HỘI THẢO ĐÁNH GIÁ NHIỆM VỤ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ THUỘC CHƯƠNG TRÌNH LÚA GẠO SẢN PHẨM QUỐC GIA

Ngày 2 tháng 6 năm 2018, tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo thăm quan đánh giá  một số giống lúa mới triển vọng và Mô hình gói kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến cho vùng Đồng bằng sông Hồng thuộc Chương trình sản phẩm lúa quốc gia  tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm.

Tham dự hội nghị có: Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT; Ông Nguyễn Đình Hậu, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ các ngành Kinh tế-Kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ; Ông Đào Thế Anh – Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam; Ông Nguyễn Trọng Khanh – Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm cùng đại diện lãnh đạo Ban chủ nhiệm chương trình, Học viện nông nghiệp Việt Nam; Lãnh đạo các Phòng, Bộ môn tham gia thực hiện nhiệm vụ.

Hội thảo đánh giá nhiệm vụ KHCN thuộc Chương trình lúa gạo Sản phẩm Quốc gia

Về phía khối doanh nghiệp có: Ông Đỗ Bá Vọng, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng trung ương; Ông Nguyễn Tiến Hưng – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Đầu tư và PT Nông nghiệp Hà Nội; Ông Nguyễn Hữu Đức  – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Giống cây trồng Nông Việt Phát .. cùng các phóng viên, nhà báo của đài truyền hình VTV16, Đài truyền hình Hải Dương.

Sau khi tham quan, đánh giá 04 giống lúa triển vọng: Gia lộc 37, Gia lộc 516, Gia lộc 555, HD11 và Mô hình áp dụng gói kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, các đại biểu đánh giá cao công tác tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, các sản phẩm về giống và gói kỹ thuật thể hiện được nhiều đặc điểm nổi trội và được doanh nghiệp tiếp nhận, có thể ứng dụng, chuyển giao vào sản xuất.

Giống lúa Gia lộc 37 có thời gian sinh trưởng vụ xuân: 115-120 ngày, cứng cây chống đổ tốt, có kiểu hình  gọn, cao trung bình, sinh trưởng nhanh, mạnh, đẻ nhánh tập trung, bộ lá màu xanh, mật độ bông khá, tỷ lệ bông hữu hiệu cao,  hạt thóc to và dài, màu vàng sáng, tỷ lệ hạt chắc cao trên 90%.Chịu thâm canh trung bình, Chống chịu khá với bệnh đạo ôn và Bạc lá. Hạt gạo trong, dài> 7mm, có mùi thơm nhẹ . Năng suất dự kiến vụ xuân 2018 đạt : 55-60 tạ/ha .

Giống lúa Gia lộc 516 có thời gian sinh trưởng  vụ xuân: 130-135 ngày,  dạng hình  gọn, cao trung bình, sinh trưởng nhanh, mạnh, đẻ nhánh tập trung, bộ lá màu xanh, mật độ bông khá, tỷ lệ bông hữu hiệu cao, hạt thóc to và dài, màu vàng sáng, tỷ lệ hạt chắc cao trên 90 %. Hạt gạo dài, trong, có mùi thơm nhẹ.  Chống chịu tốt với bệnh đạo ôn và Bạc lá, chống chịu khá với rầy nâu, nhiễm nhẹ khô vằn. Dự kiến năng suất vụ xuân 2018: 60-70 tạ/ha.

Giống lúa Gia lộc 555 có thời gian sinh trưởng vụ xuân: 130-135 ngày,  dạng hình  gọn, cao trung bình, sinh trưởng nhanh, mạnh, đẻ nhánh trung bình và đều, bộ lá màu xanh, mật độ bông khá, bông to và dài đạt trên 200 hạt/bông, hạt thóc dài, màu vàng sáng, tỷ lệ hạt chắc cao trên 90 %. Hạt gạo dài, trong, có mùi thơm nhẹ, cứng cây nên chống đổ tốt, chịu thâm canh. Chống chịu khá rầy nâu, chống chịu trung bình với bệnh đạo ôn, nhiễm nhẹ bạc. Dự kiến năng suất vụ xuân 2018: 70-75 tạ/ha .

Giống lúa HD11 cải tiến là giống cảm ôn, thích ứng rộng, đẻ nhánh khỏe, tái sinh mạnh. Thời gian sinh trưởng vụ Xuân 130 – 138 ngày, Chiều cao cây cao:110 – 115 cm; bông dài, hạt dài thon. Hạt gạo dài 6,7-7mm. Chống chịu bệnh bạc lá, đạo ôn và rầy nâu tốt. Dự kiến  năng suất trung bình trong vụ xuân đạt 70 – 75 tạ/ha.

Đoàn đại biểu thăm mô hình giống lúa mới GL37, GL516, GL555, HD11

Gói kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến được áp dụng cơ giới hóa các khâu: làm đất, gieo mạ khay, cấy máy, dùng máy bón phân cũng như thuốc cỏ, thuốc sâu. Áp dụng các biện pháp chăm sóc như tưới nước tiết kiệm nông-lộ-phơi, máy gặt và quy trình bảo quản trong kho tránh thất thoát…. giảm 60-70 % công lao động, giảm 15-25% phân bón, giảm 10% tổn thất sau thu hoạch và tăng hiệu quả kinh tế 20-30 %.

Tại buổi hội thảo có nhiều ý kiến về quy trình kỹ thuật canh tác cần bổ xung nghiên cứu mang tính công nghệ cao như máy dự báo sâu bệnh hại gửi về smatphone, máy phun thuốc sâu flycam, và công nghệ áp dụng cho diện rộng và công nghệ áp dụng cho diện hẹp quy mô nông hộ. Theo một số ý kiến tại hội nghị : ông Nguyễn Tiến Hưng, Nguyễn Hữu Đức… cần chuyển giao giống lúa mới và tiến bộ kỹ thuật cho các công ty  để đưa vào sản xuất và mở rộng diện tích. Tuy nhiên theo ông Đỗ Bá Vọng giống lúa sản phẩm quốc gia không chỉ tập trung vào đặc tính chống chịu, năng suất và chất lượng mà phải có nghiên cứu về những giống lúa dinh dưỡng,lúa chữa bệnh.

Phát biểu tổng kết hội nghị, Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy đánh giá cao Cơ quan chủ trì Dự án, Viện Khoa học Nông nghiệp và Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã tổ chức triển khai tốt các nội dung của Dự án, đảm bảo đúng tiến độ và bước đầu đã có những sản phẩm đạt yêu cầu, được các Doanh nghiệp tiếp nhận cùng phát triển. Đồng thời, Bà Vụ trưởng cũng đề nghị Ban chủ nhiệm Dự án cần rà soát lại các hoạt động và có đề xuất kịp thời đến các cơ quan quản lý.

Bài và ảnh: Dương Văn Quý