GIỐNG DONG RIỀNG MỚI DR2-12 TRÊN ĐẤT BA VÌ, HÀ NỘI

Ngày 16 tháng 09 năm 2016, tại Minh Hồng, Minh Quang, Ba Vì, Hà Nội, Trung tâm NC và PT Cây có củ, Viện Cây lương thực và CTP kết hợp với Ủy ban nhân dân xã Minh Quang tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá các mô hình sản xuất thử giống dong riềng mới triển vọng do Trung tâm nghiên cứu và tuyển chọn

Tham dự Hội nghị có Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đại diện Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Sở NN và PTNT thành phố Hà Nội, Phòng Nông nghiệp và Trung tâm Khuyến nông huyện Ba Vì, Đảng ủy và UBND xã Minh Quang và các hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình thuộc thôn Minh Hồng, Minh Quang, Ba Vì, Hà Nội.

Mô hình giống Dong riềng DR2-12 tại Ba Vì, Hà Nội

Xã Minh Quang là xã sản xuất nông nghiệp với tổng diện tích gieo trồng hàng năm lên tới 1001 ha, cây có củ trên địa bàn xã là 245 ha, trong đó cây dong riềng chiếm 180 ha (chiếm 73,47%). Dong riềng là cây trồng phù hợp với địa hình, thổ nhưỡng của địa phương nên Xã có chủ trương phát triển thành cây hàng hóa. Theo quy hoạch của địa phương, mỗi năm diện tích đất trồng dong riềng sẽ tăng khoảng 15%, sản xuất tập trung nhiều ở Hợp tác xã Minh Hồng, gắn liền với chế biến để tiến tới xây dựng thương hiệu làng nghề miến dong.

Các đại biểu thăm mô hình giống dong riềng DR2-12

Tại Hội nghị các đại biểu đã được thăm các mô hình khảo nghiệm sản xuất giống dong riềng DR2-12. Giống dong riềng DR2-12 được đánh giá rất cao do có dạng cây đẹp, có khả năng sinh trưởng tốt, chống chịu sâu bệnh hại khá, chiều cao cây trung bình 170-190 cm,  Hàm lượng tinh bột ẩm 21-23% rất phù hợp cho chế biến, đặc biệt năng suất đạt rất cao (>65 tấn/ha) ở các điểm khảo nghiệm, cao hơn giống đối chứng (10-15 tấn/ha) từ  15-20 %.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Trần Thị Hà là một trong những hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình ở xã Hoàng An, một nông dân điển hình với trên 30 năm canh tác nông nghiệp, có kinh nghiệm trồng và sản xuất miến dong, đánh giá dong riềng DR2-12 là một giống dong riềng có năng suất ổn định, cao hơn các giống tại địa phương. Bà cũng mong muốn phía cơ quan tác giả tiếp tục nghiên cứu và đưa các tiến bộ về cây dong riềng để giúp các hộ nông dân trong xã nâng cao thu nhập.

Bà Nguyễn Thị Thoa- Trưởng phòng trồng trọt, Sở NN-PTNT Thành phố Hà Nội đánh giá cao các mô hình sản xuất cây lương thực của Viện Cây lương thực tại Ba Vì và ghi nhận vai trò của các giống cây lương thực của Viện trong mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp của Hà Nội. Bà đề nghị Bộ Nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam tạo điều kiện cho cơ quan tác giả công nhận sản xuất thử cho giống dong riềng DR2-12 để mô hình sẽ được nhân rộng trong các vụ tới trên toàn huyện cũng như toàn tỉnh. Đồng thời, Bà cũng đề nghị cơ quan tác giả, phối hợp với các cơ quan sở tại tiếp tục các nghiên cứu về thời vụ canh tác, phương pháp canh tác để nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nông dân.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, TS. Phạm Đồng Quảng – Vụ phó vụ Khoa học công nghệ và môi trường đánh giá rất cao sự thành công của mô hình. Để mô hình phát triển rộng và bền vững, các nhà khoa học cần kết hợp chặt chẽ hơn nữa với các nhà quản lý để cung cấp cho nông dân những gói kỹ thuật đồng bộ, từ khâu chọn giống đến khâu tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Bộ sẽ kết hợp cùng với Sở Nông nghiệp&PTNT, Sở Khoa học CN của tỉnh để có các cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương và nông dân tham gia mô hình tăng thu nhập từ cây dong riềng và đồng thời sẽ hướng dẫn để cơ quan tác giả nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ công nhận sản xuất thử giống dong riềng DR2-12.

TS. Phạm Đồng Quảng phát biểu tại Hội nghị

Kết thúc hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Trí Hoàn – Viện Trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã ghi nhận và cảm ơn Bộ Nông nghiệp-PTNT và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng như sự hợp tác của các cơ quan ban ngành của thành phố Hà Nội để đưa giống dong riềng DR2-12 của Viện vào sản xuất. Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm sẽ nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho công nhận sản xuất thử giống dong riềng DR2-12 và sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Thành phố để tiếp tục các nghiên cứu khác nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất cho giống dong riềng DR2-12.

Bài và ảnh: Hoàng Thị Duyên