Bỏ tư duy chỉ ‘trưng ra những mô hình đẹp’ trong nghiên cứu khoa học
Trong nghiên cứu khoa học, các đơn vị cần bỏ tư duy chỉ đưa ra những mô hình đẹp, mang tính hình thức, đồng thời đẩy mạnh khả năng triển khai sản xuất thực tế.
Hơn 1 thập kỷ, nghiên cứu thành công 95 giống cây trồng mới
Ngày 2/2, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN-PTNT tới thăm và làm việc tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam).
Theo TS Nguyễn Trọng Khanh, Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, một trong những thành tựu nổi bật trong giai đoạn 2011 – 2022 của Viện là nghiên cứu thành công 95 giống cây trồng mới các loại. Trong đó có 58 giống được công nhận chính thức hoặc công bố lưu hành, 37 giống được công nhận sản xuất thử. Ngoài ra, Viện cũng đã có 6 quy trình được công nhận tiến bộ kỹ thuật mới.
Chia sẻ về định hướng nghiên cứu của Viện trong giai đoạn 2023 – 2030, TS Nguyễn Trọng Khanh cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường nghiên cứu cơ bản có định hướng đặc biệt là về lĩnh vực di truyền, sinh lý, sinh hóa, công nghệ sinh học… phục vụ nghiên cứu chọn tạo và nhân giống cây trồng.
Viện cũng sẽ chọn tạo và phát triển các giống cây trồng mới cho năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh hại chính và điều kiện bất thuận, thích hợp với các vùng sinh thái khác nhau. Nâng cao chất lượng của các giống cây trồng mới để cạnh tranh về chất lượng hàng hóa trong khu vực và tiếp cận được với thị trường quốc tế.
Đặc biệt, Viện sẽ tập trung nghiên cứu và chuyển giao các biện pháp kỹ thuật tổng hợp, nông nghiệp công nghệ cao. Nghiên cứu phát triển các ngành hàng phục vụ thương mại hóa nông sản. Thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, kết nối tiêu thụ sản phẩm khoa học công nghệ. Nghiên cứu đề xuất các chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
“Để có thể đạt được những mục tiêu đó, thời gian tới, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm sẽ tập trung vào các giải pháp mang tính dài hơi. Đặc biệt là công tác phát triển tiềm lực khoa học công nghệ như tăng cường đào tạo các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực nghiên cứu để tiếp cận được các nghiên cứu hiện đại trên thế giới”, TS Nguyễn Trọng Khanh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Viện cũng hướng tới việc xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển, tiếp tục đầu tư tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật phục vụ cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ.
Thời gian tới, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm sẽ xây dựng các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tổng hợp cho từng loại cây trồng. Đa dạng các nguồn kinh phí cho nghiên cứu và triển khai khoa học công nghệ thông qua các nhiệm vụ giao, đấu thầu, đặt hàng của Nhà nước, của các địa phương và nguồn lực từ hợp tác quốc tế.
Tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và hợp tác với các doanh nghiệp trong nghiên cứu, chuyển giao nhằm tăng nguồn kinh phí cho công tác nghiên cứu, đồng thời thúc đẩy phát triển nhanh các sản phẩm khoa học công nghệ của Viện vào sản xuất.
Không để ‘hết đề tài là dừng sản xuất’ trong nghiên cứu khoa học
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Tin, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường, nhận định, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm là một đơn vị lớn, nghiên cứu đa cây nên được ưu tiên số lượng lớn các đề tài nghiên cứu khoa học. Chính vì thế, thời gian qua, Viện đã đạt được nhiều thành tựu về tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Theo đó, ông Tin cho rằng, bên cạnh những nghiên cứu truyền thống, Viện cần tập trung vào các nghiên cứu có chất lượng cao hướng đến việc hỗ trợ sinh kế cho bà con tại miền núi, vùng sâu vùng xa và khu vực khó khăn.
“Bên cạnh đó cần những đột phá về hàm lượng nghiên cứu về công nghệ cao và công nghệ sinh học. Đồng thời Viện cần tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp trong nước và đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế để nâng cao nguồn lực phục vụ cho nghiên cứu khoa học”, đại diện Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, hiện nay, những nghiên cứu về cây trồng của Viện không bị cạnh tranh bởi các doanh nghiệp như sắn, đậu tương, lạc… đóng vai trò quan trọng trong tái cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, với những cây bị cạnh tranh bởi doanh nghiệp như lúa, rau… vẫn còn yếu, các sản phẩm chưa đủ năng lực để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp.
Do đó, ông Cường khẳng định, thời gian tới, Cục Trồng trọt sẽ tiếp tục phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nói chung và Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm nói riêng xây dựng những “đơn đặt hàng” về nghiên cứu giống. Tuy nhiên, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cũng cần xây dựng định hướng, chiến lược “dài hơi” về nhân lực cũng như cơ sở vật chất.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, kế thừa những thành tựu to lớn từ các nhà khoa học nông nghiệp, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm là đơn vị trọng yếu trong việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ trong hệ thống các đơn vị của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
“Tuy các giống lúa của Viện chỉ chiếm tỉ lệ rất ít trong sản xuất nhưng đó chính là tiền thân của các giống lúa mà các doanh nghiệp đang sản xuất đại trà hiện nay. Đặc biệt, nhiều cây rau của Viện có ưu điểm nổi trội về đặc tính so với các đơn vị khác”, ông Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.
Theo đó, lãnh đạo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam kiến nghị, thời gian tới, Viện cần đẩy mạnh sáng tạo và đầu tư thêm vào nghiên cứu cơ bản. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, công tác đặt hàng cũng cần tăng hàm lượng về nhiệm vụ khoa học công nghệ.
Phát biểu chỉ đạo kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhiều lần nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế xã hội còn nhiều phức tạp như hiện nay, vai trò của an ninh lương thực là rất quan trọng. Trong đó không thể không nhắc đến những đóng góp to lớn của khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và trồng trọt nói riêng.
Theo Thứ trưởng, tình hình nhiều biến động mà bị tác động bởi mất an ninh lương thực hay thiếu hụt lương thực thực phẩm sẽ gây ra bất ổn trong xã hội. Tuy nhiên thực tế cũng cho thấy, sự quan tâm, đầu tư cho khoa học công nghệ trong nông nghiệp thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế.
Do đó, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cần phải tiếp tục làm chủ, tự chủ từ nhiệm vụ đến tổ chức và tài chính.
“Đặc biệt, các đơn vị cần bỏ tư duy “trưng” ra những mô hình đẹp, chỉ mang tính hình thức và cần đẩy mạnh triển khai sản xuất thực tế tại địa phương để tạo ra được những sản phẩm hàng hóa có giá trị. Không được để xảy ra tình trạng hết đề tài là dừng sản xuất”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và Cục Trồng trọt, Vụ Khoa học – Công nghệ và Môi trường “chung lưng đấu cật”, người nghiên cứu, người tìm hiểu thị trường, người triển khai trong thực tế.
“Chúng ta đã có không gian, có cơ sở để phát triển. Giai đoạn tới cần đẩy mạnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện cơ sở vật chất, duy tu bảo dưỡng hệ thống trang thiết bị phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, hiện nay, năng suất của các giống lúa đã đạt “trần” tuy nhiên chất lượng mới chỉ ở mức trung bình và thấp. Do đó, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cần cải thiện khả năng chống chịu sâu bệnh để giảm chi phí sản xuất cho người dân trồng lúa.
Đồng thời Viện cần nghiên cứu cải tiến sự đa dạng trong công dụng của lúa gạo, có những phân tích sâu để tạo ra những giống lúa có chức năng và hàm lượng dinh dưỡng phù hợp với từng nhu cầu của từng nhóm người tiêu dùng.
“Đối với cây sắn, Viện cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị để đồng thời nâng cao năng suất cũng như khả năng chống chịu sâu bệnh, đặc biệt là bệnh khảm lá sắn”, đại diện Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phân tích.
Nguồn: nongnghiep.vn