GIỐNG ĐẬU TƯƠNG ĐT32

GIỐNG ĐẬU TƯƠNG ĐT32

1. NGUỒN GỐC, ĐẶC ĐIỂM GIỐNG+ Giống đậu tương mới ĐT32 được viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn lọc dòng của tổ hợp (10.34 (mẹ)/10.51(bố) từ năm 2012. Giống được Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm tự công bố lưu hành theo quyết định số 33/VCLT-KH ngày 8 tháng 2  năm 2023

+ Nhóm tác giả: Lê Thị Thoa, Vũ Kim Dung, Trần Thị Trường, Trần Tuấn Anh, Trần Thị Thanh Thủy và cộng tác viên

+ Giống đậu tương ĐT32 có nguồn gốc rõ ràng. Giống đậu tương ĐT32 có hoa màu tím, hạt vàng, rốn vàng, quả chín có màu nâu xám. Thời gian sinh trưởng từ 91 – 98 ngày. Chiều cao cây 39,0 – 55,8 cm, phân cành cấp I từ 3 – 5 cành/cây, số quả chắc cao 39 – 58 quả/cây. Khối lượng 1000 hạt lớn 193,2 – 208,8 gam. Năng suất từ 1,6 – 2,88 tấn/ha. Giống có thể trồng trong cả 3 vụ Xuân, Hè và Đông. Giống ĐT32 bị nhiễm nhẹ với gỉ sắt (cấp bệnh 2/5), phấn trắng (cấp bệnh 2/5), sương mai (cấp bệnh 2/5) và kháng với bệnh đốm nâu (cấp bệnh 1/5). Giống ĐT32 cứng cây, chống đổ tốt. Hàm lượng protein cao đạt 40,3 %, lipit 18,1%.

– Phạm vi áp dụng: Các tỉnh phía Bắc.

2. KỸ THUẬT SẢN XUẤT HẠT GIỐNG 2.1. Chuẩn bị đất trồng

Yêu cầu về ruộng giống: Đất có thành phần cơ giới trung bình, tơi xốp, dễ thoát nước, có hàm lượng lân dễ tiêu cao, độ pH = 6 – 7. Nên chọn đất cát pha, thịt nhẹ, chủ động tưới tiêu.

Chuẩn bị đất: Đất được cày sâu 15 – 20 cm, bừa 2 – 3 lần đảm bảo đất nhỏ, bằng phẳng và sạch cỏ. Lên luống rộng 1,0 m2 cả rãnh, rãnh ruộng 30 cm, chiều cao luống 25 – 30 cm và rạch hàng dọc luống để gieo hạt.

2.2. Thời vụ gieo: Vụ xuân: 4/2 – 6/3 và vụ đông: 01/9 – 26/9.

2.3. Mật độ, khoảng cách trồng và lượng phân bón

Lượng giống: Tính cho 1ha là 60 – 70 kg trong vụ xuân và vụ đông (đất màu).

Mật độ và khoảng cách gieo:

Vụ xuân: 25 – 30 cây/m2, khoảng cách hàng – hàng: 35 cm và cây – cây: 7 – 8 cm.

Vụ đông: 30 – 35 cây/m2, khoảng cách hàng – hàng: 35 cm và cây – cây: 6 – 7 cm.

Lượng phân bón cho 1 ha (kg/ha):

Vụ xuân: 30 N + (60 – 70) P2O5  + (60 – 70) K2O + 800 phân hữu cơ vi sinh + 500 vôi bột.

Vụ đông: (35 – 40) N + (70 – 80) P2O5  + (70 – 80) K2O + 800 phân hữu cơ vi sinh + 500 vôi bột.

Cách bón: Bón lót toàn bộ vôi bột, phân hữu cơ vi sinh và lân kết hợp bón thúc 2 lần:

Lần 1 bón ½ đạm + ½ kali khi cây có 2 – 3 lá;

Lần 2 bón ½ đạm + ½ kali còn lại khi cây có 5 – 6 lá.

2.4. Chăm sóc

Lần 1 khi cây có  2 – 3 lá thật làm cỏ và xới nhẹ kết hợp với bón thúc lần 1.

Lần 2, khi cây có 5 – 6 lá thật làm cỏ và xới nhẹ kết hợp với bón thúc lần 2.

Đảm bảo độ ẩm trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của cây.

2.5. Phòng trừ sâu bệnh hại:

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện thấy sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, dùng đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng nồng độ theo khuyến cáo của cơ quan bảo vệ thực vật.

+ Đối với sâu hại: Phun phòng giòi đục thân và sâu đục quả, sâu cuốn lá, sâu khoang khi đến ngưỡng gây hại.

+ Đối với bệnh hại: Lưu ý phun phòng trừ một số bệnh hại chính (Bệnh lở cổ rễ, bệnh gỉ sắt, bệnh sương mai, phấn trắng) tốt nhất khi cây có từ 4-5 lá thật.

2.6. Thu hoạch, chế biến và bảo quản

Phải làm sạch các thiết bị, dụng cụ, phương tiện chuyên chở, bao bì, sân phơi và kho trước khi thu hoạch. Chú ý các thao tác trong quá trình thu hoạch, chế biến và đóng bao để phòng ngừa lẫn cơ giới.

Thu hoạch: Khi đậu tương đã chín sinh lý, vỏ quả đã khô trên 85% và chuyển từ màu xanh sang màu vàng. Chọn thời tiết nắng ráo để thu hoạch, phơi, đập lấy hạt.

Chế biến: Hạt giống phải được phơi hoặc sấy ngay sau khi thu hoạch. Không được phơi trực tiếp trên sân gạch, xi măng. Phơi hạt khô ở độ ẩm tối đa 12,0%.  Hạt phải được phân loại, loại bỏ hạt không đảm bảo kích cỡ, tạp chất, hạt nứt vỡ và hạt bị sâu bệnh hại.

Bảo quản: Hạt giống được để nguội và đóng bao 2 lớp (nilon bên trong và bao dứa bên ngoài). Bao giống phải ghi đầy đủ tem, nhãn ghi theo quy định, được xếp theo hàng, theo lô, không để sát tường, có lối đi thông thoáng, tiện cho việc lấy mẫu kiểm tra và xử lý khi cần thiết.

3. Địa chỉ liên hệ : Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ – Viện Cây lương thực và CTP

xã Vĩnh Quỳnh – Thanh Trì – Hà Nội; Điện thoại: 02438 613 919