ĐẨY MẠNH VIỆC ỨNG DỤNG CÁC TIẾN BỘ KỸ THUẬT MỚI CỦA VIỆN CÂY LƯƠNG THỰC VÀ CÂY THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
Chiều ngày 19/11/2014, đoàn đại biểu Tỉnh Hải Dương do đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Viện cây lương thực và Cây thực phẩm về chương trình hợp tác nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Cùng đi trong đoàn còn có đồng chí Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh và đại diện lãnh đạo Văn phòng Tỉnh, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch-Đầu tư.
Đón tiếp đoàn có PGS.TS. Nguyễn Trí Hoàn, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện CLT-CTP, ThS. Nguyễn Trọng Khanh, Phó Viện trưởng Viện CLT-CTP, đại diện lãnh đạo các Phòng chức năng và các đơn vị nghiên cứu chuyên môn của Viện.
Mở đầu buổi tiếp, PGS.TS. Nguyễn Trí Hoàn thay mặt Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm nhiệt liệt chào mừng chuyến thăm và làm việc của đoàn đại biểu Tỉnh Hải Dương.
Tiếp theo, đồng chí phó Viện trưởng Nguyễn Trọng Khanh đã giới thiệu tóm tắt về những kết quả Hợp tác giữa Viện và Tỉnh trong thời gian qua, đồng thời đề xuất một số nhiệm vụ hợp tác trong thời gian tới.
Trong 5 năm gần đây, các tiến bộ kỹ thuật nổi bật của Viện cây lương thực và thực phẩm (Viện CLT-CTP) đã được ứng dụng và phát triên mạnh tại Hải Dương, trong đó có 03 mô hình trình diễn và hoàn thiện quy trình sản xuất giống lúa; 01 mô hình trình diễn và hoàn thiện quy trình sản xuất giống lạc; 03 mô hình trình diễn và phát triển giống cây có củ; 08 mô hình giống rau – cây ăn quả; 01 giống lúa chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP; 02 mô hình xây dựng và phát triển nhãn hiệu hàng hóa tập thể. Nhiều giống cây trồng mới của Viện có khả năng thích ứng tốt, cho năng suất, chất lượng cao như giống lúa PC6, P6ĐB, T10; giống khoai tây Sinora, Marabel; giống Bí xanh số 1, số 2; giống ổi trắng, các giống này chống chịu tốt với một số sâu bệnh hại chính, thu nhập của bà con tham gia mô hình được tăng 10-15% so với các hộ chưa tham gia. Tuy nhiên, việc hợp tác, chuyển giao khoa học – công nghệ giữa Viện CLT-CTP với tỉnh Hải Dương vẫn còn nhiều hạn chế trước yêu cầu ngày càng tăng và thay đổi của sản xuất nông nghiệp trong tỉnh Hải Dương.
Tại buổi làm việc, Viện CLT-CTP đã đề xuất với tỉnh một số chương trình hợp tác như: Chương trình chuyển giao và phát triển mô hình canh tác nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới; Xây dựng cánh đồng mẫu lớn gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng thương hiệu, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế; Xây dựng vùng canh tác các giống cỏ làm thức ăn chăn nuôi kết hợp với phát triển đàn bò thương phẩm tại tỉnh; Phát triển mô hình canh tác các giống rau của Hàn Quốc thông qua ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; Phát triển vùng chuyên canh sản xuất ổi và táo.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển đánh giá cao sự hợp tác giữa Viện CLT-CTP và tỉnh trong thời gian qua, đồng thời khẳng định tỉnh Hải Dương sẵn sàng là địa phương đi đầu ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học – công nghệ của Viện CLT-CTP để làm cơ sở nhân ra diện rộng, đây cũng là cơ hội để Hải Dương tiếp cận được các tiến bộ kỹ thuật mới. Đề nghị Viện CLT-CTP tiếp tục đẩy mạnh chuyển giao, áp dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng giống cây trồng mới trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở NN&PTNT đề xuất đưa giống mới vào cơ cấu sản xuất hàng năm của tỉnh cho phù hợp. Viện CLT-CTP phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ việc áp dụng kỹ thuật làm nhà màng, nhà lưới, bảo quản nông sản, sản xuất, tiêu thụ rau Hàn Quốc, canh tác giống lúa mới. Đề nghị ngành Sở Công thương, NN&PTNT và các ngành liên quan nghiên cứu để doanh nghiệp ký kết với bà còn nông dân cung ứng, bao tiêu và xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.
Chuyến thăm và làm việc của đoàn đại biểu tỉnh Hải Dương kết thúc tốt đẹp, các ý tưởng đề xuất, giải pháp khoa học thiết thực hứa hẹn mở ra nhiều triển vọng hợp tác và phát triển giữa Tỉnh và Viện. Hy vọng trong tương lai không xa, với sự hỗ trợ tích cực của Viện trong việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, Tỉnh Hải Dương sẽ khai thác hiệu quả nhất các tiềm năng, thế mạnh, đẩy nhanh tiến trình phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
(Bài viết có sử dụng một số thông tin, ảnh từ Nguồn: http://www.haiduong.gov.vn)