Hội thảo đầu bờ giống lạc L29
Sáng ngày 26/5/2022, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả thực hiện mô hình khảo nghiệm giống lạc L29.
Tới dự hội nghị có các đồng chí Đinh Công Chính, Phó trưởng phòng cây lương thực và cây thực phẩm- Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam; đồng chí Nguyễn Trọng Khanh, Viện Trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm; đồng chí Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cùng đại diện các phòng ban chức năng Sở NN&PTNT tỉnh; đồng chí Trịnh Văn Mậu, Trưởng phòng NN&PTNT huyện; cùng đại diện các chuyên viên phòng NN&PTNT huyện; Lãnh đạo xã Yên Cường; các đồng chí Phó chủ tịch UBND, Chủ tịch HĐQT các xã, HTX Yên Dương, Yên MỸ, Yên Bình, Yên Lộc, Yên Nhân, Yên Phúc, Yên Thắng, Yên Lương, Yên Cường, Yên Đồng
Cây lạc là một trong những cây công nghiệp ngắn ngày mang lại giá trị kinh tế ổn định cho bà con nông dân xã Yên Cường nói riêng và nông dân huyện Ý Yên nói chung, đặc biệt là các xã có diện tích trồng màu lớn. Tuy nhiên, do việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như canh tác còn nhỏ lẻ, phòng trừ sâu bệnh hại, sử dụng các giống lạc cũ… nên năng suất, hiệu quả thấp. Để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế – xã hội trên một đơn vị diện tích và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất thâm canh lạc; vụ đông xuân 2021-2022, được sự hỗ trợ của Dự án Khuyến nông Trung ương, Trung tâm nghiên cứu và Phát triển đậu đỗ-Viện cây lương thực và cây thực phẩm phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, UBND xã Yên Cường Xây dựng mô hình sản xuất các giống lạc mới năng suất, chất lượng cao và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đây là mô hình liên kết sản xuất Lạc gắn với tiêu thụ sản phẩm. Mô hình được thực hiện với quy mô 10 héc-ta, tại HTX Nam Cường xã Yên Cường. Giống lạc L29 do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Đậu đỗ, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm cung ứng và hỗ trợ. Khi triển khai mô hình, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm đã tổ chức tập huấn 4 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc cây Lạc; trong đó, có 2 lớp, mỗi lớp 50 học viên là nông dân tại cơ sở thực hiện; 2 lớp mỗi lớp 30 học viên là cán bộ kỹ thuật, khuyến nông của các xã trên địa bàn huyện. Tại mô hình khảo nghiệm các hộ đã được Viện Cây lương thực và cây thực phẩm hỗ trợ giống, phân bón. Quá trình triển khai thực hiện, giống lạc L29 sinh trưởng và phát triển tốt. Qua đánh giá, tỷ lệ nảy mầm của giống lạc L29 đạt 92-95%, ra hoa lần đầu sau 40- 42 ngày và ra rộ tập trung khi đến 48-50 ngày; thời gian sinh trưởng cây lạc từ 115-120 ngày và phù hợp với điều kiện sản xuất vụ đông – xuân tại huyện Ý Yên; cây lạc chống chịu được thời tiết hạn nên tỷ lệ chết giảm so với các giống lạc khác, khả năng chống chọi các loại sâu bệnh như bệnh gỉ sắt, đốm nâu, đốm đen và các loại sâu như sâu xanh, sâu khoang, sâu ăn lá rất tốt. Kiểm tra thực tế tại đồng ruộng cho thấy, giống lạc L29 có số củ chắc trên cây khá cao, trung bình từ 20-25 củ/khóm, năng suất đạt 4 tấn/ha, cao hơn so với giống lạc Sán Dầu 305 đến 6 tạ/ha. Sản xuất 1 ha giống lạc L29 dự kiến đạt 69,3 triệu đồng/ha, tăng 28,5% so với trồng giống lạc Sán Dầu 30 và tăng 23% so với trồng giống lạc Trạm dầu 207. Từ kết quả thực hiện mô hình đã mở ra triển vọng ứng dụng trồng lạc L29 với các biện pháp kỹ thuật đi kèm, sẽ giúp cải thiện chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, góp phần tăng thu nhập cho nông dân trồng lạc trên địa bàn.
Cũng tại mô hình khảo nghiệm, nhiều ý kiến đã thảo luận và đánh giá bước đầu giống lạc mới L29 có năng suất cao, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Để có cơ sở khuyến cáo cho bà con cũng như lựa chọn được giống lạc năng suất cao, chất lượng, phù hợp với điều kiện tự nhiên và đưa vào cơ cấu giống sản xuất tại địa phương, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, các xã trong huyện đề nghị Viện Cây lương thực và cây thực phẩm tiếp tục thực hiện mô hình ở một số địa phương khác trên các chân đất khác nhau trong vụ tiếp theo để theo dõi, đánh giá khẳng định tính thích nghi, mức độ ổn định của giống./.
(T/h:Đoàn Hương-Trung tâm VHTT&TT huyện)