GIỐNG LÚA THUẦN TBR97 (GIA LỘC 97)

GIỐNG LÚA THUẦN TBR97 (GIA LỘC 97)

1. Nguồn gốc:
– Giống lúa thuần TBR97 (Gia lộc 97) do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo từ tổ hợp lai GL107/Khang dân 18//IRBB5. Giống được Cục Trồng trọt công nhận lưu hành tại Quyết định số 194/QĐ-TT-CLT ngày 01/8/2022 (các tỉnh Duyên Hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên) và Quyết định số 424/QĐ-TT-CLT ngày 21/11/2023 (các tỉnh Trung du Miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc trung bộ và Đông nam bộ) của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT.
– Nhóm tác giả: Nguyễn Thị Anh; Nguyễn Trọng Khanh; Phạm Văn Tính
– Tổ chức đăng ký lưu hành: Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed
2. Đặc tính của giống:
– TBR97 (Gia lộc 97) là giống lúa cảm ôn, thích ứng rộng, chịu thâm canh.
– Giống có thời gian sinh trưởng ngắn:
+ Các tỉnh phía Bắc (từ Thừa thiên Huế trở ra): vụ Xuân 120 – 125 ngày, vụ Mùa 100 – 105 ngày;
+ Các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: vụ Đông Xuân 105 – 110 ngày, vụ Hè Thu 95-100 ngày;
+ Các tỉnh Nam Bộ: 95 -100 ngày.
– Chiều cao cây 90-100 cm, dạng hình gọn, cứng cây, đẻ nhánh khỏe, trỗ bông tập trung, số hạt/bông trung bình đạt 165 – 200 hạt, màu vàng sáng, tỷ lệ hạt chắc cao. Khối lượng 1000 hạt 21 – 22 gram. Tỷ lệ gạo xát 68,0%, tỷ lệ gạo nguyên/gạo xát 71-78%, hàm lượng amylose 17,2%, hạt gạo dài, trong, cơm trắng, bóng, mềm, đậm, ngon vừa.
– Giống chống chịu bệnh đạo ôn và rầy nâu khá tốt, nhiễm nhẹ bệnh bạc lá và đốm nâu.
– Năng suất đạt 70 – 75 tạ/ha (vụ đông xuân/xuân), thâm canh cao có thể đạt 75 – 80 tạ/ha; 60 – 65 tạ/ha (vụ hè thu/mùa).
3. Hướng dẫn sử dụng
3.1 Chân đất thích hợp: Vàn cao, vàn
3.2 Lượng giống sử dụng: Các tỉnh phía Bắc: 35 – 40 kg/ha; Các tỉnh Miền Trung: 60 – 70kg/ha; Các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ: 80 – 100 kg/ha.
3.3 Ngâm ủ:
Ngâm hạt giống: Các tỉnh phía Bắc vụ đông xuân và Xuân ngâm 30 – 36 giờ, vụ hè thu và Mùa ngâm 22 – 24 giờ; Các tỉnh phía Nam ngâm 22 – 24 giờ. Ngâm hạt giống trong nước sạch; cứ 6 giờ thay nước, rửa chua một lần. Khi hạt giống đã hút đủ nước thì rửa sạch, để ráo nước rồi đem ủ.
Ủ hạt giống: Ủ nơi thoáng mát, không đọng nước. Vụ đông xuân và Xuân ở các tỉnh phía Bắc ủ ấm ngay từ đầu để tạo nhiệt. Sau 8 – 10 giờ kiểm tra, nếu hạt khô phải tưới thêm nước, nếu quá nóng phải rải mỏng để hạ nhiệt; ủ tiếp đến khi hạt thóc ra mộng và rễ đều thì đem gieo.
3.4 Thời vụ và mật độ gieo cấy:
* Miền Bắc: Thời vụ gieo mạ: Vụ Xuân gieo mạ từ 01 – 10/02, vụ Mùa từ 05/6 – 05/7 (Bắc Trung Bộ: Vụ Đông Xuân từ 15 – 30/01, vụ Hè Thu từ 15/5 – 15/6).
Tuổi mạ khi cấy: Vụ đông xuân và vụ Xuân: Mạ nền 2,5 – 3,0 lá, mạ dược 4 – 4,5 lá; vụ hè thu và vụ Mùa: Mạ nền 9 – 10 ngày, mạ dược 15 – 18 ngày.
Mật độ cấy: 40 – 45 khóm/m2, cấy 2 – 3 dảnh/khóm.
Thời vụ gieo thẳng: Gieo thẳng sau gieo cấy 5 – 7 ngày (tham khảo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp địa phương).
* Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: Vụ đông xuân từ 20/12 – 10/01, hè thu từ 15 – 30/5.
* Nam Bộ: Vụ đông xuân từ 15/11 – 30/12, hè thu từ 15/4 – 30/5, Thu Đông từ 01/7 – 15/8.
(Tham khảo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp địa phương).
3.5 Phân bón: Tùy theo chân đất và thời vụ để xác định loại phân và lượng bón cho phù hợp. Bón đủ lượng, bón cân đối, bón lót sâu, bón thúc sớm, bón tập trung. Khuyến cáo nên sử dụng phân bón NPK tổng hợp chuyên dùng cho lúa theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
3.6 Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh: Theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp địa phương.

4. Địa chỉ liên hệ: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần
+ Địa chỉ: Xã Liên Hồng – Thành phố Hải Dương – TỉnhHải Dương
+ Điện thoại: 02203716928
+ Fax: 02203716615
+ Email: luathuan.fcri@mard.gov.vn

  • :