GIỐNG LẠC L29
GIỐNG LẠC L29
Giống lạc L29 được Trung tâm nghiên cứu & Phát triển đậu đỗ – Viện Cây lương thực & CTP chọn tạo ra từ tổ hợp lai đơn giữa giống L18 X L16. Giống lạc L29 đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận cho sản xuất thử tại các tỉnh phía Bắc theo Quyết định số 29/QĐ-CLT ngày 25 tháng 1 năm 2019 của Cục trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và PTNT và Quyết định tự công bố lưu hành số 397/VCLT-KH ngày 3 tháng 12 năm 2020 và tiếp nhận hồ sơ của Cục trồng trọt số 1540/TB-TT-CLT ngày 18 tháng 12 năm 2020.
Nhóm tác giả: Nguyễn Xuân Thu, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Viết, Nguyễn Xuân Đoan, Nguyễn Thị Hồng Oanh, Nguyễn Thị Liễu, Trần Thị Trường, Nguyễn Chí Thành, Nguyễn Thị Thúy Lương, Nguyễn Thị Quý, Nguyễn Mạnh Hùng và Tạ Hồng Lĩnh .
Đặc điểm chính: Giống lạc L29 được Trung tâm nghiên cứu & Phát triển Đậu đỗ – Viện Cây lương thực & CTP chọn tạo ra từ tổ hợp lai đơn giữa giống L18 X L16. Giống lạc L29 kháng bệnh héo xanh vi khuẩn, nhiễm nhẹ với bệnh đốm lá (gỉ sắt, đốm đen, đốm nâu); Khối lượng 100 quả: 155 – 160g ; Khối lượng 100 hạt: 55 – 60g, tỷ lệ hạt/quả: 71 – 72,5%; năng suất: 3,07 – 4,5 tấn/ha (ở vụ xuân); Eo quả trung bình, gân quả rõ trung bình, vỏ lụa hạt màu hồng; Thời gian sinh trưởng 110 – 120 ngày (ở vụ xuân) và 90 – 95 ngày (ở vụ thu đông), có thể gieo trồng trong cả 02 vụ xuân và vụ thu đông; Tỷ lệ quả 2 hạt cao, chín tập chung
Kỹ thuật canh tác giống lạc L29
1.1. Thời vụ
Vụ Xuân: 05/01 – 15/02
Vụ Thu Đông: 25/08 – 05/09
Song khung thời vụ tốt nhất nên gieo trong khoảng từ 15/1 – 15/02 (đối với vụ xuân) và từ 25/8 – 5/9 (đối với vụ thu đông).
1.2. Chọn đất
Chọn nơi đất tốt, có thành phần cơ giới thích hợp là cát pha, thịt nhẹ chủ động tưới và dễ thoát nước, pH trung tính từ 6,0 – 6,5.
1.3. Làm đất
Yêu cầu cày sâu, bừa nhỏ làm cho đất tơi xốp và nhặt sạch cỏ dại trước khi lên luống, rạch hàng.
– Lên luống rộng 1,3 m (cả rãnh), luống cao 15 – 20 cm, đảm bảo mặt luống rộng 1,0 m sau đó sẽ trồng 4 hàng dọc theo chiều dài luống với khoảng cách hàng cách hàng 25 cm.
Chú ý: Nếu che phủ nilon, kích thước luống phải tuân theo kích cỡ nilon. Hiện nay, cỡ nilon thường có đường kính ống rộng 60 cm cho mặt luống rộng 1m. độ dày nilon từ 0,007- 0,01mm (Đảm bảo 1kg nilon có thể che phủ được 100 – 120 m2 đất)
1.4. Phân bón:
v Lượng bón (kg/ha):
* Phân vô cơ: 45kg N + 135kg P2O5 + 90kg K2O, tương ứng :
– Đạm Urea: 98 kg; – Lân Super: 840kg; – Kaliclorua: 150 kg; * Phân hữu cơ : – Phân chuồng: 5 – 10 tấn/ha (hoặc 1.000kg phân vi sinh sông Gianh); |
Có thể sử dụng loại phân NPK tổng hợp chuyên dùng cho lạc để thay thế các loại phân đơn kể trên với số lượng từ 550-650kg/ha (Tùy và tỷ lệ N:P:K và chân đất của từng địa phương) |
* Vôi bột : 300-500 kg
v Cách bón:
– Vôi bột bón lót 1/2 trước khi rạch hàng, 1/2 còn lại bón vào lúc lạc đâm tia.
– Toàn bộ lượng phân hoá học được trộn đều và bón vào hàng đã rạch sẵn (hàng rạch sâu 10 – 15 cm), phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh bón sau cùng. Sau khi bón phân lấp một lớp đất dày 2 – 3 cm lên trên phân để khi gieo, hạt không bị tiếp xúc vào phân.
1.5. Hạt giống:
Trước khi gieo nên thử lại sức nảy mầm. Nếu hạt có tỷ lệ nảy mầm đạt trên 85% thì lượng giống cần 200 – 220 kg/ha (giống vụ xuân) và 180 – 200kg (giống vụ thu hoặc vụ thu đông).
1.6. Mật độ khoảng cách:
Khoảng cách hàng cách hàng 25 cm, hốc cách hốc 20 cm gieo 2 hạt/hốc, đảm bảo mật độ 40 cây/m2. Khi gieo hạt, đất phải đủ ẩm, phải phủ lớp đất mỏng lên phân bón lót không để phân tiếp xúc với hạt. Hạt được lấp sâu 3 – 4 cm.
1.7. Chăm sóc
+ Áp dụng cho không phủ nilon:
– Xới lần 1 (phá váng): Khi cây có 2-3 lá thật (sau mọc 10 – 12 ngày)
– Xới cỏ lần 2: Khi cây có 6 – 7 lá thật (trước khi ra hoa), xới sâu 5-6 cm sát gốc, không vun gốc.
– Xới cỏ lần 3 kết hợp vun gốc sau khi hoa rộ 7 – 10 ngày.
– Bón bổ sung bằng cách phun lên lá dung dịch đạm và lân (5%) hoặc phân bón qua lá chuyên dụng vào giai đoạn hình thành quả hạt (sau hoa rộ 30 ngày)
+ Áp dụng cho phủ nilon:
– Khi lạc mọc phải thường xuyên kiểm tra đục nilon tạo điều kiện giúp lạc phân cành thuận lợi.
1.8. Tưới nước:
Áp dụng chung cho cả phủ và không phủ nilon
– Sau mọc 20 – 30 ngày thường xuyên giữ ẩm cho đồng ruộng. Đặc biệt lưu ý, nếu thời tiết khô hạn phải tưới vào 2 giai đoạn cần thiết: trước khi cây ra hoa (cây có 6 – 7 lá) và thời kỳ làm quả, hạt (sau hoa rộ 30 ngày). Tưới vào rãnh ngập 2/3 luống, để nước ngấm đều rồi tháo cạn.
1.9. Phòng trừ sâu bệnh
– Phòng trừ sâu bằng Sumidicin 0,2% hoặc Sumianpha …v,v…
– Dùng Vicarben 50 WP, Rovral 750 WP xử lý hạt trước khi gieo (với liều lượng 3-4 gam/1 kg hạt) để phòng trừ bệnh thối đen cổ rễ và thối trắng thân quả.
– Dùng Daconil; Anvil; Bayleton 0,1 – 0,3% hoặc zinhep 0,2% phun lần 1 sau mọc 40 – 50 ngày, lần 2 cách lần một 15 – 20 ngày để ngăn ngừa bệnh hại lá làm rụng lá sớm ( hoặc có thể dùng các loại thuốc khác trên cơ sở được phép sử dụng của Bộ Nông nghiệp và PTNT).
1.10. Thu hoạch, chế biến và bảo quản
– Lưu ý giống L29 rất dễ nảy mầm trên đồng ruộng, do vậy chọn ngày nắng ráo để thu hoạch. Thu hoạch khi quả già chiếm khoảng 80 – 85% số quả trên cây đối với làm thương phẩm. Lạc để làm giống thu hoạch sớm hơn lạc thương phẩm từ 5 – 7 ngày. Sau khi nhổ, vặt quả, rửa sạch, phơi dưới nắng nhẹ đến khi vỏ lụa tróc ra là được.
– Phơi lạc giống nhất thiết phải phơi trên nong nia, cót, sân đất (không phơi trực tiếp trên sân gạch, xi măng). Khi phơi khô phải để nguội rồi sau đó với cho vào bao nilon hoặc chum vại đậy kín, bảo quản nơi khô mát tránh tiếp xúc trực riếp với ánh sáng bên ngoài.
Địa chỉ liên hệ : Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ – Viện Cây LT và Cây TP
xã Vĩnh Quỳnh – Thanh Trì – Hà Nội; Điện thoại: 02438 613 919;