Giống lúa GL25 (TĐ25)

Giống lúa GL25 (TĐ25)

  1. Nguồn gốc giống

            – Giống lúa thuần Gia Lộc 25 (TĐ25) do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm lai tạo và chọn lọc từ tổ hợp lai ba Gia Lộc 16/IR85420//IR62. Quá trình chọn lọc từ năm 2013 theo phương pháp phả hệ; Khảo nghiệm VCU, DUS và khảo nghiệm sản xuất từ vụ mùa năm 2018.

Giống lúa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận lưu hành quyết định số: 448/QĐ-TT-CLT ngày 28 tháng 11 năm 2023

2.  Đặc điểm giống

– Giống lúa Gia Lộc 25 (TĐ25) có thời gian sinh trưởng từ 130-135 ngày trong vụ Xuân và 110-115 ngày trong vụ Mùa, dạng hình cây gọn đẹp, hạt thóc màu vàng sẫm; tỷ lệ dài/rộng hạt gạo đạt 2,68; tỷ lệ gạo lật đạt 81,45; tỷ lệ gạo xát đạt 63,85; tỷ lệ gạo nguyên/gạo xát đạt 52,95, hàm lượng amylose đạt 13,41%; Khối lượng 1000 hạt đạt 21,9-24,5g

Giống lúa Gia Lộc 25 (TĐ25) có phản ứng kháng với nguồn nấm bệnh đạo ôn với tên nòi đại diện là: u63-i3-k100-z04-ta423 (cấp bệnh 3/9), có phản ứng nhiễm với nguồn bệnh bạc lá với tên nòi đại diện là: Xoo_2237 (cấp bệnh 7/9) và có phản ứng nhiễm vừa với nguồn rầy nâu thu thập tại Nghĩa Hưng, Nam Định đại diện vùng đồng bằng sông Hồng (cấp bệnh 5/9). Năng suất thực thu của giống lúa Gia Lộc 25 trong vụ Xuân từ 61,76-69,33 tạ/ha và từ 47,41-67,33 tạ/ha trong vụ Mùa.

Gia Lộc 25 (TĐ25) là giống lúa chịu thâm canh, ngắn ngày, gieo cấy thích hợp ở trà Xuân muộn và Mùa sớm, trên các chân đất vàn, vàn cao chủ động tưới tiêu tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.

 

  1. Kỹ thuật canh tác

Thời vụ gieo trồng: Thích hợp gieo cấy vụ Xuân muộn và Mùa sớm, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.

Vùng sản xuất: Các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, Việt Nam.

Tóm tắt quy trình gieo trồng và chăm sóc:

– Thời vụ gieo cấy: căn cứ vào điều kiện thực tiễn và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn tại địa phương để bố trí thời vụ gieo cấy hợp lý.

+ Vụ Xuân: cần bố trí gieo cấy đảm bảo lúa trỗ an toàn trong khoảng từ 05-20/05: mạ dược gieo từ 10-25/01, cấy khi mạ có 4,5-5 lá; mạ sân gieo xung quanh tiết lập xuân; gieo thẳng (sạ) từ 10-20/02, khi nhiệt độ bình quân trong ngày > 150C.

+ Vụ mùa: lúa cấy gieo mạ từ 01-10/06, cấy ở tuổi mạ từ 15-18 ngày; gieo thẳng (sạ) từ 10-20/06.

– Mật độ gieo cấy: Gia Lộc 25 (TĐ25) là giống có khả năng đẻ nhánh trung bình, kiểu cây gọn nên cấy ở mật độ từ 35-40 khóm/m2 (vụ Xuân) và 40-45 khóm/m2 (vụ Mùa), cấy 2-3 dảnh/khóm.

– Bón phân: Lượng phân bón cho 1 ha: Tuỳ điều kiện đất đai, thời vụ, vụ Xuân bón 8-10 tấn phân chuồng (nếu có) hoặc 1 tấn phân HCVS + 120 kg N + 100 kg P2O5 + 90 kg K2O; vụ Mùa bón 8-10 tấn phân chuồng (nếu có) hoặc 1 tấn phân HCVS + 100 kg N + 90 kg P2O5 + 80 kg K2O.

Cách bón: Nên bón nặng đầu nhẹ cuối, bón thúc sớm cho lúa đẻ nhánh sớm, tập trung, đảm bảo được số dảnh hữu hiệu/m2.

+ Bón lót toàn bộ phân chuồng (hoặc phân HCVS) + 100%P2O5 + 40% N + 30% K2O

+ Bón thúc lần 1: Sau khi lúa bén rễ hồi xanh 50% N + 30% K2O

+ Bón thúc lần 2: Khi lúa đứng cái, bón hết lượng phân còn lại.

Ngoài ra, có thể sử dụng phân bón NPK tổng hợp để bón nhưng cần đảm bảo liều lượng phân N:P:K như trên

– Chăm sóc:

+ Tưới nước: sau khi cấy giữ lớp nước 3-5 cm cho lúa hồi xanh, sau đó thường xuyên giữ nước ở mực nước 2-3 cm. Khi lúa kết thúc đẻ nhánh nên rút nước phơi ruộng trong 5-7 ngày sau đó tưới và giữ đủ nước trong suốt thời kỳ làm đòng, trỗ bông và vào chắc. Trước khi thu hoạch 7-10 ngày rút kiệt nước.

+ Phòng trừ sâu bệnh:Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại chính như bệnh đạo ôn, bạc lá, khô vằn, sâu đục thân, sâu cuốn lá, rầy nâu,… theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn tại địa phương.

– Thu hoạch: Khi ruộng lúa chín 85-90% tiến hành thu hoạch, không nên phơi thóc lúc nhiệt độ quá cao hạt gạo dễ bị gãy, giảm tỷ lệ gạo nguyên khi xay xát, ảnh hưởng đến chất lượng gạo./

Thông tin cảnh báo an toàn:

– Lưu ý: phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh hại chính theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn tại địa phương;

– Bón phân cân đối, nên dùng phân tổng hợp NPK của đợn vị cung cấp uy tín và bón theo khuyến cáo của nhà sản xuất và quy trình kỹ thuật canh tác của giống.