Hội thảo đầu bờ giới thiệu giống lúa chất lượng cao gia lọc 37 tại Nam Sách, Hải Dương
Năm 2020, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm được UBND tỉnh Hải Dương, Sở Khoa học và Công nghệ giao thực hiện đề tài: “Xây dựng mô hình sản xuất thử giống lúa chất lượng cao HD11, Gia Lộc 37 trên địa bàn tỉnh Hải Dương” nhằm nâng cao giá trị hàng hóa, tăng tính cạnh tranh trong sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh.
Ngày 04 tháng 9 năm 2020 Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm phối hợp với Sở Khoa học công nghệ tỉnh Hải Dương tổ chức Hội thảo đầu bờ giới thiệu mô hình trình diễn giống lúa Gia Lộc 37 tại xã Nam Hưng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Tham dự hội thảo có Đại diện Lãnh đạo Sở, các phòng chuyên môn Sở KH&CN tỉnh Hải Dương; Lãnh đạo Viện Cây lương thực và CTP. Về phía địa phương có Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Nam Sách; xã Nam Hưng và bà con xã viên tham dự.
Giống lúa thuần Gia Lộc 37 được chọn tạo từ tổ hợp lai Teiquing/PC6//RVT. Gia Lộc 37 có thời gian sinh trưởng 120-125 ngày trong vụ xuân, 90-95 ngày trong vụ mùa, dạng hình gọn, bông to và dài đạt 150-160 hạt/bông, tỷ lệ hạt chắc cao trên 90%. Khối lượng 1000 hạt đạt 29-30 gam, hàm lượng amylose 14,8 %, tỷ lệ gạo nguyên cao, cơm mềm dẻo, đậm. Giống Gia Lộc 37 cứng cây, chịu thâm canh. Năng suất trung bình Vụ xuân: 60-65 tạ/ha, vụ mùa: 55-60 tạ/ha. Giống chống chịu khá rầy nâu, chống chịu trung bình với bệnh đạo ôn, bạc lá. Giống lúa Gia Lộc 37 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cho sản xuất thử theo quyết định số 279/QĐ – TT – CLT ngày 30 tháng 8 năm 2019.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Lương Thịnh- Phó Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Hải Dương đánh giá cao mô hình giống lúa Gia Lộc 37 tại xã Nam Hưng. Nam Hưng là xã có truyền thống canh tác cây vụ đông sớm với nhiều loại rau màu có hiệu quả kinh tế cao như hành, mủa, dưa hấu…. Giống lúa Gia lộc 37 có thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp với cơ cấu luân canh, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp cho địa phương.
TS. Dương Xuân Tú – Phó Viện trưởng cảm ơn Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Hải Dương, chính quyền địa phương, bà con nông dân đã tích cực tham gia xây dựng mô hình trình diễn giống lúa chất lượng cao mới, bước đầu đánh giá cho hiệu quả kinh tế cao hơn các giống lúa trồng tại địa phương từ 10 – 15%. Trong thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục phối hợp với Sở, các địa phương mở rộng quy mô sản xuất hai giống lúa HD11, Gia Lộc 37. Đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác giống lúa HD11, Gia Lộc 37 trong sản xuất.
Một số hình ảnh Hội thảo đầu bờ giới thiệu giống lúa chất lượng cao HD11, Gia Lộc 37 tại Nam Sách, Hải Dương