BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT – BỘ CÔNG THƯƠNG: HỘI NGHỊ BÀN CÁC GIẢI PHÁP NHẰM THÁO GỠ KHÓ KHĂN, ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU NHÓM HÀNG NÔNG SẢN, THỦY SẢN
Ngày 3/6/2014, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức Hội nghị bàn các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, cùng đại diện Hiệp hội các ngành hàng và doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản. Về phía Trung tâm Khuyến nông Quốc gia có TS. Trần Văn Khởi – PGĐ Trung tâm dự. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát chủ trì Hội nghị.
Theo báo cáo của Bộ Công thương, số liệu ước tính của liên Bộ, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản trong 5 tháng đầu năm 2014 đạt 8,92 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2013, chiếm tỉ trọng 15,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Trong đó, xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ; cà phê đạt gần 2 tỷ USD, tăng 31,3%; hạt tiêu 669 triệu USD, tăng 47,7%; hạt điều 617 triệu USD, tăng 11,3%; rau quả đạt 475 triệu USD, tăng 28,4%… Dự kiến xuất khẩu nhóm hàng hóa nông sản, thủy sản năm 2014 đạt khoảng 21,0 tỷ USD, tăng 5,8% so với năm 2013.
Tại Hội nghị hai Bộ đã đưa ra những giải pháp chung cơ bản nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất cũng như xuất khẩu của các doanh nghiệp nông sản, thủy sản như sau:
1. Giải pháp về công tác quy hoạch và phát triển sản xuất nông nghiệp: Thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu trong nông nghiệp, phát triển theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững nhằm tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Xây dựng và phê duyệt quy hoạch tổng thể sản xuất và tiêu thụ hàng nông sản, thủy sản.
2. Giải pháp về đào tạo: Tập huấn cho các hộ nông dân sản xuất, nuôi trồng, chế biến nhóm hàng nông sản, thủy sản về cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để thu được sản phẩm sạch, chất lượng cao. Tăng cường mở rộng các hình thức hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ nguồn tài trợ nước ngoài.
3. Giải pháp về quản lý chất lượng sản phẩm: Xây dựng và thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với nhóm hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả xuất khẩu. Tăng cường công tác kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyển, buôn bán hàng nông sản, thủy sản nhập lậu gây ảnh hưởng đến sản xuất tiêu thụ.
4. Giải pháp về tiếp cận vốn: Tập trung giải quyết vấn đề vốn và lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản, thủy sản: Đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội ngành hàng để đảm bảo vốn đến đúng địa chỉ cần thiết. Tăng cường vai trò của Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong việc tháo gỡ khó khăn về vốn và lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản.
5. Giải pháp về phát triển thị trường: Rà soát nhu cầu tiêu dùng nông sản, thủy sản tại các thị trường, cơ chế và chính sách nhập khẩu của các nước; tích cực đàm phán, mở rộng thị trường cho xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam. Tăng cường công tác cập nhật, theo dõi thông tin, diễn biến tình hình sản xuất, sản lượng, tồn kho, chính sách và nhu cầu xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản tại các thị trường. Tăng cường thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại đối với nhóm hàng nông sản, thủy sản tại các thị trường trọng điểm. Tăng cường tìm kiếm, giới thiệu khách hàng, thị trường có nhu cầu nhập khẩu. Tập trung nắm bắt tình hình áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch, rào cản kỹ thuật và thương mại, các vụ kiện của các nước nhập khẩu đối với nhóm hàng nông sản, thủy sản trong nước để kịp thời thông tin cho các đơn vị liên quan và các doanh nghiệp. Chủ động đề xuất các giải pháp và phối hợp thực hiện nhằm đấu tranh có hiệu quả ��ối với các rào cản kỹ thuật và thương mại không phù hợp đối với nhóm hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Tham dự và có ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, đối với mặt hàng thủy sản thì tình hình xuất khẩu tốt, 5 tháng đầu năm 2014 tăng gần 30% về kim ngạch so với năm 2013. Tuy nhiên doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn gặp rất nhiều khó khăn, đề nghị cơ quan quản lý nhà nước quan tâm hơn đến doanh nghiệp khi ban hành các chính sách về kiểm soát chất lượng sản phẩm thủy sản, thức ăn chăn nuôi… trong chuỗi nuôi trồng thủy sản. Bà Trần Thị Thúy Hoa – Chánh văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam chia sẻ, để tháo gỡ khó khăn cho ngành cao su, bà kiến nghị nhà nước nên giảm thuế xuất khẩu cao su về 0% như các mặt hàng nông sản khác. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị đã kiến nghị các ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các khoản vốn vay ưu đãi. Về khuyến nông, ông Đặng Hoàng Giang – Phó Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm ban hành “Đề án Tái canh Phát triển điều bền vững giai đoạn 2015 – 2017″…
Qua kiến nghị của các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp để có những điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, sản xuất 5 tháng đầu năm 2014 của nhiều mặt hàng trong nước như thủy sản, lúa gạo… đều tăng mạnh. Lúa Đông Xuân được mùa, chăn nuôi phục hồi, nuôi trồng thủy sản cũng đang rất sôi động. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã kết hợp với Bộ Công thương và các cơ quan liên quan đang khẩn trương đàm phán các hiệp định thương mại tự do nhằm mở rộng thêm các thị trường mới, đặc biệt là đàm phán TPP. Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã có nhiều cuộc họp phối hợp với Bộ Ngoại giao nỗ lực hết mình tháo gỡ vướng mắc, mở cửa cho các mặt hàng với từng loại rau quả, từng loại thủy sản vào các thị trường lớn như Nga, Mehico, Mỹ…
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn bởi suy thoái kinh tế nhưng với nỗ lực của các doanh nghiệp và các ngành hàng, hoạt động sản xuất, kinh doanh nhóm hàng nông sản, thủy sản những tháng đầu năm 2014 đã đạt được kết quả tích cực. Hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản đang phải đối diện với nhiều khó khăn, vướng mắc khi nhu cầu tiêu thụ của các thị trường nhập khẩu vẫn còn yếu, áp lực cạnh tranh cao. Trong thời gian tới Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và PTNT khẩn trương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường mới, xây dựng thương hiệu rau quả, xử lí các vấn đề liên quan tới ch��ng bán phá giá và các rào cản thương mại, trong đó đặc biệt sẽ tập trung đẩy nhanh đàm phán TPP.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Cao Đức Phát ký kết Bản ghi nhớ về phối hợp công tác nhằm đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản
Trong khuôn khổ Hội nghị, nhằm góp phần tăng cường phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và PTNT, hoàn thành tốt hơn nữa các giải pháp đặt ra, sớm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản trong năm 2014 cũng như trong các năm tiếp theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Cao Đức Phát đã ký kết Bản ghi nhớ về phối hợp công tác nhằm đ���y mạnh tiêu thụ và xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản.
nongnghiep.vn