“TRẬN ĐÁNH LỚN” MANG TÊN FTA – BÀI 1

Tiêu thụ nông sản nước ta đang rơi vào tình trạng báo động, điệp khúc “được mùa mất giá” khiến người nông dân ngày càng kiệt quệ. Mở rộng thị trường trở thành bài toán sống còn và hàng loạt FTA vừa được ký kết được coi là ngòi nổ kích hoạt thị trường tiêu thụ nông sản toàn cầu.

Thế nhưng, cơ hội thực tế có như kỳ vọng, khi người nông dân vẫn giữ nguyên phương thức sản xuất cũ?

Kỳ 1: Nhiều và rẻ để bán cho ai?

Khi hành tím, dưa hấu, gạo, cao su… vẫn chưa tiêu thụ hết, thì tại một số địa phương, người dân lại tiếp tục gieo trồng những loại cây đã làm mình điêu đứng. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã không ngần ngại nói thẳng: “Nông dân của ta có phong trào đua nhau làm và cùng đua nhau chết”. Còn TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn thì khẩn thiết cảnh báo, làm nông nghiệp theo kiểu thật nhiều và thật rẻ là tự giết mình.

Từ “mỹ nhân” dưa hấu tới “nữ hoàng” mắc ca

Dù được mệnh danh là thiên đường cây trái với nhiều đặc sản ngon, rẻ song hầu như không mặt hàng nông sản nào của Việt Nam chưa từng trải qua cảnh được mùa mất giá. Tình cảnh quen thuộc diễn ra mỗi mùa thu hoạch: hàng ngàn xe tải dưa hấu xếp hàng cả tuần trời ở cửa khẩu để chờ đến lượt làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc với giá rẻ mạt, hay phải đổ cho trâu bò ăn, hoặc để thối rữa ngoài đồng vì không bán được… khiến giọt nước mắt của người nông dân ngày càng thêm mặn đắng.

“Tình trạng này không chỉ xảy ra với dưa hấu. Nhiều nông sản khác đã liên tiếp thua, từ hành tím, hành tây tới thanh long và cả lúa gạo”, Bộ trưởng Vinh nói tại buổi thảo luận tại Quốc hội mới đây về tình hình phát triển kinh tế – xã hội năm 2015.

Theo lời Bộ trưởng Vinh, những năm trước đây, nhiều tỉnh ở Tây Nguyên, Tây Bắc đã phát động phong trào trồng cao su, song đến giờ cao su vẫn chưa cho thu hoạch mà giá đã rớt thảm hại. “Có doanh nghiệp cao su gặp tôi, trông rất buồn bã. Trước, giá 150 triệu đồng/tấn, giờ thậm chí chỉ còn 25 triệu đồng/tấn… Nhiều nơi bắt đầu chặt cây cao su…”, Bộ trưởng nói.

Cần nói thêm, những năm 2009 – 2011, cao su từng được mệnh danh là vàng trắng, mang lại lợi nhuận lớn cho nhiều hộ dân và doanh nghiệp. Vì vậy, phong trào trồng cao su rầm rộ diễn ra tại nhiều địa phương.

Cũng như thế, diện tích thanh long ở Bình Thuận hiện nay đã lên tới trên 22.000 ha và chưa có dấu hiệu dừng lại, dù quy hoạch của tỉnh chỉ là 15.000 ha. Còn lúa gạo, dù được mệnh danh xuất khẩu nhất, nhì thế giới, song việc chạy theo gạo phẩm cấp thấp khiến hạt gạo Việt Nam chật vật cạnh tranh vì chỉ “nổi” về lượng chứ không phải về chất.

“Nếu cứ tiếp tục sản xuất 7-8 triệu tấn gạo mỗi năm sẽ không biết bán đi đâu”, Bộ trưởng Vinh đặt câu hỏi.

Trong khi nỗi lo về dưa hấu, cao su, gạo… chưa lắng dịu, thì gần đây, tại nhiều địa phương, phong trào trồng cây mắc ca – được coi là nữ hoàng tỷ USD – lại đang nóng dần lên, với sự khởi xướng của Tập đoàn Him Lam và Ngân hàng LienVietPostBank.

Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, triển vọng từ cây mắc ca là rất lớn. Cụ thể, lãi bình quân một năm ước tính của cây cà phê khoảng 75 – 86 triệu đồng/ha, còn cây mắc ca có thể cho lãi từ 510 – 520 triệu đồng; cây cà phê cho số năm khai thác khoảng 20 năm thì cây mắc ca cho tới 60 năm.

Tiềm năng quá lớn về mặt lý thuyết của cây mắc ca đã khiến tại nhiều địa phương, người dân đua nhau trồng mắc ca, bất chấp giống có nguồn gốc rõ ràng hay không. Đây là điều rất nguy hiểm vì cây mắc ca, phải sau 4 – 8 năm mới cho quả.

Chính ông Jolyon Burnett, Chủ tịch Hội mắc ca Australia cũng cảnh báo Việt Nam không trồng mắc ca bằng mọi giá, nếu không sẽ lặp lại bài học sai lầm của Trung Quốc và châu Phi khi không kiểm soát được giống cây trồng mắc ca.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Tùng Anh, Giám đốc Dự án Mắc ca của Công ty cổ phần Thương mại, Đầu tư và Phát triển Công nghệ Quốc tế (IDT International JSC) – một trong những doanh nghiệp đầu tiên tham gia trồng và chế biến mắc ca cho biết, cách đây vài năm, IDT đã từng mua thử vài kilogram mắc ca trong nước về kiểm tra chất ượng thì thấy chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng rất kém do người dân không sơ chế đúng kỹ thuật mà chỉ đem phơi nắng, khiến mắc ca “ăn như khoai lang, không thể sử dụng được”, ông Tùng Anh nói.

Bài học ở châu Phi về phát triển nóng mắc ca cho thấy, sau một thời gian, diện tích mắc ca ở khu vực này đã vượt Australia, song giá trị thu về chỉ bằng nửa, do kỹ thuật sơ chế, bảo quản, chế biến kém và chất lượng giống kém. Cho nên, theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, Việt Nam cần thận trọng phát triển mắc ca, nếu không sẽ lặp lại tình trạng trồng – chặt như đã từng xảy ra với nhiều loại cây trước đây như cao su, hồ tiêu, ca cao, dó bầu, điều, mía… Với cây mắc ca, hệ lụy lại càng nghiêm trọng, bởi đầu tư lớn trong khi chăm sóc 4 – 10 năm sau mới biết có quả hay không, chất lượng có đảm bảo hay không.

Nhiều và rẻ để bán cho ai?

Doanh nghiệp Việt Nam vẫn xuất khẩu cá ngừ được chế biến theo công nghệ cũ.

Một doanh nghiệp thương mại lớn đã chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư rằng, gần đây, doanh nghiệp này nhận được một đơn hàng từ Nhật, đề nghị xuất khẩu 30 container rau sạch sang Nhật mỗi tháng. Thế nhưng, sau khi vật vã đi tìm hiểu khắp các vùng rau trong cả nước, doanh nghiệp này đành phải ngậm ngùi từ chối đơn hàng có giá trị cao, bởi không có khả năng cung cấp đủ số lượng.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn thừa nhận, nguyên nhân của tình trạng trên là do Việt Nam sản xuất rất nhiều rau, củ, song chất lượng thấp và không đồng đều. Trong khi thị trường Nhật lại đòi hỏi chất lượng rất cao.

Một câu chuyện tương tự là cá ngừ, cách đây 2 năm, Nhật Bản đã cử cán bộ kỹ thuật sang Bình Định hướng dẫn quy trình câu cá ngừ theo công nghệ của họ, sau đó sẽ thẩm định và xuất khẩu sang Nhật với giá cao gấp đôi, gấp ba giá cá ngừ của ngư dân đang bán. Tuy nhiên, nhiều tàu đã đi liền 4 chuyến biển mà vẫn không có nổi một con cá ngừ đáp ứng tiêu chuẩn của Nhật Bản, lý do là người dân không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật do phía Nhật yêu cầu.

Trước tình trạng tr��n, TS. Đặng Kim Sơn khuyến cáo: “Đã đến chúng ta phải thay đổi cách làm, chấm dứt sản xuất nông nghiệp nhiều và rẻ, xuất khẩu hàng thô, không lo xúc tiến thương mại, tiến sang những thị trường mới có giá trị cao hơn”.

Theo phân tích của TS. Đặng Kim Sơn, làm nhiều giá rẻ trong khi không lo nâng cao chất lượng, xúc tiến mở rộng thị trường chính là cách là tự giết mình, làm nông dân ngày càng kiệt quệ. Tuy nhiên, để hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, sản phẩm có chất lượng cao, ngành nông nghiệp phải thay đổi một cách căn bản tư duy và phương thức sản xuất và phương thức tổ chức thị trường.

Trên thực tế, nhu cầu nông sản của thế giới vẫn đang rất lớn và thị trường xuất khẩu của Việt Nam ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đang chạy theo số lượng, do đó, chỉ đi được vào những thị trường dễ tính như Trung Quốc, dẫn tới cảnh bị phụ thuộc. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến nông sản rơi vào cảnh ùn ứ, bị mất giá, ép giá.

Vì vậy, TS. Đặng Kim Sơn cho rằng, vấn đề sống còn hiện nay, ngoài câu chuyện thay đổi phương thức sản xuất, tổ chức lại sản xuất, thì yếu tố sống còn, chính là mở cửa thị trường, nhất là các thị trường mới. Và thị trường tiềm năng được ngành nông nghiệp nhắm tới hiện nay, đó là các nước đã ký kết hiệp định tự do thương mại với Việt Nam (FTA).

Kỳ 2: Giấc mộng thị trường

Nguồn: http://baodautu.vn