HỘI NGHỊ GIỚI THIỆU GIỐNG SẮN MỚI SIÊU CAO SẢN

Ngày 6 tháng 1 năm 2015, tại Ủy ban Nhân dân huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, Trung tâm NC và PT Cây có củ thuộc Viện Cây lương thực và CTP kết hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá các mô hình sản xuất thử một số giống sắn mới do Trung tâm nghiên cứu và chọn tạo ra.

Tham dự Hội nghị có Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông, Sở NN và PTNT tỉnh Tuyên Quang, Sở NN&PTNT và Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Yên Bái, Phòng Nông nghiệp và Trung tâm Khuyến nông huyện Văn Yên, Đảng ủy và UBND huyện Văn Yên, Các nông dân tham gia thực hiện mô hình ở Xã Mậu Đông và lãnh đạo và các hộ nông dân ở các xã lân cận. Đưa tin về Hội nghị có Đài truyền hình và truyền thanh của Huyện Văn Yên.

Huyện Văn Yên là huyện miền núi, tổng diện tích tự nhiên 1.391,54km­­2 Huyện Văn Yên cách trung tâm tỉnh lỵ Yên Bái 40 km về phía Bắc. Địa hình Văn Yên tương đối phức tạp, đồi núi liên tiếp và cao dần từ Đông Nam lên Tây Bắc thuộc thung lũng sông Hồng kẹp giữa dãy núi cao là Con Voi và Púng Luông; Hệ thống sông ngòi dày đặc với các kiểu địa hình khác nhau: vùng núi cao hiểm trở, vùng đồi bát úp lượn sang nhấp nhô xen kẽ với các thung lũng và các cánh đồng phù sa nhỏ hẹp ven sông. Sự chênh lệch địa hình giữa các vùng trong huyện rất lớn, có đỉnh cao nhất 1.952 m, nơi thấp nhất là 20 m so với mặt nước biển. Tuy địa hình khá phức tạp nhưng Văn Yên có tiềm năng về đất đai, lâm sản, khoáng sản, chăn nuôi đại gia súc. Toàn huyện có 26 xã và 1 thị trấn, với 312 thôn bản, 60 tổ dân phố. Mật độ dân số trung bình 83 người/ km2. Trình độ lao động ở đây chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo tay nghề, nhất là ở khu vực nông thôn, điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc áp dụng tiến bộ khoa học mới vào sản xuất.

Thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm tăng giá trị kinh tế của nông sản hàng hoá trên một đơn vị diện tích canh tác, từ năm 2001 Yên Bái đã phát triển vùng sản xuất sắn hàng hoá tập trung tại các xã: An Bình, Đông Cuông, Mậu Đông, Quang Minh, Tận Hợp của huyện Văn Yên. Hiện nay, tổng diện tích trồng sắn của huyện Văn Yên là hơn 4000ha, trong đó các loại giống sắn cao sản chiếm tới hơn 3700ha. Nắm được chủ trương trên của của huyện Văn Yên, Trung tâm nghiên cứu và PT Cây có củ, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm đã hợp tác với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Yên Bái và Phòng NN của huyện Văn Yên đế đưa các giống sắn mới được chọn tạo của Viện vào các mô hình sản xuất thử  tại một số xã của Huyện Văn Chấn như  giống sắn KM94, KM98-7, HL2004-28, KM419, BKA 900, Sa06 và Sa21-12…

Tại Hội nghị các đại biểu đã được thăm các mô hình khảo nghiệm sản xuất các giống sắn BKA 900, Sa06 và Sa21-12. Giống BKA900 được đánh giá rất cao do có dạng cây đẹp, có khả năng sinh trưởng tốt, chống chịu sâu bệnh hại khá, chiều cao cây trung bình, đường kính thân trung bình 2,9 cm, số củ trung bình 10-12 củ/khóm, thân cứng, lóng ngắn, tỷ lệ tinh bột 27,8%, có thể sử dụng cho ăn tươi, đặc biệt năng suất đạt rất cao (80-90 tấn/ha) ở các điểm khảo nghiệm, cao hơn giống đối chứng (KM94) từ 80-120%. Giống BKA900 được chọn lọc từ hạt lai thụ phấn tự do mẹ là BKA900 (BKA900 được nhập nội từ Braxin) và đang được khảo nghiệm sản xuất tại một số điểm của tỉnh Yên Bái và tỉnh Tuyên Quang.

Là một nông dân điển hình với trên 30 năm canh tác sắn, ông Vũ Văn Tăng một trong những hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình ở xã Mậu Đông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên bái đánh giá BKA900 là một giống sắn cao sản có năng suất ổn định. Do giống có dạng cây đẹp, không phân cành và chống chịu sâu bệnh tốt nên năng suất luôn cao gấp đôi so với các giống khác đang được trồng trong vùng. Ông cũng mong muốn phía cơ quan tác giả tiếp tục nghiên cứu và đưa các tiến bộ về cây sắn để giúp các hộ nông dân trong xã nâng cao thu nhập.

Đại diện UBND huyện Văn Yên, ông Ngô Doãn Thủy-Phó chủ tịch huyện cũng đánh giá cao sự đóng góp của cây sắn vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hôi của huyện Văn Yên. Ông mong muốn Trung tâm NC và PT Cây có củ, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ thủ tục công nhân giống sắn BKA900 để huyện có cơ sở pháp lý cho việc mở rộng mô hình sản xuất. Ông cũng đề nghị cơ quan tác giả nghiên cứu về kỹ thuật canh tác sắn bền vững và thời vụ thích hợp để tránh việc thu hoạch tâm trung và ép giá của các doanh nghiệp.

Bà Vũ Thị Lưu-Trưởng phòng Trồng trọt đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái đánh giá cao các mô hình sản xuất sắn của Viện Cây lương thực tại Yên Bái và  ghi nhận vai trò của các giống sắn trong mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp của Tỉnh. Bà cũng mong Bộ Nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam tạo điều kiện cho cơ quan tác giả công nhận sản xuất thử cho giống BKA900 để mô hình sẽ được nhân rộng trong các vụ tới trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, Bà cũng đề nghị cơ quan tác giả, phối hợp với các cơ quan sở tại tiếp tục các nghiên cứu về thời vụ canh tác, phương pháp canh tác sắn bền vững trên đất dốc cũng như sử dụng phân bón để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng sắn.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, TS. Trần Thị Đính và đại diện lãnh đạo Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam-PGS.TS. Trịnh Khắc Quang đánh giá rất cao sự thành công của mô hình. Để mô hình phát triển rộng và bền vững, các nhà khoa học cần kết hợp chặt chẽ hơn nữa với các nhà quản lý để cung cấp cho nông dân những gói kỹ thuật đồng bộ, từ khâu chọn giống đến khâu tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Bộ sẽ kết hợp cùng với Sở Nông nghiệp&PTNT, Sở Khoa học CN của tỉnh để có các cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương và nông dân tham gia mô hình tăng thu nhập từ cây sắn và đồng thời sẽ hướng dẫn để cơ quan tác giả nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ công nhận sản xuất thử giống sắn BAK900.

Kết thúc hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Trí Hoàn-Viện Trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm trân trọng cảm ơn công tác chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp-PTNT và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng như sự hợp tác của các cơ quan ban ngành của tỉnh Yên Bái để đưa giống sắn BKA900 của Viện vào sản xuất. Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm sẽ nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho công nhận sản xuất thử giống BKA900 và sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Tỉnh để tiếp tục các nghiên cứu khác nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất cho giống sắn BKA900.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Lê Thị Thanh Lý

Phòng Khoa học và HTQT