GIỐNG KHOAI SỌ MỚI KS12-1 TRÊN ĐẤT HOÀNG AN, HIỆP HÒA, TỈNH BẮC GIANG

Ngày 03 tháng 06 năm 2016, tại Ủy ban Nhân dân xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, Trung tâm NC và PT Cây có củ thuộc Viện Cây lương thực và CTP kết hợp với Trung tâm Khuyến Nông huyện Hiệp Hòa tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá các mô hình sản xuất thử giống khoai sọ mới có triển vọng do Trung tâm nghiên cứu và tuyển chọn.

Tham dự Hội nghị có Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, đại diện Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Sở NN và PTNT tỉnh Bắc Giang, Phòng Nông nghiệp và Trung tâm Khuyến nông huyện Hiệp Hòa, Đảng ủy và UBND huyện Hoàng An, Các nông dân tham gia thực hiện mô hình ở Xã Hoàng An, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Xã Hoàng An là một xã nằm về phía Bắc của huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Xã có địa hình tự nhiên tương đối phức tạp. Đồi gò xen lẫn đồng bằng, cốt cao độ giữa các vùng đất chênh lệch phức tạp. Độ nghiêng theo hướng Tây Bắc xuống Đông Nam. Đất đai đa dạng, thích nghi với nhiều loại cây trồng về lương thực, thực phẩm, công nghiệp. Năm 2011, Hoàng An là một trong những xã được huyện Hiệp Hòa chọn làm điểm xây dựng NTM giai đoạn (2011-2015). Xã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển ngành nghề dịch vụ đa dạng và phong phú. Sau hơn 4 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của xã ngày càng khởi sắc đời sống nhân dân được cải thiện. Cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, các tuyến đường liên thôn, liên xã, liên xóm được mở rộng cứng hóa. Các công trình phúc lợi được xây dựng khang trang; khuôn viên nhà ở, cổng ngõ được chỉnh trang sạch đẹp, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng tăng cao.
Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 5,5%, thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/ người/ năm. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đảm bảo. Người dân luôn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, thực hiện tốt chính sách pháp luật của nhà nước và sự hài lòng về chương trình xây dựng NTM trên địa bàn.

Năm 2015, xã Hoàng An đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc áp dụng tiến bộ khoa học mới vào sản xuất. Thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm tăng giá trị kinh tế của nông sản hàng hoá trên một đơn vị diện tích canh tác. Từ năm 2015 xã Hoàng An đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có củ của Viện Cây lương thực và CTP triển khai các mô hình trình diễn giống khoai sọ mới có triển vọng KS12-1 là sản phẩm của đề tài cấp bộ “Nghiên cứu và chọn tạo giống dong riềng và khoai sọ năng suất, chất lượng cao cho các tỉnh phía Bắc”. Giống khoai sọ KS12-1 được chọn lọc từ  tập đoàn công tác khoai môn sọ của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Cây có củ và đang được khảo nghiệm sản xuất tại một số điểm của tỉnh Bắc Giang và Hà Nội.

Tại Hội nghị các đại biểu đã được thăm các mô hình khảo nghiệm sản xuất giống khoai sọ KS12-1. Giống khoai sọ KS12-1 được đánh giá rất cao do có dạng cây đẹp, có khả năng sinh trưởng tốt, chống chịu sâu bệnh hại khá, chất lượng củ ngon hơn, bở hơn, chiều cao cây trung bình 100 – 120 cm, số củ trung bình 16-18 củ/khóm (700-800g/khóm), năng suất trung bình (>20  tấn/ha) ở các điểm khảo nghiệm, cao hơn giống đối chứng từ 15-20%. Tuy nhiên, thời gian sinh trưởng của giống KS12-1 là 200 đến 210 ngày dài hơn giống khoai sọ địa phương khoảng 10-15 ngày. Qua đánh giá sơ bộ về hiệu quả kinh tế của mô hình cho thấy cùng điều kiện chăm sóc và đầu tư nhưng giống khoai sọ KS12-1 lại sinh trưởng mạnh hơn, đẻ nhánh khỏe, cho năng suất cao hơn giống khoai sọ địa phương (80kg/sào), nên mặc dù giá bán hai giống khoai ngang nhau nhưng lợi nhuận của giống khoai sọ KS12-1 cao hơn giống khoai địa phương là 820.000 đồng/sào.

Là một nông dân điển hình với trên 30 năm canh tác nông nghiệp, bà Đoàn Thị Hoài Châu là một trong những hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình ở xã Hoàng An, đánh giá KS12-1 là một giống khoai sọ có năng suất ổn định. Do giống có dạng cây đẹp và chống chịu sâu bệnh tốt nên năng suất luôn cao gấp đôi so với các giống khác đang được trồng trong vùng. Ông cũng mong muốn phía cơ quan tác giả tiếp tục nghiên cứu và đưa các tiến bộ về cây khoai sọ để giúp các hộ nông dân trong xã nâng cao thu nhập.

Đại diện UBND huyện Hiệp Hòa, ông Nguyễn Văn Chính – Phó chủ tịch huyện cũng đánh giá cao sự đóng góp của cây khoai sọ vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hôi của huyện. Ông mong muốn Trung tâm NC và PT Cây có củ, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ thủ tục công nhân giống khoai sọ KS12-1 và nghiên cứu về quy trình kỹ thuật canh tác khoai sọ để huyện có cơ sở pháp lý cho việc mở rộng mô hình sản xuất.

Ông Vũ Đình Vượng – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang đánh giá cao các mô hình sản xuất cây lương thực của Viện Cây lương thực tại Bắc Giang và  ghi nhận vai trò của các giống cây lương thực của Viện trong mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp của Tỉnh. Ông cũng mong Bộ Nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam tạo điều kiện cho cơ quan tác giả công nhận sản xuất thử cho giống khoai sọ KS12-1 để mô hình sẽ được nhân rộng trong các vụ tới trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, Ông cũng đề nghị cơ quan tác giả, phối hợp với các cơ quan sở tại tiếp tục các nghiên cứu về thời vụ canh tác, phương pháp canh tác để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, TS. Nguyễn Như Hải đánh giá rất cao sự thành công của mô hình. Để mô hình phát triển rộng và bền vững, các nhà khoa học cần kết hợp chặt chẽ hơn nữa với các nhà quản lý để cung cấp cho nông dân những gói kỹ thuật đồng bộ, từ khâu chọn giống đến khâu tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Bộ sẽ kết hợp cùng với Sở Nông nghiệp&PTNT, Sở Khoa học CN của tỉnh để có các cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương và nông dân tham gia mô hình tăng thu nhập từ cây khoai sọ và đồng thời sẽ hướng dẫn để cơ quan tác giả nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ công nhận sản xuất thử giống khoai sọ KS12-1.

Kết thúc hội nghị, TS. Ngô Doãn Đảm – Phó Viện Trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm trân trọng cảm ơn công tác chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp-PTNT và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng như sự hợp tác của các cơ quan ban ngành của tỉnh Bắc Giang để đưa giống khoai sọ KS12-1 của Viện vào sản xuất. Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm sẽ nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho công nhận sản xuất thử giống khoai sọ KS12-1 và sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Tỉnh để tiếp tục các nghiên cứu khác nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất cho giống khoai sọ KS12-1.

Một số hình ảnh tại Hội nghị: