KÝ KẾT CHƯƠNG TRÌNH HỢP TÁC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIỮA TỈNH HẢI DƯƠNG VỚI VIỆN CÂY LƯƠNG THỰC VÀ CÂY THỰC PHẨM GIAI ĐOẠN 2020 – 2030
Viện Cây lương thực và CTP là đơn vị sự nghiệp KHCN đóng trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Giai đoạn 2008 – 2018, Viện đã đề xuất và tham mưu cho tỉnh các nhiệm vụ KHCN có tính cấp thiết, phù hợp với thực tiễn của địa phương. Từ việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN, Viện đã giúp đánh giá và lựa chọn được các tiến bộ kỹ thuật phù hợp với nhu cầu, tiềm năng và lợi thế về khí hậu, đất đai của từng địa phương để ứng dụng, nhân rộng các mô hình vào sản xuất. Các giống cây trồng và tiến bộ kỹ thuật mới được lựa chọn, chuyển giao trên địa bàn tỉnh đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân trong tỉnh.
Để tiếp tục khai thác, phát huy có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên, ngày 21.10.2019, UBND tỉnh Hải Dương và Viện Cây thống nhất ký kết chương trình hợp tác khoa học và công nghệ giữa Tỉnh Hải dương với Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2020 – 2030. Tham dự và chủ trì hội nghị có Đồng chí Nguyễn Anh Cương – Phó chủ tịch UBND Tỉnh; Đại diện Lãnh đạo các Sở, Ban ngành và Đại diện Lãnh đạo các Huyện, Thị xã, Thành phố trên địa bàn tỉnh. Về phía Viện Cây lương thực và CTP có TS. Nguyễn Trọng Khanh, Viện trưởng, TS. Dương Xuân Tú – Phó Viện trưởng, TS. Đoàn Xuân Cảnh – Phó Viện trưởng và đại diện các đơn vị trực thuộc Viện.
Lễ ký kết chương trình hợp tác KHCN giai đoạn 2020-2030
Chương trình khung cho hợp tác phát triển KHCN nông nghiệp giai đoạn 2020-2030 giữa UBND Tỉnh Hải Dương và Viện được ký kết với các mục tiêu cụ thể sau:
1. Lựa chọn và chuyển giao thành công các tiến bộ khoa học công nghệ về giống, kỹ thuật canh tác trong sản xuất lúa, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người trồng lúa vào năm 2030 tăng 15-20% so với năm 2020.
2. Chuyển giao và làm chủ các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật nhân giống, canh tác, bảo quản sau thu hoạch đối với cây hành, tỏi, mủa; góp phần giảm chi phí giống từ 20-30%, mở rộng diện tích hành tỏi trái vụ lên 15-20%, nâng cao thu nhập cho người sản xuất hành tỏi từ 100,0 – 200,0 triệu đồng/ha/vụ, phấn đấu đến năm 2030 tăng giá trị sản xuất cho nông dân trồng hành tỏi toàn tỉnh khoảng 1.200 tỉ – 2.400 tỉ đồng/năm so với năm 2020.
3. Nghiên cứu và chuyển giao được các kết quả nghiên cứu về giống, bảo vệ thực vật, canh tác nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất một số loại rau chủ lực của tỉnh như: cà rốt, bắp cải, súp lơ, dưa chuột, bí xanh….để giảm chi phí đầu vào 15-20%, năng suất đạt ổn định, chất lượng đạt tiêu chuẩn an toàn, tăng tỷ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất so với năm 2020 khoảng 15-30%.
4. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất khoai tây hàng hóa, giảm chi phí sản xuất 10-15%, tăng năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế từ 15-20%.
5. Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất cây ăn quả ngắn ngày (cây na, cây ổi, cây táo) nhằm tăng năng suất 10-15%, có chất lượng tốt, đạt thu nhập từ 200,0 – 250,0 triệu đồng/ha ở tuổi 4-5.
6. Xây dựng được thương hiệu, tổ chức sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị cho một số loại nông sản có tiềm năng của tỉnh: lúa chất lượng cao, cây thực phẩm xuất khẩu, cây ăn quả và cây dược liệu. Phát triển được một số sản phẩm chủ lực mang tính đặc thù cho Hải Dương tại một số vùng sản xuất.
Lễ ký kết chương trình hợp tác KHCN giai đoạn 2020-2030
Tại buổi lễ ký kết, Đồng chí Nguyễn Anh Cương đã đánh giá cao những đóng góp và kết quả hợp tác giữa Viện và Tỉnh Hải Dương trong thời gian qua và đề nghị các bên sẽ tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ, thực hiện tốt trong việc hợp tác cả trong công tác nghiên cứu và phát triển nông nghiệp theo các thế mạnh và đặc trưng của Tỉnh để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2030.
Ảnh và bài: Phan Thị Thanh