Giống đậu tương Đ11

Giống đậu tương Đ11

I. Nguồn gốc, xuất xứ:

+ Giống đậu tương Đ11 được chọn tạo từ tổ hợp lai M103 x ĐT2000 bằng phương pháp lai hữu tính kết hợp sử dụng chỉ thị phân tử chọn kiểu gen kháng bệnh gỉ sắt.

+ Giống đậu tương Đ11 thuộc nhóm có TGST trung ngày (85 – 100 ngày), giống có dạng hình đẹp, cây gọn, thân cứng, vỏ hạt vàng, rốn hạt màu nâu,sinh trưởng phát triển tốt, phân cành nhiều, hạt to (KL1000 hạt 201,9 – 237,0), năng suất bình quân đạt 25,3 – 28,4 tạ/ha trong vụ Xuân và Hè, vụ Đông đạt 22,9 – 24,0 tạ/ha. Đ11 kháng bệnh gỉ sắt (điểm 2/5), đốm nâu (điểm 2/5), nhiễm nhẹ đến trung bình bệnh sương mai, phấn trắng (điểm 3/5).

+  Giống đậu tương Đ11 được Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm tự công bố lưu hành theo công văn số 35/VCLT-KH ngày 1 tháng 2 năm 2024, đăng tải trên cơ sở dữ liệu Cục trồng trọt ngày 01/03/2024

+ Nhóm tác giả: Dương Xuân Tú, Nguyễn Văn Khởi, Lê Thị Hải Yến, Nguyễn Thị Hồng Ngót, Nguyễn Thị Hường, Nguyễn Thị Minh và Nguyễn Thị Thu

– Phạm vi áp dụng: Các tỉnh phía Bắc.

II. NỘI DUNG

2.1. Kỹ thuật gieo trồng

2.1.1. Thời vụ

– Vụ xuân gieo hạt từ 20 – 25/02 tại các tỉnh ĐBSH và Trung du MNPB, các tỉnh BTB gieo hạt từ 20-25/01

– Vụ hè gieo hạt từ 05 – 10/6 tại các tỉnh ĐBSH và từ 10-15/06 tại các tỉnh Trung du MNPB; tại các tỉnh BTB gieo từ 20-25/05

– Vụ đông gieo hạt từ 10 – 15/9 tại các tỉnh ĐBSH, từ 15 – 20/9 tại các tỉnh Trung du MNPB; tại các tỉnh BTB gieo từ 15 – 20/9

2.1.2. Chọn đất

Ruộng giống cần bố trí nơi đất tốt, thành phần cơ giới nhẹ, đủ ánh sáng, chủ động tưới tiêu, vụ trước không trồng đậu tương hoặc cây họ đậu. Ruộng giống phải cách ly với các ruộng đậu tương khác (tối thiểu 3m)

2.1.3. Làm đất

– Tùy theo từng địa hình, để có biện pháp làm đất khác nhau. Ở đất cao, bằng phẳng phải cày bừa kỹ, đảm bảo đất tơi xốp, sạch cỏ dại, xử lý đất trước khi gieo hạt bằng vôi bột. Ở đất thấp, phải lên luống để thoát nước khi có mưa lớn, luống rộng 100 cm, rãnh rộng 30cm, sâu 15 – 20 cm. Mặt luống được chia thành 2 hàng dọc theo chiều dài luống để thuận lợi cho việc quan sát, đánh giá kiểm tra sâu bệnh, tưới nước…

– Đối với đất có độ dốc cao, cần làm luống bậc thang có bề mặt 30- 40cm, kết hợp che phủ đất để chống xói mòn và giữ được phân bón, tạo thuận lợi cho việc chăm sóc và thu hoạch.

– Trên đất đã canh tác lúa mùa, phải cắt rạ, xử lý rơm, vệ sinh đồng ruộng. Nếu đất đã khô nên cày xới để thông thoáng đất, sau đó làm mương, lên luống và gieo hạt. Sau khi gieo cần phủ một lớp rơm mỏng trên bề mặt luống để giữ ẩm và tránh khô hạt khi chưa nảy mầm.

– Đối với các dòng G0 (vật liệu khởi đẩu), G1 và G2 (siêu nguyên chủng) phải bố trí gieo thành từng băng riêng biệt, bề mặt băng rộng 5m, chiều dài băng tùy diện tích đất thực tế và gieo hạt theo hàng, để dễ dàng nhận diện sự khác biệt và tuyển chọn cá thể.

2.1.4. Chuẩn bị hạt giống

Vật liệu ban đầu để sản xuất hạt giống siêu nguyên chủng là hạt giống tác giả hoặc hạt giống siêu nguyên chủng đã có. Hạt giống nguyên chủng được nhân từ hạt giống siêu nguyên chủng; hạt giống xác nhận được nhân từ hạt giống nguyên chủng. Lượng hạt giống để làm vật liệu ban đầu phải có tỷ lệ nảy mầm đạt ≥ 70 %.

Trước khi geo, hạt giống cần được phơi nhẹ, dưới nắng khoảng 2-3 giờ, để nguội, kiểm tra tỷ lệ nảy mầm.

Một số tính trạng giống đậu tương Đ11, làm cơ sở để sảng lọc cá thể. Giống đậu tương Đ11 có thời gian sinh trưởng 85-100 ngày; cao cây 38,5 – 68,4, số cành cấp 1 từ 2,5 – 3,8, hoa màu tím, vỏ quả khi chín màu vàng, hạt màu vàng, rốn hạt màu nâu. Khối lượng 1000 hạt 201,9 – 237,0, chín tập trung, ít tách quả ngoài đồng ruộng, năng suất biến động từ 22,9 – 28,4.

Tính trạng định tính làm cơ sở để sàng lọc cá thể: Kiểu sinh trưởng hữu hạn, dạng lá chét hình trứng, hoa màu tím, vỏ quả khi chín màu vàng, hạt màu vàng, rốn hạt màu nâu.

2.1.5. Mật độ, khoảng cách

– Đối với vật liệu khởi đầu (G0) và cấp siêu nguyên chủng (G1, G2), hàng cách hàng 50cm, cây cách cây 20cm, 1 cây/hốc, mật độ 100.000 cây/ha;

– Đối với cấp nguyên chủng, hàng cách hàng 50cm, cây cách cây 20cm, 2 cây/hốc, tương đương mật độ 200.000 cây/ha.

– Đối với giống xác nhận:

+ Tại các tỉnh ĐBSH: mật độ thích hợp là 35 cây/m2 trong vụ Xuân(tương đương khoảng cách 30cm x 10cm, 1 – 2 cây/hốc; hoặc 65 – 70 kg hạt giống/ha), 25 cây/m2 trong vụ Hè(tương đương khoảng cách 30cm x 15cm, 1 – 2 cây/hốc; hoặc 50 – 55 kg hạt giống/ha) và 45 cây/m2 trong vụ Đông (tương đương khoảng cách 25cm x 10cm, 1 – 2 cây/hốc; hoặc 70 – 75 kg hạt giống/ha).

+ Tại các tỉnh Trung du MNPB: mật độ thích hợp là 35 cây/m2 trong vụ Xuân(tương đương khoảng cách 30cm x 10cm, 1 – 2 cây/hốc; hoặc 65 – 70 kg hạt giống/ha), 30 cây/m2 trong vụ Hè (tương đương khoảng cách 30cm x 12cm, 1 – 2 cây/hốc; hoặc 60 – 65 kg hạt giống/ha) và 40 cây/m2trong vụ Đông(tương đương khoảng cách 25cm x 15cm, 1 – 2 cây/hốc; hoặc 65 – 70 kg hạt giống/ha).

+ Tại các tỉnh BTB: mật độ thích hợp là 30 cây/m2 trong vụ Xuân và Hè (tương đương khoảng cách 30cm x 12cm, 1 – 2 cây/hốc; hoặc 60 – 65 kg hạt giống/ha) và 45 cây/m2 trong vụ Đông(tương đương khoảng cách 25cm x 10cm, 1 – 2 cây/hốc; hoặc 70 – 75 kg hạt giống/ha).

Gieo trồng theo hàng, tốt nhất nên thiết kế hàng theo hướng Đông – Tây để cây trồng nhận được đầy đủ ánh sáng.

2.1.6. Bón phân

Lượng phân bón cho 1ha:

– Tại các tỉnh ĐBSH: vụ Xuân và Hè là 1 tấn phân HC + 25kgN + 70kgP205 + 70kgK20 (tương đương 8 – 10 tấn phân chuồng hoặc 5 tấn phân HCVS + 53kg Ure + 438 kg Super Lân + 117 kg Kaliclorua), vụ Đông là 1 tấn phân HCVS + 25kgN + 80kgP205 + 80kgK20(tương đương 8 – 10 tấn phân chuồng hoặc 5 tấn phân HCVS + 53kg Ure + 500 kg Super Lân + 133 kg Kaliclorua)

– Tại các tỉnh Trung du MNPB: vụ Xuân và Hè 1 tấn phân HC + 25kgN + 80kgP205 + 80kgK20 (tương đương 8 – 10 tấn phân chuồng hoặc 5 tấn phân HCVS + 63kg Ure + 500 kg Super Lân + 133 kg Kaliclorua); vụ Đông 1 tấn phân HC + 25kgN + 70kgP205 + 70kgK20 (tương đương 8 – 10 tấn phân chuồng hoặc 5 tấn phân HCVS + 53kg Ure + 438 kg Super Lân + 117 kg Kaliclorua)

– Tại các tỉnh BTB: vụ Xuân và Đông là 1 tấn phân HC + 25kgN + 80kgP205 + 80kgK20 (tương đương 8 – 10 tấn phân chuồng hoặc 5 tấn phân HCVS + 63kg Ure + 500 kg Super Lân + 133 kg Kaliclorua); vụ Hè 1 tấn phân HC + 25kgN + 70kgP205 + 70kgK20 (tương đương 8 – 10 tấn phân chuồng hoặc 5 tấn phân HCVS + 53kg Ure + 438 kg Super Lân + 117 kg Kaliclorua)

Cách bón:

– Bón lót toàn bộ phân hữu cơ vi sinh, phân lân với 1/3 lượng đạm + 1/3 lượng kali; Trước khi gieo hạt cần phủ lớp đất mỏng lên phân lót tránh để hạt tiếp xúc với phân

– Bón thúc 2 lần số phân còn lại chia đều khi cây có 2 -3 lá thật và khi cây có 4 – 5 lá thật kết hợp làm cỏ và vun xới.

(Vụ Đông trên đất sau lúa mùa: nên bón phân sớm, tập trung trong 30 ngày sau gieo)

2.1.7. Tưới nước

Giữ độ ẩm đồng ruộng thường xuyên 65 – 70% độ ẩm tối đa. Đặc biệt không để tình trạng thiếu ẩm trong thời kỳ ra hoa.

2.1.8. Khử lẫn tạp

Khử lẫn kết hợp các đợt chăm sóc loại bỏ cây yếu, cây khác về dạng hình, dạng lá, TGST và về màu sắc: thân mần (giai đoạn cây con); màu sắc hoa (khi cây ra hoa); màu sắc quả (khi quả chin)…

2.1.9. Phòng trừ sâu bệnh

Kiểm tra, theo dõi phát hiện kịp thời các loại sâu bệnh hại trong quá trình sinh trưởng phát triển của cây. Phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan Bảo vệ thực vật tại địa phương và tuân thủ liều lượng sử dụng khuyến cáo trên bao bì. Các loại sâu bệnh thường gặp trên giống đậu tương Đ11 là sâu ăn lá, giòi đục thân, sâu đục quả, bệnh phấn trắng và bệnh sương mai.

2.1.10. Thu hoạch, chế biến và bảo quản

– Thu hoạch

+ Trước khi thu hoạch phải kiểm tra dụng cụ, thiết bị, sân phơi, bao bì và kho tàng, chú ý các thao tác trong khi thu hoạch để phòng ngừa lẫn tạp trong quá trình thu hoạch, phơi khô.

+ Thu hoạch khi trời nắng ráo để thuận tiện phơi, đập giảm thất thoát năng suất, bảo đảm phẩm cấp và chất lượng hạt giống. Thu hoạch khi trên cây có 80 – 85% quả chin (trên 2/3 số quả chuyển sang màu vàng), phơi hạt trên nong, lia, cót… đến độ ẩm ≤ 12%, sau đó để trong bóng mát 2 – 3 giờ làm nguội hạt trước khi bảo quản. Không nên chất đống quá dày và ủ lâu ngày, tránh quá trình hô hấp. Không nên phơi hạt trên nền xi măng hoặc đường nhựa. Giống phải được phơi riêng biệt, khoảng cách tối thiểu 10m để hạn chế lẫn tạp do bị tách hạt trong quá trình phơi khô.

– Bảo quản hạt: Hạt đậu tương rất nhanh mất sức nảy mầm, đặc biệt trong điều kiện thời tiết nóng ẩm ở Việt Nam. Bảo quản hạt đậu tương nơi khô ráo. Các cấp giống khác nhau phải được gắn tem, nhãn với thông tin rõ ràng theo quy định. Thường xuyên kiểm tra độ ẩm hạt để có biện pháp xử lý. Nếu bảo quản lâu trong kho, cần kiểm tra nảy mầm trước khi gieo trở lại ngoài sản xuất.