BẮC NINH: TRIỂN VỌNG GIỐNG LÚA GIA LỘC 105 TẠI YÊN PHONG

Trong nhiều năm nay, giống lúa chủ tại khu vực huyện Yên Phong là Khang dân đột biến (KDĐB) và Khang dân 18 (KD 18). Vì tính thích ứng của 2 giống lúa này rộng và cho năng suất ổn định. Nhưng 2 giống này cũng có nhiều nhược điểm như: Chất lượng gạo kém, hàm lượng amyloza cao (>23%), chất lượng thương phẩm thấp, khả năng chống chịu sâu bệnh kém. Vì vậy, cần phải có những giống lúa có năng suất, chất lượng khá, khả năng chống chịu sâu bệnh hại tốt hơn để thay thế dần 2 giống lúa trên.

Đứng trước tình hình đó, vụ xuân năm 2016 Viện Cây lương thực và Thực phẩm kết hợp với Trạm Khuyến nông huyện Yên Phong triển khai làm mô hình giống lúa Gia Lộc 105 tại 4 HTX là Đại Lâm, Thọ Đức (Xã Tam Đa), Trác Bút (Thị trấn Chờ) và Đông Xuất (Xã Đông Thọ); Mỗi HTX là 05ha.

Giống lúa Gia Lộc 105 do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo từ tổ hợp lai P6/Xi23//IRBB7/Q5 và chọn lọc theo phương pháp phả hệ từ năm 2008. Giống đã được công nhận cho sản xuất thử theo Quyết định số 78/QĐ-TT-CLT ngày 19/3/2014 của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Giống GL105 có thời gian sinh trưởng 105-110 ngày (Vụ mùa) và 130-135 ngày (Vụ xuân, gieo vãi); Chiều cao cây 100-105 cm, sinh trưởng nhanh, mạnh, đẻ nhánh sớm, khỏe và đều, bộ lá màu xanh đậm, chịu rét tốt; Bông to, hạt bầu dài, tỷ lệ hạt chắc cao, hạt màu vàng sáng, vỏ trấu mỏng, chất lượng gạo khá, cơm mềm; Khả năng chống đổ khá, chống chịu sâu bệnh tốt (ít nhiễm bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá và rầy nâu); Có nhiều ưu điểm vượt trội hơn 2 giống lúa thuần đang được dùng phổ biến hiện nay (Khang dân 18 và Q5); Năng suất vụ xuân đạt 70-75 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt 80 – 85 tạ/ha, vụ mùa đạt 60-65 tạ/ha, thâm canh tốt có thể đạt 70-75 tạ/ha.
Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, 100% giá giống và 3kg kali/sào. Tất cả các hộ nông dân tham gia mô hình đều gieo mạ và cấy trong khung thời vụ cho phép. Tại các điểm gieo cấy giống lúa Gia Lộc 105 đều sinh trưởng phát triển tốt, chống chịu sâu bệnh tốt hơn giống Khang dân 18. Tuy nhiên giống lúa Gia Lộc 105 kháng vừa rầy nâu, nhiễm nhẹ bệnh bạc lá và khô vằn do đó cần bón phân cân đối và phòng trừ sâu bệnh kịp thời nhằm hạn chế việc ảnh hưởng của sâu bệnh hại đến năng suất và chất lượng của giống.
Các hộ nông dân tham gia mô hình đều hài lòng về giống lúa Gia lộc 105 và mong muốn được gieo cấy giống này ở các vụ tiếp theo. Các cấp, các ngành và các hộ nông dân đều đánh giá đây là giống có triển vọng, có thể thay thế một số giống cũ đang cấy tại địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao hơn trên đơn vị diện tích canh tác.

Nguồn mard.gov.vn