HỘI NGHỊ ĐÁNH GIÁ MÔ HÌNH SẢN XUẤT GIỐNG KHOAI TÂY KT.1 TẠI BẮC NINH

Ngày 26 tháng 12 năm 2014, tại xã Việt Hùng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có củ thuộc Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm kết hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá mô hình sản xuất thử giống khoai tây mới KT.1

Tham dự hội nghị có Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Sở NN&PTNT Bắc Ninh, Phòng Nông nghiệp huyện Quế Võ, Đại diện Đảng ủy và UBND xã Việt Hùng cùng các nông dân tham gia thực hiện mô hình ở Xã Việt Hùng và các chủ nhiệm HTX ở các xã lân cận. Hội nghị cũng có sự tham gia của Đài truyền thanh của Huyện Quế Võ và của xã Việt Hùng.

Xã Việt Hùng nằm trong vùng Đồng bằng Châu Thổ nên địa hình tương đối bằng phẳng và điều kiện thổ nhưỡng tương đối phù hợp cho nhiều loại cây trồng nhất là các loại cây ngắn ngày và cây vụ đông phù hợp cho việc thâm canh và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đất canh tác ở xã Việt Hùng chủ yếu là đất phù sa không được bồi của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình nên có thành phần cơ giới cát pha thịt nhẹ. Hàng năm, xã Việt Hùng có khoảng 1500-2000ha cây vụ đông, trong đó chủ yếu là cây khoai tây. Do dó, Việt Hùng là một xã có tiềm năng phát triển cây khoai tây rất lớn. Vụ đông 2014, Trung tâm nghiên cứu và PT Cây có củ, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã triển khai xây dựng mô hình sản xuất thử  giống khoai tây mới KT.1  được Viện chọn lọc trên diện tích khoảng 3 ha.

KT.1 là giống khoai tây mới triển vọng của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm. Giống KT1 đã được trồng thử nghiệm trên đồng đất xã Việt Hùng từ năm 2010 cho đến nay. Qua báo cáo của nhóm tác giả và nhóm cán bộ thực hiện mô hình tại xã Việt Hùng cũng như thông qua việc tham quan đánh giá mô hình của Hội nghị cho thấy: KT.1 là giống khoai tây có khẳ năng sinh trưởng phát triển vượt trội so với các  giống đang được trồng ở địa phương với thời gian sinh trưởng trung bình 85-90 ngày. Giống khoai tây KT.1 có khẳ năng chịu nhiệt và chống chịu với sâu bệnh và hầu như không mắc bệnh héo xanh và vi rút. Qua 5 năm thử nghiệm và sản xuất tại xã Việt Hùng, giống KT.1 đều cho năng suất cao hơn các giống đối chứng từ 25-30% với năng suất trung binh từ 25,1-28,4 tấn/ha. Ông Nguyễn Đăng hồi đại diện cho các hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình cho biết: Qua 5 năm trực tiếp tham gia thực hiện mô hình, giống KT.1 luôn cho năng suất ổn định và cao hơn rất nhiều so với các giống khoai tây khác. Ông cho biết thêm do giống KT.1 có khả năng chịu nhiệt tốt, chống chịu sâu bệnh cao nên khả năng sinh trưởng và phát triển tốt và cho năng suất cao. Ngược lại, các giống khoai tây khác do nhiễm bệnh héo xanh, không có khả năng chịu nhiệt nên sinh trưởng phát triển kém và năng suất thấp.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Xã Việt Hùng, ông Nguyễn Quang Chuẩn – Phó chủ tịch xã cho biết: Xã Việt Hùng luôn coi cây khoai tây là một trong những cây trồng chủ lực để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân trong xã. Trong những năm gần đây, Xã đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có củ, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đưa nhiều giống khoai tây mới được Trung tâm chọn tạo, trong đó KT.1 là giống có nhiều triển vọng hơn cả. Ngoài những đặc tính nông sinh học tốt, năng suất cao, giống KT.1 còn được thị trường ưa chuộng do có mẫu mã củ đẹp, hàm lượng chất khô cao ( 21- 22%), hàm lượng đường khử thấp <0,22 % và thích hợp với cả ăn tươi và chế biến.

Ông Nguyễn Hữu Trương – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh đánh giá rất cao mô hình trồng khoai tây tại xã Việt Hùng, cũng như ghi nhận vai trò của các nhà chọn giống khoai tây của Viện Cây lương thực và CTP, công tác tổ chức chỉ đạo sản xuất của Ban chủ nhiệm HTX Việt Hùng và sự cố gắng của nông dân xã Việt Hùng đã góp phần vào sự thành công của mô hình; Ông cũng mong Bộ Nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam tạo điều kiện cho cơ quan tác giả đặc cách công nhận giống sản xuất thử cho giống KT1 để mô hình sẽ được nhân rộng trong các vụ tới trên khắp địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh việc cung ứng đủ giống là rất quan trọng, cho nên phía cơ quan tác giả nên phối hợp với các công ty giống cây trồng để đảm bảo việc cung ứng giống phục vụ việc mở rộng mô hình sản xuất.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, TS. Nguyễn Như Hải đánh giá rất cao sự thành công của mô hình. Để mô hình phát triển rộng và bền vững, các nhà khoa học cần kết hợp chặt chẽ hơn nữa với các nhà quản lý để cung cấp cho nông dân những gói kỹ thuật đồng bộ, từ việc chọn giống tốt, đất thích hợp, biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp, dồn điền đổi thửa, cải tạo và xây dựng hệ thống thủy lợi, cơ giới hóa sản xuất để tiết kiệm công lao động và đặc biệt chú ý đến khâu tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Về mặt Nhà nước, Bộ sẽ kết hợp cùng với Sở Nông nghiệp&PTNT có các cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương và nông dân để giúp cơ quan tác giả hoàn thiện hồ sơ đặc cách công nhận sản xuất thử giống KT.1.

Kết thúc hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Trí Hoàn – Viện Trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đánh giá cao công tác chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp-PTNT và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng như sự hợp tác của các cơ quan ban ngành của tỉnh Bắc Ninh để đưa giống khoai tây mới KT.1  của Viện vào sản xuất. Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm sẽ nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho công nhận sản xuất thử giống KT.1 và sẽ phối hợp với các cơ quan khác để đảm bảo cung ứng giống cho mở rộng sản xuất giống khoai tây KT.1 trong vụ đông xuân 2015.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Lê Thị Thanh Lý

Phòng Khoa học và HTQT