BÍ XANH SỐ 1 CHO HIỆU QUẢ KINH TẾ CAO
Tam Dương là một trong số những huyện có phương thức sản xuất chuyên canh, thâm canh rau màu, hàng năm cung cấp cho thị trường khối lượng lớn rau, quả các loại. Nhiều năm trở lại đây, rau quả của Tam Dương được người tiêu dùng cũng như thị trường biết đến bởi chất lượng rau xanh an toàn.
Bí xanh là cây rau truyền thống ở Việt Nam, được xếp vào nhóm các loại rau được người sản xuất và người tiêu dùng hết sức quan tâm. Bởi vì bí xanh là cây rau ăn quả, trong quả có chứa hàm lượng dinh dưỡng khá, sử dụng đa dạng. Bí xanh, ngoài giá trị làm rau xanh thông dụng, an toàn, còn có thể làm nguyên liệu chế biến bánh mứt, kẹo có giá trị.
Bí xanh được trồng nhiều trong vụ Đông ở Tam Dương tuy nhiên hộ nông dân vẫn sử dụng các giống địa phương và thâm canh theo kiểu truyền thống nên năng suất chất lượng sản phẩm chưa cao. Phối hợp với Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, vụ Xuân hè 2012, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN Vĩnh Phúc đã triển khai sản xuất thử nghiệm 30ha bí xanh số 1 tại xã Vân Hội với hơn 300 hộ nông dân tham gia.
Giống bí xanh số 1 đã được công nhận đặc cách là giống Quốc gia năm 2008, là giống thích hợp trồng cả 2 vụ Xuân hè và Thu đông, có thời gian sinh trưởng từ 110 – 120 ngày; chiều dài thân chính 3,0 – 3,5 m, phân cành trung bình, lá xanh đậm, chẻ thuỳ trung bình, quả dài trung bình 45 – 65 cm, vỏ xanh đậm, khi chín phủ lớp phấn trắng, cùi dày, đặc ruột, ít hạt; chống chịu bệnh héo xanh, phấn trắng khá; có năng suất trung bình 45 – 55 tấn/ha ở vụ Xuân hè và 40 – 45 tấn/ha ở vụ Thu đông.
Đánh giá hiệu quả sản xuất bí xanh số 1 tại Tam Dương, ông Phan Văn Ca chủ nhiệm hợp tác xã Vân Hội cho biết: Sản xuất bí xanh số 1 tại Vân Hội có khả năng duy trì, mở rộng ra sản xuất. Kết quả mô hình cho thấy: bí xanh số 1 sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt từ 29 – 31 tấn/ha trong vụ Xuân hè, cao hơn hẳn so với trồng giống bí xanh cũ của địa phương và cho lãi thuần 30-33 triệu đồng/ha/vụ, gấp 2 – 4 lần so với cấy lúa và gấp 1,2 – 1,4 lần so với trồng giống bí xanh cũ của địa phương, đã góp phần nâng cao năng lực và trình độ dân trí, nâng cao nhận thức và thay đổi tập quán canh tác cũ của người nông dân, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động thuần nông ở nông thôn, nâng cao tỷ lệ sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho chính người dân tham gia mô hình và cho xã hội.
Nguồn:Trung tâm Thông tin Nông nghiệp & PTNT