GIỐNG LÚA GIA LỘC 37

GIỐNG LÚA GIA LỘC 37

1. Nguồn gốc

– Giống lúa thuần Gia Lộc 37 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo từ tổ hợp lai Tequing/PC6//RVT . Giống lúa Gia lộc 37 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sản xuất thử theo quyết định số: 279/QĐ – TT – CLT ngày 30 tháng 8 năm 2019.

Nhóm tác giả: Nguyễn Trọng Khanh, Phạm Văn Tính, Nguyễn Anh Dũng và Lê Thu Hằng

2. Đặc điểm

– Thời gian sinh trưởng cực ngắn: + Vụ xuân: 120 ngày + Vụ mùa: 90 ngày
+ Vụ hè thu: 85 ngày

– Giống lúa Gia lộc 37 có thân gọn, cao trung bình, sinh trưởng nhanh, mạnh, đẻ nhánh trung bình và tập trung, bộ lá màu xanh, mật độ bông khá, bông to và dài , và đạt 150-160 hạt/bông, hạt thóc màu vàng sáng, tỷ lệ hạt chắc cao trên 90%. Khối lượng 1000 hạt từ 29-30 gam, hàm lượng amylose 14,8 %, tỷ lệ gạo xay và gạo xát cao, tỷ lệ gạo nguyên khá, gạo trong, cơm trắng, bóng, mềm, đậm, có mùi thơm nhẹ (điểm 3)

– Giống Gia Lộc 37 cứng cây, chịu thâm canh. Chống chịu khá rầy nâu, chống chịu trung bình với bệnh đạo ôn, bạc lá.

– Năng suất trung bình đạt : + Vụ xuân: 60-65 tạ/ha        + Vụ mùa: 55-60 tạ/ha

3. Kỹ thuật canh tác

– Mùa vụ và chân đất: giống thích hợp gieo trồng trong cơ cấu luân canh 2 lúa + 1 màu hoặc 1 lúa + 3-4 màu. Giống gieo trồng được 2 vụ/năm, phù hợp với chân đất vàn và vàn cao, chủ động tưới tiêu.

– Thời vụ và phương pháp gieo cấy (đối với các tỉnh phía Bắc):

+ Vụ xuân muộn:  (mạ dược gieo từ 1/2 đến 15/2, cấy sau lập xuân và cấy mạ non khi mạ đạt 3,5 – 4 lá; mạ sân cấy khi tuổi mạ 12 – 15 ngày sau lập xuân; nếu gieo vãi thì gieo xung quanh tiết lập xuân)

+ Vụ mùa sớm: tuỳ theo từng vùng làm cây vụ đông khác nhau mà bố trí thời vụ cho phù hợp. Thời vụ cho phép gieo từ 25/5-15/6, cấy mạ dược khi tuổi mạ 10-12 ngày, mạ sân cấy khi tuổi mạ 8-10 ngày để thu hoạch trước ngày 15/9 nhằm giải phóng đất sớm để làm cây vụ đông

+ Vụ hè thu: gieo thẳng 25/5 -5/6, thu hoạch trước 10/9 để né lũ

– Lượng giống gieo, mật độ : 1,5-1,8 kg hạt giống/01 sào bắc bộ, cấy 2-3 dảnh/ khóm và mật độ 40-45 khóm/m2. Nếu gieo vãi dùng 1,8-2 kg/01 sào bắc bộ.

– Lượng phân và cách bón: Bón phân tập trung nặng đầu nhẹ cuối, nên bón phân tổng hợp kết hợp với bón đón đòng thêm kali để tăng khả năng cứng cây, đảm bảo năng suất của giống.

* Vụ xuân:

– Lượng phân: Phân chuồng 5-7 tấn hoặc 1-1,5 tấn phân hữu cơ vi sinh + 90-100 kg N + 60-70 kg P2O5+ 60-70 kg K2O/01ha.

Chú ý: bón sớm và bón tập trung để cây lúa ra rễ đẻ nhánh thuận lợi, không bón đạm khi nhiệt độ xuống thấp.

Cách bón:

+ Bón lót  (trước khi cấy):  Toàn bộ phân  chuồng  hoặc  phân  vi  sinh  + 100% P2O5 + 40% kg N + 20% K2O hoặc 100% NPK chuyên dùng bón lót

                + Bón thúc (khi lúa bén rễ hồi xanh): 50%  N + 30% K2O hoặc 70% NPK chuyên dùng bón thúc

            + Bón đón đòng (Khi lúa đứng cái: 10%  N + 50% K2O hoặc 30% NPK chuyên dùng bón thúc

* Vụ mùa:

– Lượng phân: Phân chuồng 5-7 tấn hoặc 1-1,5 tấn phân hữu cơ vi sinh + 80-90 kg N + 50-60 kg P2O5+ 50-60 kg K2O/01ha.

Chú ý: bón sớm và bón tập trung để cây lúa ra rễ đẻ nhánh thuận lợi, không bón thừa đạm dễ lốp đổ, sâu bệnh.

+ Bón  lót  (trước khi  cấy):  Toàn  bộ  phân  chuồng  hoặc  phân  vi  sinh + 40% kg  N  + 100% P2O5 +  20% K2O hoặc 100% NPK chuyên dùng bón lót

                + Bón thúc (khi lúa bén rễ hồi  xanh): 50%  N + 30% K2O hoặc 70% NPK chuyên dùng bón thúc

            + Bón đón đòng (Khi lúa đứng cái: 10%  N + 50% K2O hoặc 30% NPK chuyên dùng bón thúc

– Nếu dùng phân NPK thì dùng theo khuyến cáo của nhà sản xuất ghi trên bao bì, lưu ý thời điểm bón thúc và đón đòng sớm hơn khi dùng phân đơn 2-3 ngày.

– Chăm sóc: Cấy xong giữ nước 5-7 cm trên mặt, khi kết thúc đẻ nhánh tháo nước phơi ruộng 5 ngày để lúa ngừng đẻ nhánh, sau đó tưới bình thường.

– Thời điểm thu hoạch: Thu hoạch khi lúa chín vừa để giảm thất thoát do lúa rụng hạt.

– Phòng trừ sâu bệnh: Theo dõi và phòng trừ sâu bệnh theo dự tính dự báo của trạm BVTV địa phương, chú ý phòng tránh chuột.