu Cây đặc sản tại Phú Đô- Hà Nội được xây dựng năm 1989, nay trở thành trụ sở của Viện Môi trường Nông nghiệp thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
Về cơ cấu tổ chức hiện tại; Bên cạnh Ban Giám đốc và 3 Phòng chức năng (Khoa học và HTQT, Tổ chức – Hành Chính và Tài chính – Kế toán), Viện có 5 bộ môn nghiên cứu (Công nghệ sinh học; Cây thực phẩm; Canh tác; Sinh lý sinh hóa & chất lượng nông sản; Bảo vệ thực vật). Viện còn có 6 Trung tâm nghiên cứu, trong đó có 4 Trung tâm trực thuộc đóng tại Thanh Trì – Hà Nội (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa lai; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có củ; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp), 2 trung tâm nghiên cứu tại Gia Lộc, Hải Dương (Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần; Trung tâm Thực nghiệm cây lương thực và cây thực phẩm) và Công ty cổ phần giống cây trồng Viện Cây lương thực và CTP.
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Viện CLT & CTP, chúng ta ghi nhớ tới công lao đặt nền móng xây dựng Viện của Cố Tiến sĩ Nông học Lương Định Của và Kỹ sư Hồ Đắc Song – những người đi tiên phong cùng tập thể cán bộ công nhân viên xây dựng Viện trong những ngày đầu gian khổ. Cố Viện trưởng Lương Định Của đã lãnh đạo Viện từ năm 1968 đến năm 1975. Tiếp theo là Quyền Viện trưởng của Kỹ sư Hồ Đắc Song, từ 1976 đến 1977. Cố Giáo sư Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng kế tục đảm đương trách nhiệm Viện trưởng trong suốt 21 năm ( từ năm 1978 đến tháng 5 năm 1999). Quyền Viện trưởng Kỹ sư Nguyễn Quốc Tuấn lãnh đạo Viện từ tháng 6 năm 1999 đến năm 2004. Viện trưởng PGS.TS Nguyễn Tấn Hinh từ tháng 4 năm 2004 đến đầu năm 2006. Viện trưởng PGS.TS Tạ Minh Sơn từ tháng 2 đến tháng 9 năm 2006. Viện trưởng PGS.TS Nguyễn Văn Tuất từ tháng 10 năm 2006 đến tháng 3 năm 2008. Viện trưởng PGS.TS. Nguyễn Trí Hoàn từ tháng 4 năm 2008 đến nay. Chúng tôi cũng ghi nhớ công lao của các đồng chí đã từng tham gia Ban Giám đốc: Cố TS. Nguyễn Lộc, KS. Nguyễn Kim, TS. Đinh Văn Cự, GS.TS Nguyễn Xuân Linh, PGS.TS Phạm Xuân Tùng, TS. Đào Xuân Thảng và các đồng chí lãnh đạo các phòng, bộ môn, các cán bộ công nhân viên đã lao động quên mình để xây dựng Viện trong suốt 45 năm qua. Chúng tôi đang kế thừa và tiếp tục phát huy truyền thống của Viện là đoàn kết, trung thực trong nghiên cứu khoa học và lao động sáng tạo, phấn đấu hoàn thành thật tốt nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao.
Qua 45 năm xây dựng và phát triển, hôm nay chúng ta có thể hoàn toàn tự hào về những thành tựu và sự phát triển vững chắc của Viện Cây lương thực và CTP qua các thời kỳ:
Năm 1968, khi mới thành lập trong điều kiện đất nước còn chiến tranh, Viện còn phải ở nhờ, sơ tán trong dân, cơ sở vật chất chỉ có vài ngôi nhà lá, nhà cấp 4: Phòng thí nghiệm, máy móc phục vụ trong nghiên cứu hầu như không có và hết sức thô sơ.
Đến nay, trụ sở của Viện ở Gia Lộc- Hải Dương trên diện tích 150 ha, Viện đã có cơ sở vật chất khang trang, bao gồm: Nhà làm việc trung tâm, hệ thống các phòng thí nghiệm hiện đại, nhà lạnh, hệ thống nhà lưới, đồng ruộng thí nghiệm và sản xuất giống cây trồng được quy hoạch thiết kế, đầu tư xây dựng khá đồng bộ. Từ đầu năm 2006, Viện có thêm 4 Trung tâm nghiên cứu trực thuộc tại Thanh Trì – Hà Nội với diện tích 48 ha, có hệ thống nhà làm việc, phòng thí nghiệm, đồng ruộng tương đối hoàn chỉnh cho nghiên cứu lúa lai, lúa thuần, đậu đỗ, cây có củ, nghiên cứu hệ thống nông nghiệp. Viện hiện có 282 biên chế và hàng chục cán bộ hợp đồng, trong đó có: 01 PGS, 16 tiến sĩ, 83 thạc sĩ, 117 cán bộ đại học, còn lại là nhân viên và công nhân kỹ thuật.
Trong suốt 45 năm qua, Viện luôn bám sát và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, đặc biệt nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ về cây lương thực và cây thực phẩm. Ngay từ ngày đầu thành lập, Viện đã đi đầu trong việc nghiên cứu và khuyến cáo biện pháp xây dựng bờ vùng, bờ thửa, cấy chăng dây thẳng hàng cho lúa, đây là cơ sở kỹ thuật cho thâm canh lúa tại các tỉnh phía Bắc. Viện cũng đã chọn tạo và đóng góp cho sản xuất nhiều giống lúa thâm canh, góp phần cùng đất nước giải quyết nạn thiếu lương thực vào cuối những năm 80. Cũng trong thời kỳ này, Viện đã chọn tạo thành công nhiều giống táo mới, giống dưa mới được chuyển giao và phát triển ở nhiều vùng trong cả nước. Đây còn là thời kỳ Viện đã nghiên cứu thành công và giới thiệu với các địa phương biện pháp sản xuất khoai tây bằng hạt, sau này trở thành biện pháp sản xuất khoai tây bằng hạt lai. Trong thập kỹ 90, sau gần 20 năm nghiên cứu và chọn tạo giống, Viện đã đưa ra phục vụ sản xuất các giống lúa chất lượng có hàm lượng protein trong gạo cao tới 11%, so với hàm lượng protein trung bình ở phần lớn các giống lúa chỉ đạt 7-8%, đồng thời là các giống lúa đầu tiên trên thế giới thuộc loại này.
Viện đã là đơn vị chủ trì và tham gia các chương trình quốc gia về cây lương thực và cây thực phẩm cấp Nhà nước qua nhiều giai đoạn: Chương trình lúa cấp Nhà nước 02-01 và chương trình màu cấp Nhà nước 02-02 giai đoạn 1981-1985; chương trình cây lương thực và cây thực phẩm cấp Nhà nước giai đoạn 1986-1990 và giai đoạn 1991-1995. Kể từ năm 2006 đến nay, Viện tiếp tục là cơ quan đi đầu trong cả nước về nghiên cứu chọn tạo và phát triển giống lúa cực ngắn ngày, giống lúa chất lượng cao; giống lúa chống chịu với điều kiện bất thuận (hạn, úng, phèn mặn) phù hợp vớí biến đổi khí hậu cho ĐBSH; giống lúa lai thâm canh; giống lạc, đậu tương, cây có củ cho địa bàn cả nước. Viện cũng là một trong các đơn vị đi đầu trong việc nghiên cứu và phát triển cây thực phẩm chủ lực như dưa chuột, cà chua, bí xanh v.v… và một số cây ăn quả đặc sản.
Năm 2008, kỷ niệm 40 năm thành lập, lúc đó Viện có 99 giống cây trồng và 11 quy trình kỹ thuật được công nhận cấp quốc gia và cho phép áp dụng trong sản xuất (bao gồm cả một số thành tựu nghiên cứu kế thừa về lúa, đậu đỗ và cây có củ của các đơn vị nghiên cứu thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam). Trong thời gian từ năm 2008 đến nay, Viện đã có 43 giống cây trồng mới và 02 quy trình kỹ thuật được công nhận, trong đó có 20 giống được công nhận chính thức và 23 giống được công nhận cho sản xuất thử. Như vậy tổng số giống cây trồng các loại hiện Viện đang quản lý là 142 giống và 13 quy trình kỹ thuật được công nhận chính thức. Trong đó có 51 giống lúa thuần, 8 giống lúa lai, 15 giống đậu tương, 13 giống lạc, 4 giống đậu xanh, 8 giống khoai tây, 5 giống khoai lang, 3 giống sắn, 1 giống dong riềng, 6 giống cà chua, 3 giống dưa chuột, 2 giống bí xanh, 01 giống cà tím , 03 giống rau cải, 10 giống cây ăn quả…
Về lúa thuần: Các giống lúa thuần mới của Viện được tạo ra trong thời gian qua hết sức đa dạng, đã góp phần tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ, nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo ở các tỉnh ĐBSH và một số vùng miền khác trong cả nước, các bộ giống phù hợp cho từng vùng sinh thái, bao gồm: Giống có thời gian sinh trưởng cực ngắn ngày (PC6, P6ĐB và Gia Lộc 102, TGST từ 80 – 95 ngày trong vụ mùa) tạo điều kiện cho việc phát triển và mở rộng diện tích cây vụ đông cực sớm như Khoai lang, ngô, đậu tương, bí xanh…đem lại hiệu quả kinh tế cao và tạo ra khối lượng lớn thức ăn chân nuôi ở các tỉnh phía Bắc; giống lúa chất lượng cao (AC5, HT9, HT6, T10; HDT8, trân châu hương – SH8…), giống lúa có hàm lượng protein cao trong gạo (P1, P4, P6, P9, PĐ211); giống lúa nếp, lúa đặc sản (N97, N98, BM9603… ); giống lúa thâm canh, ngắn ngày tiềm năng năng suất cao (ĐB5, ĐB6, XT27, SH14, BM9855, AYT, Gia Lộc 105, LTh31…); Giống lúa chịu hạn cho vùng canh tác nhờ nước trời và vùng bấp bênh nước (CH3, CH133, CH5, CH207, CH208, LCH37…); giống chịu úng (U20, U21, Xi23, X21, MT163,…); giống chịu mặn (M6, M4, M12, BM202…).
Về lúa lai: Viện đã làm chủ được công nghệ chọn thuần, nhân giống bố mẹ, cũng như công nghệ sản xuất hạt giống lúa lai của một số tổ hợp lai chủ lực của Trung Quốc; đã nắm được công nghệ lai tạo, gây đột biến, lai xa… để tạo ra dòng mới bất dục đực tế bào chất (CMS) và bất dục đực mẫn cảm với nhiệt độ (TGMS); Lai tạo và chọn lọc thành công nhiều dòng mẹ TGMS mới từ các nguồn của Việt Nam, Trung Quốc và IRRI, đặc biệt là lai tạo thành công một số tổ hợp lúa lai thương hiệu Việt Nam: HYT83, HYT92, HYT100, HYT102, HYT103, SL8H, LHD6, HYT108…
Điểm nổi bật sau 8 năm tái thành lập, Viện đã chọn tạo thành công và đưa vào phục vụ sản xuất 19 giống lúa thuần và 5 giống lúa lai góp phần thay thế dần giống Q5 và Khang dân 18 đã tồn tại lâu năm ở các tỉnh phía Bắc.
Về cây đậu đỗ: Từ năm 1995 đến nay, đã chọn tạo thành công 13 giống lạc, 15 giống đậu tương và 4 giống đậu xanh phục vụ sản xuất. Nhiều giống lạc mới có khả năng cho năng suất cao (45 – 50 tạ/ha) như giống L18, L23; giống có chất lượng và hình dạng hạt đạt tiêu chuẩn để phục vụ cho xuất khẩu như L.08, L26, đã và đang được nhiều địa phương thuộc vùng ĐBSH, Bắc trung Bộ và Duyên hải nam trung Bộ tiếp nhận và phát triển nhanh; giống lạc có diện tích lớn nhất là giống L14, hàng năm đạt khoảng 1 vạn ha, chiếm 70% diện tích trồng lạc ở các tỉnh phía Bắc.
Các giống đậu tương mới có thể trồng được 3 vụ/năm, đạt năng suất 18-25 tạ/ha như: ĐT93, ĐT12; Đ8, giống đậu tương thích hợp cho vụ hè như M103, ĐX12, Đ8, giống đậu tương thích hợp cho vụ Đông ở vùng ĐBSH như Đ9804, Đ2101, ĐT22, ĐT26… năng suất đạt 20-25 tạ/ha.
Về cây có củ: Viện đã chọn tạo được một số giống khoai tây mới trồng bằng củ như KT2, KT3, VC38-6, VT2, P3, Eben, Sinora và 2 giống khoai tây hạt lai Hồng hà 2 và Hồng Hà 7. Riêng các giống khoai tây Sinora và Eben thích hợp cho ăn tươi và chế biến công nghiệp, năng suất đạt từ 20 – 25 tấn/ha, giống đang được mở rộng diện tích ở các tỉnh ĐBSH. Các giống khoai lang mới do Viện chọn tạo cũng rất đa dạng, giống khoai lang đa dụng (KL5) cho năng suất củ và năng suất chất xanh cao, phục vụ chăn nuôi gia súc, giống khoai lang có năng suất và hàm lượng tinh bột cao (KB1) hiện đang phát triển mạnh ở các tỉnh phía Bắc, chiếm 30 – 40% diện tích khoai lang ở một số tỉnh Bắc Trung bộ. Khoai lang chất lượng cao KLC266, KLC3…Các giống sắn KM98-7, Sa21-12 và Sa06, giống dong riềng DR1 và giống khoai sọ KS1
Về các cây trồng khác: Viện đã chọn tạo được một số giống rau quả có năng suất và chất lượng tốt đã và đang được sản xuất, thử nghiệm rộng ở nhiều vùng sinh thái khác nhau, góp phần tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đem lại hiệu quả kinh tế cao tại nhiều địa phương: Giống cà chua Hồng lan (Ba Lan lùn), giống cà chua C155 cùi dày, thích hợp cho việc bảo quản và vận chuyển, năng suất đạt 45- 50 tấn/ha; giống dưa chuột lai PC4 là giống thích hợp cho ăn tươi và chế biến muối mặn xuất khẩu, năng suất 48-50 tấn/ha; Các giống bí xanh số 1, bí xanh số 2 và giống Thiên thanh 5 đã và đang phát triển hàng ngàn ha/năm ở các tỉnh ĐBSH và một số tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, năng suất 40 – 50 tấn/ha, cho hiệu quả kinh tế cao gấp 2,5 – 3 lần trồng lúa. Các giống táo Đào vàng, Đào Muộn, đặc biệt giống “Đại táo 15” có khối lượng quả lớn: 70-100g/quả, chất lượng quả ngon, ăn giòn, ngọt mát phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, góp phần tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Về kỹ thuật canh tác: Viện đã có 13 biện pháp kỹ thuật được công nhận chính thức và nhiều biện pháp kỹ thuật canh tác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất đối với các giống cây lương thực và cây thực phẩm. Một số công trình nghiên cứu gần đây đã tập trung chủ yếu vào: Nghiên cứu tác động của các yếu tố khí hậu thời tiết đến sản xuất lúa đông xuân và các giải pháp đảm bảo sản xuất ổn định vụ lúa Đông xuân tại vùng ĐBSH: Chuyển dịch cơ cấu giống (dùng các giống lúa ngắn ngày), cơ cấu mùa vụ, chuyển sang vụ xuân muộn là chính, lịch gieo cấy lúa đông xuân thích hợp…nhằm hạn chế tối đa sự thiệt hại do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Xác định biện pháp tưới nước khô, ướt xen kẽ (AWD) cho năng suất lúa tương đương với phương pháp canh tác lúa truyền thống song đã tiết kiệm được 30 – 40% lượng nước tưới.
Nghiên cứu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất một số loại rau (cà chua, dưa chuột, dưa thơm…) trong điều kiện nhà lưới, nhà kính, bước đầu đã đạt được một số kết quả khả quan, đã xác định được dung dịch dinh dưỡng, hỗn hợp giá thể và bộ giống cà chua, bộ giống dưa thơm thích hợp trồng trong nhà lưới, nhà kính, đặc biệt là mô hình nông nghiệp tiên tiến trong sản xuất một số loại rau (trong nhà lưới) đã và đang được nhiều địa phương tham quan, học tập và ứng dụng.
Đã hoàn thiện các quy trình kỹ thuật canh tác mới đối với cây lạc, mở ra vụ lạc mới thu đông; Nghiên cứu thành công kỹ thuật che phủ nilon, bón phân cân đối cho lạc; Kỹ thuật trồng đậu tương trên nền đất ướt với phương pháp làm đất tối thiểu hoặc gieo vãi, góp phần mở rộng diện tích cây vụ dông ở vùng ĐBSH và khu Bốn cũ.
Thực hiện tốt một số chương trình giống quốc gia về lúa lai, lúa thuần, lúa chất lượng, cây đậu đỗ và cây có củ… góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng và nâng cao năng lực về công tác giống của Viện, các cơ quan phối hợp và các địa phương. Thời gian qua, nhiều giống mới của Viện đã góp phần chuyển đổi hiệu quả sản xuất đối với một số ngành hàng như sắn, lạc, đậu tương. Giai đoạn 1995-2010, năng suất lạc tăng từ 12,9 tạ/ha lên 21,05 tạ/ha (tăng gấp 1,63 lần), năng suất đậu tương tăng từ 10,4 tạ/ha lên 15,01 tạ/ha (tăng gấp 1,44 lần). Đặc biệt năng suất sắn năm 2010 đạt 17,2 tấn/ha, tăng gấp 2 lần so với năm 2.000 (8,36 tấn/ha).
Kết quả nghiên cứu về kinh tế – xã hội:
Viện đã nghiên cứu thành công cơ sở lý luận nhằm hình thành thể chế hệ thống dịch vụ nông nghiệp, nghiên cứu phát triển đa dạng các loại hình tổ chức nông dân và liên kết các tác nhân trong ngành hàng nhằm mục tiêu sản xuất hàng hóa và tăng cường sự tham gia của người nghèo dưới dạng tổ hợp tác, hiệp hội và hợp tác xã.
Nghiên cứu các hình thức tổ chức sản xuất tập thể của hộ nông dân như Tổ hợp tác, HTX chuyên ngành, Hội/ hiệp hội nghề nghiệp nhằm giúp nông dân hợp tác với doanh nghiệp (PPP) và tham gia chuỗi giá trị: Hiệp hội bò H’mông Cao Bằng, Hiệp Hội Nếp cái Hoa Vàng Đông Triều, Hải dương, HTX chăn nuôi lợn Thống nhất, Hà tĩnh…
Phát triển vùng sản xuất, chuỗi giá trị và bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm: Vải thiều Thanh Hà, Chuối ngự Đại Hoàng, Bưởi Phúc Trạch, Hồng không hạt Bắc kạn, gạo Tám xoan Hải Hậu, cam Cao Phong… Phát triển vùng sản xuất, chuỗi giá trị và bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm: Cam bù Hương sơn, Chè Hoàng su phì, Tu hài Vân đồn, Miến dong Bình Liêu, Chè Hải Hà, Rau Quảng yên….Phát triển vùng sản xuất, chuỗi giá trị và bảo hộ Nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm: Bò H’mông Cao Bằng, Nếp cái Hoa vàng Kinh môn Hải dương, Vải chín sớm Phương Nam, Na dai Đông Triều, Mía Tím Hòa Bình…
Kết quả thương mại hoá sản phẩm và chuyển giao TBKT vào sản xuất:
Thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu (chuyển nhượng bản quyền tác giả) là hướng đi thích hợp chuẩn bị từng bước tiến tới tự chủ theo tinh thần Nghị định 115 của Chính phủ. Viện đã chuyển nhượng bản quyền tác giả đối v���i các giống cây trồng do Viện tạo ra, nhằm nhanh chóng mở rộng diện tích các giống cây trồng mới phục vụ sản xuất. Từ năm 2008 – 2013 Viện đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng bản quyền tác giả 11 giống lúa và 01 giống lạc cho các công ty, đối tác trong nước, trong đó có: 9 giống lúa thuần (ĐB5, ĐB6, T10, AC5, PC6, N98, HDT8, N100, LTh134); 02 giống lúa lai (HYT100 & HYT103) và 01 giống lạc (L26). Lợi ích của việc này đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các cá nhân và đơn vị. Một số giống cây trồng sau khi được chuyển nhưọng bản quyền đã nhanh chóng mở rộng diện tích đem lại hiệu quả to lớn cho người sản xuất như: Giống lúa AC5 tại Nghệ An, từ 2011 đến nay diện tích gieo cấy đã đạt từ 10.000 – 15.000 ha/năm, giống lúa PC6 tại Quảng Bình và một số tỉnh duyên hải miền Trung năm 2013 đã đạt 12.000 ha…Cùng với nhiệm vụ nghiên cứu Viện vẫn luôn quan tâm đến công tác chuyển giao các TBKT vào sản xuất, thông qua chương trình giống, chương trình khuyến nông, các ĐT/DA phối hợp với địa phương và các Dự án sản xuất thử nghiệm, từ 2006 đến nay, hàng năm Viện đã cung cấp cho sản xuất 800 – 1.000 tấn giống lúa các loại, 350 tấn giống khoai tây, 150 – 200 tấn giống dây khoai lang, 120 tấn giống lạc, 70 tấn giống đậu tương, 500 – 600 kg hạt giống rau và hàng ngàn cây ăn quả các loại…
Cùng với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Viện luôn thường xuyên chú trọng công tác xây dựng, củng cố và phát huy vai trò của tổ chức Đảng và đoàn thể quần chúng. Công tác xây dựng đảng luôn được quan tâm đúng mức; Đảng bộ Viện và các chi bộ trực thuộc liên tục đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh. Đảng bộ Viện đã được Tỉnh uỷ Hải Dương tặng Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen do đã có thành tích 5 năm liên tục đạt TSVM cấp tỉnh. Năm 2013, Đảng bộ Viện được BCH đảng bộ khối các cơ quan Trung ương tặng Bằng khen đạt tiêu chuẩn Trong sạch vững mạnh tiêu biểu 03 năm liên tục 2010-2012.
Công đoàn Viện đã thực hiện tốt vai trò bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người lao động, động viên đoàn viên công đoàn tích cực tham gia các hoạt động phong trào của ngành, địa phương và cơ quan phát động, góp phần tích cực vào việc triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Công đoàn Viện tích cực tham gia đóng góp, xây dựng các quỹ từ thiện do các tổ chức của Trung ương và địa phương phát động, làm tốt công tác phụng dưỡng Mẹ Việt nam Anh hùng do Viện nuôi dưỡng; hăng hái tham gia mọi hoạt động xã hội khác. Liên tục trong nhiều năm qua, Công đoàn Viện được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng Bằng khen và Cờ thi đua toàn diện và chuyên đề.
Các tổ chức đoàn thể khác của Viện như: Đoàn thanh niên, Ban Nữ công và Hội cựu chiến binh đều có những phương thức hoạt động phù hợp, đã động viên được đông đảo quần chúng tham gia; góp phần cùng chính quyền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực: Là nhiệm vụ hàng đầu, luôn được Viện quan tâm. Trong 45 năm xây dựng và phát triển , Viện đã có trên 100 cán bộ được đào tạo trên đại học. Hiện tại đang có 11 cán bộ đang đào tạo tiến sĩ và 27 người đào tạo thạc sĩ. Viện cũng cử nhiều lượt cán bộ đi công tác, học tập ở trong và ngoài nước, cử hàng trăm lượt cán bộ làm chuyên gia giúp các nước châu Phi. Cùng với nhiệm vụ đào tạo chuyên môn, công tác học tập chính trị cũng được quan tâm đúng mức, đã có 16 cán bộ tốt nghiệp Cao cấp lý luận chính trị và 2 cử nhân chính trị.
Với những thành tích đóng góp cho đất nước, cho ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện đã được Đảng, Nhà nước và các tổ chức Quốc tế trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba năm 1998, Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2003 và Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2012. Nhiều tập thể và cá nhân của Viện được tặng các danh hiệu và giải thưởng cao quý: Danh hiệu Anh Hùng Lao động cho cố Viện trưởng, Tiến sỹ Nông học Lương Định Của; cố PGS. Phan Hùng Diêu và PGS.TS. Tạ Minh Sơn. Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN và Giải thưởng Koshihikari của Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế IRRI cho cố Viện trưởng, GS.VS. Vũ Tuyên Hoàng; Giải thưởng cấp Nhà nước về Lúa lai cho PGS.TS. Nguyễn Trí Hoàn; Giải thưởng của Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế IRRI cho KS. Mai Thị Miên; Giải thưởng Tài năng sáng tạo nữ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho TS. Nguyễn Thị Chinh…Ngoài ra, nhiều đơn vị và cá nhân của Viện đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Bằng khen của Thủ Tướng Chính Phủ và nhiều bằng khen các loại khác.
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ nông nghiệp qua các thời kỳ và Bộ Nông nghiệp – PTNT ngày nay, sự giúp đỡ quý báu của Bộ Khoa học công nghệ và các Bộ, ngành có liên quan; gần đây là sự lãnh đạo và quan tâm trực tiếp của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, sự phối hợp có hiệu quả của các đơn vị nghiên cứu trong Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và các Viện, trường khác trong cả nước. Viện cũng nhận được sự quan tâm giúp đỡ thường xuyên của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương; của huyện Ủy, Ủy ban nhân dân huyện Gia Lộc; của Lãnh đạo xã Liên Hồng, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội và của lãnh đạo xã Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội. Viện còn nhận được sự giúp đỡ và hợp tác của nhiều cơ quan nghiên cứu, các trường đại học nông nghiệp, cao đẳng khác trong cả nước, của các tổ chức quốc tế và cơ quan đại diện của nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn về sự giúp đỡ và hợp tác quý báu đó.
Phát huy truyền thống 45 năm xây dựng và phát triển, Viện xác định nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn mới là:
(i) Xây dựng Viện thành một trong những Trung tâm khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước về cây lương thực và cây thực phẩm, đáp ứng yêu cầu cung cấp luận cứ khoa học, công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia, phát triển nông nghiệp hàng hóa, bền vững và thân thiện với môi trường.
(ii) Xây dựng tiềm lực KHCN của Viện; nghiên cứu và chuyển giao nhanh các TBKT phù hợp với các vùng sinh thái khác nhau, đặc biệt là cho vùng ĐBSH, nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm nông nghiệp lớn, có năng suất cao, chất lượng tốt, giá thành hạ, nâng cao tỷ trọng và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa với thị trường trong nước và quốc tế; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, lao động và nguồn vốn; tăng nhanh thu nhập và cải thiện đời sống của người dân.
Viện sẽ tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể sau đây:
– Nghiên cứu để cung cấp luận cứ khoa học, công nghệ tiên tiến góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất các cây trồng chủ lực như lúa, cây đậu đỗ, cây có củ trên phạm vi cả nước, đặc biệt cho vùng ĐBSH.
– Nghiên cứu cơ bản có định hướng về các lĩnh vực: di truyền, sinh lý, sinh hóa, công nghệ sinh học…phục vụ cho công tác chọn tạo giống, nhân giống và thâm canh giống cây trồng. Ứng dụng công nghệ sinh học, trước hết là công nghệ tế bào, công nghệ gen, chỉ thị phân tử phục vụ công tác chọn tạo giống mới, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác nghiên cứu chọn tạo giống, nhân giống, biện pháp kỹ thuật canh tác đối với các cây lương thực và cây thực phẩm chủ lực (lúa, đậu đỗ, cây có củ).
– Chọn tạo và cung cấp cho sản xuất các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với dịch hại chính và điều kiện bất thuận, thích hợp với các vùng sinh thái và mùa vụ khác nhau; có tính cạnh tranh cao so với giống cây trồng thương mại của các công ty giống nước ngoài cung ứng tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực lúa thuần, lúa lai, cây đậu đỗ và cây có củ, cây thức ăn chăn nuôi. Ưu tiên các nghiên cứu sử dụng ưu thế lai trong chọn tạo giống cây trồng, coi đây là hướng đột phá để nâng cao năng suất và chất lượng nông sản.
– Viện cũng sẽ dành sự quan tâm thích đáng cho việc nghiên cứu chọn tạo giống rau quả, một lĩnh vực Viện đã có thế mạnh và nhiều thành tựu; chú trọng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế, phát triển bền vững và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
– Xây dựng kỹ thuật “Quản lý Cây trồng Tổng hợp (ICM)” đối với các loại cây chủ lực để đạt hiệu quả kinh tế tối đa đối với mỗi cây trồng hoặc cơ cấu cây trồng theo mùa vụ trong năm của vùng đồng bằng sông Hồng. Nghiên cứu cơ sở khoa học và mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, lưa chọn kỹ thuật phù hợp với trình độ lao động và khả năng đầu tư; đảm bảo có sức cạnh tranh cao. Phát huy lợi thế cây trồng trong vụ đông ở đồng bằng sông Hồng.
– Chuyển giao nhanh các TBKT của Viện vào sản xuất; nâng cao tỷ lệ diện tích sử dụng các giống và TBKT do Viện tạo ra trong sản xuất, phấn đấu che phủ 40 – 45% diện tích lúa thuần tại vùng ĐBSH vào năm 2015. Về lúa lai, kết hợp giữa nghiên cứu và sản xuất giống, góp phần đưa diện tích lúa sử dụng hạt giống lai sản xuất trong nước đạt 40 – 50% vào năm 2015.
– Nghiên cứu Hệ thống nông nghiệp với tiếp cận tổng hợp kinh tế xã hội, kết hợp với phát triển công nghệ nhằm thúc đẩy hệ thống sản xuất bền vững và theo nhu cầu của thị trường. Nghiên cứu các thể chế tổ chức sản xuất nông hộ, các loại hình hợp tác trong nông thôn, các thể chế quản lý chất lượng trong ngành hàng, các phương pháp khuyến nông kinh tế xã hội tiên tiến, các chính sách chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn và các biến động của thị trường nông sản. Nghiên cứu theo ngành hàng nhằm phát huy lợi thế so sánh về sinh thái và năng lực cạnh tranh của các ngành hàng trên thị trường trong và ngoài nước.
– Nghiên cứu phát triển cây thức ăn chăn nuôi, theo hướng đa dạng hàng hóa về chủng loại và giàu dinh dưỡng, trong đó ưu tiên phát triển nguồn thức ăn giầu đạm trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất để góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển.
– Trong bối cảnh hội nhập quốc tế đòi hỏi tính cạnh tranh cao về sản phẩm khoa học, cùng với việc thực hiện cơ chế tự chủ , tự chịu trách nhiệm theo quy định tại Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã sắp xếp lại nguồn nhân lực thành 3 phòng quản lý, 5 bộ môn nghiên cứu, 5 trung tâm nghiên cứu chuyên ngành và 01 trung tâm thực nghiệm và sản xuất, 01 công ty cổ phần giống cây trồng Viện Cây lương thực và CTP. Chúng tôi tin tưởng rằng với lực lượng cán bộ khoa học hùng hậu hiện có, được bố trí và sử dụng hợp lý, được sự chỉ đạo và giúp đỡ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cùng các cơ quan liên quan, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm sẽ hoàn thành xuất sắc nghiệm vụ được giao, xứng đáng là một trung tâm khoa học nông nghiệp quốc gia và khu vực, góp phần quan trọng trong chiến lược bảo đảm an ninh lương thực, đóng góp xứng đáng vào việc xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam văn minh hiện đại.
Hải Dương, tháng 11 năm 2013
VIỆN CÂY LƯƠNG THỰC VÀ CTP