Giống lúa lai HYT83

1. Nguồn gốc
Tác giả: Nguyễn Trí Hoàn, Đào Thị Phương, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Viết Toàn, Bùi Viết Thư, Dương Thị Hồng Mai, Phùng Bá tạo, Đồng Thị Cúc và CTV – Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa lai – Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm
HYT83 là giống lúa lai F1 (tổ hợp lai 25A/RTQ5), do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển lúa lai tạo chọn lọc, trình diễn và giới thiệu ra sản xuất.
Giống được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận chính thức theo Quyết định số 552 QĐ/BNN-KHCN ngày 28/02/2006.

2. Đặc điểm
– Thời gian sinh trưởng: Vụ Xuân muộn      : 125-130 ngày
                                            Vụ Mùa                    : 110-115 ngày
– Chiều cao cây: 90-100 cm, đẻ nhánh khá, bản lá rộng, dày, xanh sáng.
– Năng suất: Vụ Xuân 7-8 tấn/ha, vụ Mùa 6-7 tấn/ha, bông to dài, nhiều hạt, hạt xếp sít, khối lượng 1.000 hạt 23 – 24 gam.
– Chất lượng xay xát tốt: tỷ lệ gạo xát 69-71%, hạt gạo dài cơm trắng, ngon, mềm, vị đậm.
– Chống chịu: Giai đoạn mạ chịu lạnh trung bình; giai đoạn lúa: cây cứng, chống đổ tốt, chống chịu tổng hợp với sâu bệnh, chịu thâm canh.

3. Kỹ thuật gieo cấy
3.1. Làm mạ
– Thời vụ gieo mạ: Vụ xuân gieo trà xuân muộn gieo từ 1- 10 tháng 2
                         Vụ mùa gieo trà mùa sớm: 25/5-10/6 hoặc mùa trung 15/6-5/7
– Ngâm ủ: thóc giống khô đem xử lý trừ nấm bệnh bằng nước nóng 540C, hoặc bằng các hoá chất trừ nấm, bệnh trên hạt (farizan, nước vôi trong…) Sau khi xử lý, ngâm bằng nước sạch.
* Kiểu ngâm ngót:
Vụ Xuân ngâm khoảng 10 – 12 giờ, 6 giờ thay nước 1 lần, vụ Mùa ngắn hơn khoảng 6-8 giờ. Sau đó rửa sạch, vớt, đem ủ trong thúng, rá, hoặc bao vải thưa 1 đêm. Sáng hôm sau kiểm tra có thể tưới nước ấm hoặc ngâm thêm 1-2 giờ nữa cho hạt đẫy nước. Đến khi bật mầm, ra rễ thì gieo
* Kiểu ngâm no nước:
Vụ Xuân ngâm khoảng 18 – 20 giờ, vụ Mùa ngắn hơn khoảng 12-15 giờ, 6 giờ thay nước 1 lần; Kiểm tra khi hạt hút no nước ( hạt sưng mép , hoặc bóc vỏ trấu ra dùng móng tay 2 ngón cái ép được nội nhũ) vớt ra rửa sạch đem ủ trong thúng, rá, hoặc bao vải thưa nhiệt độ từ 35-37 0C, đến khi bật mầm, ra rễ thì gieo.
Một số điều cần lưu ý:
– Nếu là giống cũ thời gian ngâm ngắn hơn, chỉ bằng 2/3 so với giống mới thu hoạch chuyển vụ.
– Nếu chưa quen với kỹ thuật ngâm giống HYT83, hoặc với người gieo cấy lần đầu thì nên áp dụng kỹ thuật ngâm ngót.
– Trong quá trình ủ, cần kiểm tra không được để giống sinh nhiệt quá mức làm thui mầm, thối rễ dẫn tới hỏng giống, hoặc làm suy giảm sức sống của giống.
– Lượng hạt giống cần cho 1 sào Bắc bộ (360 m2): 1 kg. Nếu làm mạ dược cần diện tích dược mạ 50 m2 , có thể làm mạ sân, mạ dầy xúc( cần 5 m2 ), mạ ném hoặc gieo thẳng.
– Làm đất: đất mạ phải cày bừa nhuyễn, sạch cỏ dại, tưới tiêu chủ động, độ phì cao. Lên luống rộng 1,2-1,5 m, róc nước, không có vũng nước trên mạt khi gieo.
– Phân bón:
+ Mạ dược thưa: Phân chuồng: 300 – 400 kg, Ure: 6 kg, Lân: 18 kg, Kali: 4 kg/ sào Bắc Bộ (10.000 tấn phân chuồng, 160 kg Ure, 500 kg Supe lân, 110 kg Kali/ha)
            Cách bón: Lót: Toàn bộ phân chuồng, lân, 40% đạm, 50% ka li
                              Thúc 1: 40% đạm, 50% ka li( Khi mạ có 2,5 lá)
                              Thúc 2( Bón tiễn chân trước cấy 4-5 ngày): Số phân ure còn lại.
+ Mạ dày xúc: Chỉ bón lót với lượng 2 kg ure + 2 kg kali/sào Bắc bộ.
– Chăm sóc mạ: Với mạ dược: Sau khi gieo giữ cạn nước đến khi mạ đạt 1,2-1,5 lá thì phun thuốc kích thích đẻ nhánh (nếu có). Sau 1 ngày tưới 1 lớp nước mỏng 1-2 cm. Trước cấy 5 ngày cho nước vào ngập mặt luống giữ cho đất mềm. Thường xuyên theo dõi sinh trưởng của mạ, sâu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
            Trong vụ Xuân gặp rét cần che phủ nilon chống rét cho mạ.

3.2. Kỹ thuật cấy và chăm sóc lúa
– Chuẩn bị ruộng cấy: Cày ải, đổ nước đầy để ngâm ải, bừa nhuyễn, bón đủ phân lót, san phẳng mặt ruộng, kiểm tra loại bỏ cỏ dại trước khi cấy.
– Thời điểm cấy (tuổi mạ): Đối với mạ dược cấy khi mạ có 6 lá, đối với mạ dầy xúc, mạ sân, cấy khi mạ có 2,5 lá.
– Mật độ cấy: 35- 40 khóm/m2, 2 dảnh/khóm.
– Kỹ thuật cấy: Cấy nông 2-3 cm, mạ nhổ đến đâu cấy đến đó, không để mạ qua đêm, mạ không để dập nát.
– Lượng phân và loại phân bón: 10 tấn phân chuồng hoặc phân rác hữu cơ + phân vô cơ bón theo tỷ lệ N:P:K= 1: 0,5: 0,8 cho vụ Xuân hoặc 1: 0,5: 1 cho vụ Mùa tuỳ theo từng loại đất và từng mùa vụ khác nhau; lượng bón vụ Mùa 90-120 kgN/ha (200-270 kg ure/ha hay 7-9 kg/sào Bắc bộ), vụ Xuân 120-150 kgN/ha (270-340 kg ure/ha hay 9-12 kg/sào Bắc bộ), nên dùng các loại phân NPK hỗn hợp, hoặc phân vi sinh.
– Phương pháp bón:
* Nếu cấy mạ dược thưa:
Bón lót: 100% phân chuồng + lân + 40-50% đạm +50% kali + Vôi (nếu đất chua).
Bón thúc lần 1 (thúc đẻ nhanh): sau cấy 5-7 ngày (vụ mùa), sau cấy 12-15 ngày (vụ xuân), lượng bón 40% đạm( Không bón đạm khi nhiệt độ không khí dưới 150 c.
Thúc lần 2(nuôi đòng): khi lúa phân hoá đòng bước 3 (trước trỗ 18-20 ngày), lượng bón: 10% đạm +50% kali. Có thể phun phân qua lá sau khi trỗ xong làm tăng độ mẩy hạt.
* Nếu cấy mạ dày xúc, mạ sân:
Lót: 30% đạm, 15% kali, phân chuồng, 100% lân trước khi cấy
Thúc 1: 30% đạm, 20% kali sau khi cấy 7 ngày.
Thúc 2: 20% đạm, 15 % ka li sau thúc 1 10 ngày.
Thúc 3( Thúc đòng) 20% ure + 50 % ka li
– Chế độ nước:Khi cấy để nước nông giúp cho thao tác cấy thuận tiện, cấy nông đều. Cấy xong, nếu cấy mạ dược thưa( mạ nhổ)ổtong vụ Mùa cần giữ lớp nước mặt ruộng 5-7 cm cho lúa không bị héo và nhanh hồi xanh. Sau đó rút cạn nhẹ (còn 2-3 cm nước mặt ruộng) để cho lúa đẻ mạnh. Cấy mạ dày xúc, mạ sân thì không cần nước sâu. Khi lúa đẻ đủ 400 dảnh thì rút cạn kiệt đến nẻ chân chim , sau đó tưới ngập 10 cm để lúa phân hoá đòng, trỗ bông và vận chuyển chất khô vào hạt. Khi lúa chín sáp rút cạn nước cho cây cứng không bị đổ.
– Làm cỏ: Làm cỏ sục bùn 1-2 lần, hoặc dùng thuốc trừ cỏ để trừ cỏ dại.
– Các loại sâu bệnh cần phòng trừ: Bọ trĩ hay gây hại thời kỳ mạ và lúa non. Sâu cuốn lá, đục thân vào thời kỳ lúa con gái, đứng cái và bắt đầu trỗ. Bệnh bạc lá, khô vằn, đốm sọc vi khuẩn xuất hiện vào thời kỳ đứng cái, trỗ bông và tích luỹ vật chất về hạt. Cần theo dõi thường xuyên để phòng trừ sâu bệnh kịp thời.

4. Hướng sử dụng
Giống có phổ thích ứng khá rộng, gieo cấy trong các vụ xuân, mùa, hè thu ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên.

5. Địa chỉ liên hệ giống
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa lai, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm – Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội
ĐT: 024.336875583, 024.36875037