Giống Đậu xanh ĐX23

Giống Đậu xanh ĐX23

I- Nguồn gốc, xuất xứ:

Giống đậu xanh ĐX23 được Trung tâm nghiên cứu & Phát triển Đậu đỗ, Viện Cây lương thực & Cây thực phẩm chọn lọc ra từ dòng đậu xanh thuần nhập nội. Giống đậu xanh ĐX23 có kiểu sinh trưởng hữu hạn, lá màu xanh đậm, sinh trưởng khoẻ, quả chín tập trung, hạt có màu xanh mốc. Thời gian sinh trưởng từ 72 – 80 ngày, kháng trung bình bệnh khảm lá; quả có từ 11,8  – 12,0 hạt; khối lượng 1.000 hạt từ 62 – 63g. Năng suất đạt từ 1,7 – 1,9 tấn/ha, thích ứng rộng, trồng được ở 02 thời vụ trong năm (vụ Xuân; vụ Hè).

Giống đậu xanh ĐX23 được Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm tự công bố lưu hành theo công văn số 67/VCLT-KH ngày 1 tháng 3 năm 2024, đăng tải trên cơ sở dữ liệu Cục trồng trọt ngày 13/03/2024

+ Nhóm tác giả: Nguyễn Xuân Thu, Nguyễn Xuân Đoan, Đặng Văn Duyến, Nguyễn Ngọc Quất, Trịnh Thị Thùy Linh, Nguyễn Thị Liễu, Nguyễn Thị Quý;

– Phạm vi áp dụng: Các tỉnh phía Bắc.

  1. NỘI DUNG

2.1. Thời vụ gieo trồng:

– Tại các tỉnh ĐBSH: vụ Xuân : từ  15/2 – 15/3; vụ Hè: từ 01/6 – 10/6.

– Tại các tỉnh MNPB: vụ Xuân : từ 15/2 – 15/3; vụ Hè: từ 01/6 – 10/6.

– Tại các tỉnh BTB:     vụ Xuân : từ   20/1 – 05/2; vụ Hè: từ 25/5 – 05/6.

2.1.3. Làm đất

– Giống đậu xanh Đ23 trồng được trên nhiều loại đất khác nhau (đất ruộng, đồi núi, đất bãi ven sông, ven biển,..). Tuy nhiên, thích hợp nhất là loại đất thịt nhẹ, đất phù xa, đất giàu dinh dưỡng, tơi xốp, thoát nước tốt, đủ ẩm, độ pH từ 5,5 – 6,5.

– Ở những chân đất cao, bằng phẳng phải cày bừa kỹ, độ sâu tối thiểu từ 15 – 20cm, san phẳng để hạn chế úng cục bộ. Trên những chân đất đồi, gò, đất dốc, cần dọn sạch cỏ, san đất, thiết kế theo băng, theo đường đồng mức hoặc ruộng bậc thang và không được rạch hàng theo hướng chiều dốc.

– Ở những chân đất thấp, bằng phẳng lên luống có chiều cao 20 – 25cm, rãnh rộng 30 – 40cm, chiều rộng mặt luống 1,0 m, chiều dài tùy thuộc vào mặt bằng của đất.

2.3. Chuẩn bị hạt giống

– Yêu cầu hạt giống: Độ thuần, kích cỡ đồng đều, không dị dạng, không bị sâu mọt, tỷ lệ nẩy mầm đạt ≥ 80 %

– Xử lý hạt giống: Xử lý hạt giống với các loại thuốc trừ nấm được khuyến cáo sử dụng trong phòng trừ bệnh gây chết cây con

2.4. Mật độ và phương pháp gieo

– Mật độ:

+ Tại các tỉnh ĐBSH: Vụ Xuân nên gieo với mật độ khoảng 25 cây/m2 (tương đương khoảng cách 40cm x 18cm x 2 cây/hốc; hoặc 17 – 20 kg hạt giống/ha); Vụ hè gieo với mật độ 20 cây/m2 (tương đương khoảng cách 40cm x 20cm x 2 cây/hốc; hoặc 15 – 17kg hạt giống/ha);

+ Tại các tỉnh MNPB: Vụ Xuân nên gieo với mật độ khoảng 25 cây/m2 (tương đương khoảng cách 40cm x 18cm x 2 cây/hốc; hoặc 17 – 20 kg hạt giống/ha); Vụ hè gieo với mật độ 20 cây/m2 (tương đương khoảng cách 40cm x 20cm x 2 cây/hốc; hoặc 15 – 17kg hạt giống/ha);

+ Tại các tỉnh BTB: Vụ Xuân nên gieo với mật độ khoảng 25 cây/m2 (tương đương khoảng cách 40cm x 18cm x 2 cây/hốc; hoặc 17 – 20 kg hạt giống/ha); Vụ hè gieo với mật độ 20 cây/m2 (tương đương khoảng cách 40cm x 20cm x 2 cây/hốc; hoặc 15 – 17kg hạt giống/ha);

– Phương pháp gieo:

Gieo hạt đậu theo rạch trên mặt luống sau đó dùng hỗn hợp phân (phân chuồng hoai mục hoặc HCVS + lân + tro bếp trộn với đất bột khô) phủ kín hạt đậu, hoặc dùng rơm rạ phủ kín mặt luống.

2.5. Phân bón và cách bón

– 800 kg phân HCVS + 40N + 60P205 + 40K20 (tương đương 80 kg Urê + 400 kg Super Lân + 70 kg Kaliclorua)

– Cách bón:

Bón lót toàn bộ phân hữu cơ + phân lân +1/2 đạm và 1/2 kali. Bón thúc (khi đậu có 4 – 5 lá thật) 1/2 đạm và 1/2 kali, kết hợp vun xới. Nên phun bổ sung phân bón lá Komix, diệp lục tố… kích thích cho cây đậu xanh phát triển nhanh.

2.6. Chăm sóc và tưới tiêu

– Chăm sóc: Ngay sau khi gieo cần tiến hành kiểm tra toàn bộ diện tích, lấp bổ sung các hạt còn nổi trên mặt đất. Trong vòng 5-6 ngày sau gieo, dùng mạ đậu để dặm vào các chỗ khuyết mật độ, dặm cây đảm bảo mật độ cây đậu đồng đều trên ruộng;  Xới nhẹ lần 1 khi cây có 1-2 lá kép; Xới vun lần 2 khi cây có 4-5 lá kép

– Tưới tiêu: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và căn cứ vào lượng mưa thực tế để điều tiết độ ẩm hợp lý cho cây đậu xanh phát triển. Ở giai đoạn sau gieo 2 – 3 ngày hạt đậu không nứt nanh và giai đoạn cây đậu ra quả non vào chắc nếu đất không đủ độ ẩm thì cần phải tưới bổ sung theo cách tưới nước vào rãnh ngâm từ 8 – 10 giờ, sau đó tháo hết nước ra. Tuyệt đối không để đậu bị úng nước.

2.7. Phòng trừ sâu bệnh

– Trừ sâu: Giai đoạn cây con khi cây mới mọc được 2 lá đơn cần phun phòng dòi đục thân; Các giai đoạn sau phòng trừ đối với sâu ăn lá, sâu đục quả

– Bệnh hại: Bệnh lở cổ rễ, phấn trắng, khảm lá là các bệnh gây hại chủ yếu với giống đậu xanh ĐX23 ở vụ Xuân và vụ Hè, nên phun thuốc định kỳ với các loại thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn của ngành Bảo vệ thực vật.

2.8. Thu hoạch và bảo quản

Thu hoạch khi quả chuyển sang màu đen. Thu hoạch vào những ngày khô ráo, quả được phơi 1 – 2 nắng rồi đập lấy hạt. Phơi hạt trên bạt đến khi độ ẩm đạt 12%, để nguội, sau đó đựng trong bao/túi nilon, bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

Lưu ý: giống đậu xanh ĐX23 ra quả tập trung nên chỉ cần thu hoạch từ 2-3 lần/vụ./.