KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ MỘT SỐ NHIỆM VỤ KHOA HỌC THỰC HIỆN VỤ XUÂN 2020

Từ ngày 15-16/5/2020, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm tổ chức đoàn thăm quan, đánh giá các nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ triển khai tại Thái Bình, Nam Định và Thanh Hóa. Đại diện đoàn kiểm tra gồm có TS. Dương Xuân Tú – Phó Viện Trưởng; TS. Phan Thị Thanh – Phó trưởng phòng Khoa học và HTQT, đại diện Lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Lúa lai, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển  Đậu đỗ cùng chủ nhiệm các đề tài/dự án và các cán bộ của Viện tham dự.

            Đoàn đã thăm quan và đánh giá các kết quả nghiên cứu về Gói kỹ thuật canh tác tiên tiến nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, mô hình khảo nghiệm giống lúa lai, giống lạc năng suất cao, chất lượng tốt; Mô hình đậu tương  kháng gỉ sắt thực hiện tại các điểm: Thái Thụy-Thái Bình, Vụ Bản – Nam Định; Nga Sơn và Thạch Thành – Thanh Hóa.

          Trong đó có một số dòng, giống triển vọng sau:

             Giống lúa lai 3 dòng HYT325: Giống có thời gian sinh trưởng trung bình Vụ xuân: 128 – 132 ngày, Vụ Mùa:  110 – 112 ngày. Sinh trưởng, phát triển khỏe, đẻ nhánh tập trung, số bông hữu hiệu cao, lá đòng to, dài .  Chiều cao cây đạt 110-115(cm),  Hạt lúa dài, mỏ trắng, Khối lượng 1000 hạt 26 g- 27g, gạo có chất lượng cao, hạt gạo dài, cơm mềm, ngon có mùi thơm nhẹ, Hàm lượng Amylose 18-20%.  Năng suất:  Vụ xuân 75 – 80tạ/ha, vụ mùa 70 – 75tạ/ha. Chống chịu sâu bệnh khá như bạc lá, Rầy nâu (điểm 3).

            Giống lạc L32: Giống có thời gian sinh trưởng : 120 – 125 ngày (vụ xuân) và 95-110 ngày (vụ thu đông). Tỷ lệ nhân đạt 70-720%, P100 hạt 60-70g. Hàm lượng dầu: 50,0-51, % . Năng suất: 4,5-5,5 tấn/ha (vụ xuân), 3,5-4,5 tạ/ha (vụ thu đông).  Giống chịu thâm canh. Kháng khá với các bệnh hại lá chính (điểm 2-3)

            Giống đậu tương Đ9 : Giống được chọn tạo từ tổ hợp lai TL7 x ĐT2000 bằng phương pháp chọn lọc phả hệ kết hợp sử dụng chỉ thị phân tử chọn kiểu gen kháng bệnh gỉ sắt. Đ9 có thời gian sinh trưởng ngắn 90-95 ngày, dạng hình đẹp, thân cứng, sinh trưởng phát triển tốt, phân cành nhiều, hạt to, vỏ hạt vàng sáng … kháng tốt với bệnh gỉ sắt, chống đổ tốt, không tách vỏ quả, tỉ lệ quả 3 hạt cao, năng suất đạt 25-27 tạ/ha.

             Đại diện đoàn kiểm tra: TS. Dương Xuân Tú đánh giá cao việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN trong vụ xuân 2020 . Đặc biệt các đơn vị đã nghiên cứu, chọn tạo và khảo nghiệm nhiều giống mới triển vọng đáp ứng tiến độ nghiên cứu và nhu cầu thực tế sản xuất. Trong thời gian tới Viện cần tập trung công nhận các giống cây trồng mới và mở rộng diện tích trong sản xuất.

Một số hình ảnh thăm đồng ruộng

Mô hình Biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến nâng cao hiệu quả sản xuất lúa tại Vụ Bản – Nam Định

Mô hình lúa lai 3 dòng HYT325 tại Nga Sơn – Thanh Hóa

Mô hình lạc L32 tại Nga Sơn – Thanh Hóa

Mô hình đậu tương Đ9 kháng gỉ sắt tại Thạnh Thành – Thanh Hóa

                                                                                                                                                     Ảnh và bài: Dương Văn Quý