Giống táo VC04

Giống táo VC04

  1. Nguồn gốc và tác giả

– Giống táo VC04 là giống táo mới của Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm được tuyển chọn từ một mẫu giống táo nhập nội. Giống được Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm tự công bố lưu hành theo Văn bản số 477/VCLT-KH ngày 24 tháng 12 năm 2024 và được đăng tải trên cơ sở dữ liệu ngành Trồng trọt ngày 25 tháng 12 năm 2024.

– Tác giả: TS. Đoàn Xuân Cảnh, TS. Nguyễn Thị Miền, ThS. Nguyễn Văn Tân, ThS. Nguyễn Thị Hải Yến, ThS. Đỗ Thị Thủy, ThS. Phạm Văn Nghĩa, GS. TS. Đỗ Năng Vịnh, PGS. TS. Hà Thị Thúy, GS. TS. Phạm Xuân Hội, TS. Lê Quốc Hùng.

  1. Đặc điểm chính của giống

– Giống có khả năng sinh trưởng và phát triển khoẻ. Giống táo VC04 thu hoạch sớm, thời gian thu hoạch khoảng 10/12-20/1. Giống cho năng suất cao đạt > 6,0 tấn/ha (tuổi 1);  đạt > 15,0 tấn/ha (tuổi 2) và đạt trên 40 tấn/ha (tuổi 3). Nhiễm nhẹ bệnh sương mai, phấn trắng (điểm 1-3). Đây là giống táo quả to, khối lượng quả đạt >80 gram/quả, khi chín màu xanh sáng, ăn giòn, ngọt mát, được thị hiếu người tiêu dùng chấp nhận.

  1. Phạm vị áp dụng: Vùng đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc
  2. Kỹ thuật canh tác

4.1. Thời vụ trồng: trồng từ tháng 1 – tháng 3

4.2. Làm đất

– Chọn đất, đào hố và kỹ thuật trồng: Cây táo cần chọn vùng đất trồng có chủ động nước tưới, đặc biệt ở giai đoạn sau trồng (tháng 1- 4), ra hoa, đậu quả và phát triển quả (tháng 7- tháng 11).

– Táo là cây dễ tính ít đòi hỏi về điều kiện đất đai so với các cây trồng khác, nhưng tốt nhất là trồng táo VC04 ở đất phù sa, giữ ẩm, giàu mùn, dinh dưỡng, dễ tưới, tiêu nước.

4.3. Mật độ và phương pháp trồng

– Khoảng cách mật độ. Mật độ trồng 625 cây/ha, khoảng cách trồng táo (hàng x cây) =  (4 x 4)m. Cứ 2- 3 hàng táo nên đào một rãnh nước (rộng 50 cm sâu 40-50 cm) để tưới và tiêu nước.

– Đào hố và trồng cây.Thường trồng táo theo hốc, hố: Đào hố rộng 60 – 70 cm, sâu 60 – 70 cm. Khoảng cách trồng theo sơ đồ trên. Bón lót 5-10 Kg phân hữu cơ (phân chuồng hoai mục) + 0,5-1,0 kg lân super (hoặc lân hữu cơ vi sinh)/hốc đảo đều với đất bột cho kỹ, vun cao đất thành nấm mô sau đó trồng cây. Trồng ngập gốc cách mắt ghép khoảng 10 cm. Trồng xong dậm chặt xung quanh gốc.

– Chú ý: Đất thịt nhẹ trồng bằng mặt đất, phủ rơm/rạ xung quanh hốc, đất thịt cần trồng trên nấm cao so với mặt líp, tránh trồng trũng gây ngập úng, thối rễ.

– Giai đoạn sau trồng thường xuyên phải tưới giữ ẩm cho cây nhanh bén rễ ra chồi lộc.

– Lưu ý: Kịp thời loại bỏ những chồi dại (những chồi không mọc từ cành ghép).

4.4. Phân bón và cách bón phân

– Bón phân: Phân bón cho năm thứ nhất: 600 kg Supe lân + 10 tấn phân hữu cơ +  350 kg đạm Ure + 250 Kg Kali Clorua/ha.

– Năm thứ 2: 900 kg Supe lân+ 20 tấn phân hữu cơ + 500 kg đạm Ure + 400 Kg Kali Clorua/ha.

– Năm thứ 3: 1000 kg Supe lân+ 30 tấn phân hữu cơ + 600 kg đạm Ure + 500 Kg Kali Clorua/ha.

+ Lần 1: Sau trồng một tháng (hoặc ngay sau khi đốn táo) xới toàn bộ xung quanh gốc và bón phân chuồng hoai mục + 1/3 lượng phân hoá học nói trên (riêng lân bón lót ngay lần 1).

+ Lần 2: Trước khi cây ra hoa rộ bón 1/3 lượng phân (Đạm + Kali)

+ Lần 3: Khi cây đã vừa vào quả đẫy (sau lần 2: 70 – 85 ngày) bón nốt số phân còn lại. Nếu gặp hạn phải tưới nước để cây sinh trưởng và phát triển tốt, quả lớn nhanh, không bị héo rụng. Ở giai đoạn này có thể bổ sung thêm chất dinh dưỡng qua lá: Dùng Master grow hoặc Grow 3 lá xanh để phun (theo hướng dẫn ở bao bì).

4.5. Phòng trừ sâu bệnh hại

– Thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh bằng phương pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM). Áp dụng chế phẩm vi sinh vật (như nấm Trichoderma hay Bacillus thuringiensis) để phòng ngừa các loại nấm bệnh hoặc côn trùng gây hại.

– Chọn mua cây giống ở vườn ươm uy tín, cây giống khỏe, đảm bảo cây có sức đề kháng tốt. Khoảng cách giữa các cây trồng hợp lý, không quá gần nhau.

– Cải thiện hệ thống thoát nước của đất trồng, đảm bảo nước không bị đọng gây ngập úng, thối rễ và tạo điều kiện để vi khuẩn, nấm sinh sôi. Thường xuyên dọn cỏ, dọn lá rụng trong vườn, nhất là vào thời điểm mùa thu và mùa đông.

– Loại bỏ ngay những cành, lá hay bất kỳ bộ phận nào bị nhiễm bệnh để tránh sự lây lan. Việc này là cực kỳ quan trọng trong thời kỳ táo ra quả và quả chuẩn bị chín.

– Sử dụng bẫy dính, chất xuôi đuổi để bắt các loại côn trùng bay như ruồi vàng, ruồi đục quả. Thường xuyên kiểm tra và thu hoạch tay các con sâu, nhộng hoặc trái bị hại.

– Khuyến khích sự phát triển của thiên địch như ong ký sinh hay các loài động vật ăn thịt tự nhiên để kiểm soát số lượng sâu hại.

– Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cần tuân thủ nguyên tắc an toàn: Lựa chọn thuốc phù hợp với từng loại sâu bệnh cụ thể và các loại thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn của ngành Bảo vệ thực vật. Phun thuốc vào thời điểm trời mát (sáng sớm hoặc chiều tối) để giảm khả năng bay hơi và tăng hiệu quả tiếp xúc.

4.6. Kỹ thuật đốn táo

– Táo VC04 sau thu hoạch (giữa tháng 3) thì đốn táo.

– Kỹ thuật đốn táo: Táo tuổi 1 cắt cành ghép chính, để chừa lại 20 – 25 cm cành ghép, kết hợp với tạo tán.

– Táo tuổi 2 đốn thấp 40 cm cành ghép, để lại 3 thân chính ở thế chân kiềng.

– Từ tuổi 3 trở đi đốn đuổi cách vết đốn cũ năm trước 15 – 20 cm. Cứ đốn đuổi như vậy, khi nào thấy bộ khung già cỗi, năng suất giảm, bộ tán quá cao thì lại đốn đau cách mặt đất 40- 50cm để táo trẻ hóa lại (đốn táo có thể điều khiển cho táo chín sớm hơn hoặc muộn hơn xin hỏi chi tiết các chuyên gia về táo).

4.7. Kỹ thuật thu hoạch quả: Thu đúng lúc quả chín cho chất lượng ngon. Khi quả to đẫy màu xanh nhạt là thu được.

  1. Địa chỉ liên hệ giống:

Bộ môn Cây thực phẩm, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm

Liên Hồng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương

ĐT: 0220.3716397