GIỐNG LÚA GL102

GIỐNG LÚA GL102

1. Nguồn gốc

Giống lúa Gia Lộc 102 do Viện Cây lương thực và cây thực phẩm chọn tạo. Giống được công nhận sản xuất thử năm 2013, tại Quyết định số: 70/QĐ-TT-CLT, ngày 28/02/2013 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

2. Đặc điểm chính        

Giống lúa Gia Lộc 102 là giống cực ngắn ngày, đặc biệt là có thể giải phóng đất tr­ước 10/9 để có thể canh tác các cây vụ đông sớm (ngô, bí xanh, hành, tỏi…).

–  Thời gian sinh trưởng:

+ Vụ mùa: 90 – 95 ngày.

+ Vụ hè thu: 85 – 90 ngày

+ Vụ xuân 120 – 125 ngày

–  Chiều cao cây: 90 – 95 cm, màu lá xanh, bông trung bình, góc độ lá đòng nhỏ, hạt có màu vàng sáng, dạng hạt thon dài, chiều dài hạt gạo 7,2 mm, tỷ lệ dài/rộng = 3,7. Khối lượng 1000 hạt 21 – 22g, số hạt/bông 150 ± 10 hạt, tỷ lệ lép 12 – 18%.

–  Gia Lộc 102 có khả  năng chịu rét khá, chống đổ trung bình, ít nhiễm đạo ôn, nhiễm nhẹ bạc lá và rầy nâu.

–  Giống lúa Gia Lộc 102 có năng suất  53 – 57 tạ/ha (vụ Xuân),  50 – 55 tạ/ha (vụ Mùa)

–  Gia Lộc 102 là giống lúa chất lượng, hạt gạo trong, không bạc bụng, cơm mềm, dẻo, có mùi thơm.

3. Kỹ thuật thâm canh

* Thời vụ:  – Vụ xuân:  + Gieo mạ sân: 20/1 – 10/2

+ Gieo thẳng 5/2 – 25/2

– Vụ mùa:   + Gieo mạ sân: 1/6 – 10/6

+ Gieo thẳng: 5/6 – 25/6

– Gieo thẳng bằng tay hoặc máy, thời vụ gieo từ 5/2 – 25/2, thu hoạch từ 10 – 25/6, năng suất đạt từ 55 – 65 tạ/ha.

– Gieo mạ sân, mạ trên nền đất cứng, mạ dày xúc, mạ khay. Thời vụ gieo từ 20/1 -10/2. năng suất đạt 56 – 65 tạ/ha.

* Kỹ thuật gieo cấy:

– Mạ sân được cấy khi mạ có ít nhất 3 – 4 lá thật, nhiệt độ không khí đạt > 150. Cấy mật độ 55 khóm/m2

– Gieo thẳng với lượng hạt giống khoảng 60 – 80 kg/ha. Nếu sử dụng phương pháp gieo bằng máy gieo hạt thì lượng giống sử dụng khoảng 40 – 60 kg/ha, tỉa dặm khi mạ có 3 – 4 lá thật, chú ý mật độ khoảng 55 – 60 cây/m2 là phù hợp.

* Phân bón:

– Lượng phân bón cho 1 sào Bắc bộ (360 m2):     + Phân hữu cơ vi sinh: 300 – 400 kg

+ Ure: 7 – 8 kg

+ Lân: 16 – 20 kg

+ Kali: 6 – 8 kg

– Cách bón:

+ Bón lót toàn bộ phân hữu cơ vi sinh + 100% Lân + 50% Kali + 50% Ure.

+ Bón thúc:  Lần 1: (bón sau khi cây lúa bén rễ hồi xanh) 30% Ure.

Lần 2: (bón khi cây lúa phân hóa đòng) 20% Ure + 50% Kali.

(Nếu sử dụng NPK (16-16-8) thì dùng 15-18 kg/sào. Bón lót 7 – 9 kg, thúc lần 1: 4 – 5 kg+ 2 kg Urê, số còn lại bón khi cây lúa làm đòng).

– Sau khi lúa kết thúc đẻ nhánh nên tháo cạn ruộng trong 4 – 5 ngày để lúa dừng đẻ nhánh vô hiệu và tăng độ cứng của cây.

* Theo dõi và phòng trừ bọ trĩ ở giai đoạn mạ và sau cấy. Sâu cuốn lá trong giai đoạn lúa đẻ nhánh, sâu đục thân ở giai đoạn lúa trỗ (theo phương pháp IPM).

4. Đối tượng và phạm vi áp dụng

Giống lúa Gia Lộc 102 là giống cực ngắn ngày, thích hợp gieo cấy tại trà mùa sớm ở  vùng Đồng bằng sông Hồng, trà xuân muộn và hè thu tại Bắc trung bộ và Nam trung bộ. (Giống lúa Gia Lộc 102 có thể dùng làm giống dự phòng).

Giống lúa Gia Lộc 102 sinh trưởng và phát triển tốt tại các chân ruộng vàn và vàn cao có các công thức luân canh lúa + màu, đặc biệt phù hợp với các công thức luân canh 2 lúa + màu đông cực sớm hoặc 1 lúa + 3 màu.

5. Điển hình áp dụng

Các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ

6. Địa chỉ liên hệ giống:

Bộ môn Chọn tạo giống lúa cho vùng khó khăn, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, xã Liên Hồng, Gia Lộc, Hải Dương.