KHOAI TÂY KT10
KHOAI TÂY KT10
- Nguồn gốc
– Giống khoai tây KT10 được lai tạo và chọn lọc từ tổ hợp lai Solara x 47. Giống khoai tây KT10 mang gen kháng bệnh mốc sương R1 và R2 (được nhận diện bằng chỉ thị phân tử BA213C14t7 và STM3016).
– Giống Khoai tây KT10 được Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm tự công bố lưu hành theo Công văn số 330/VCLT-KH ngày 16 tháng 09 năm 2024, được đăng tải trên cơ sở dữ liệu ngành Trồng trọt ngày 09/10/2024.
– Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Thu Hương, ThS. Nguyễn Thị Nhung, ThS. Ngô Thị Huệ, ThS. Nguyễn Đình Khang, ThS. Lê Kim Hanh, ThS. Hoàng Thị Duyên, KS. Tạ Thị Hằng.
- Đặc điểm chính
– Giống khoai tây KT10 có thời gian sinh trưởng từ 80 – 85 ngày, dạng cây đứng, lá màu xanh đậm, khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, chiều cao cây từ 55-60 cm, giống kháng bệnh mốc sương ở mức điểm 3, nhiễm nhẹ với một số sâu bệnh hại chính như: rệp, nhện, bọ trĩ, virus….Giống khoai tây KT10 có dạng củ hình oval dài, vỏ củ màu vàng, mắt củ nông, ruột củ màu vàng trung bình. Giống cho năng suất đạt từ 21,02 – 23,34 tấn/ha; Hàm lượng chất khô của giống KT10 đạt 18,9 – 19,2%, hàm lượng tinh bột đạt 13,4 – 16,5%, chất lượng thử nếm ngon (điểm 2), thích hợp cho ăn tươi.
– Phạm vi áp dụng: Các tỉnh phía Bắc (Vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung bộ, vùng Trung du miền núi phía Bắc).
- Kỹ thuật canh tác
3.1. Thời vụ gieo trồng: Tùy vùng sinh thái (đông chính vụ hoặc đông muộn), bắt đầu từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 12.
– Vùng Đồng bằng sông Hồng: vụ Đông: Trồng từ tháng 10 đến tháng 11, thu hoạch vào tháng 1 và tháng 2 năm sau.
– Vùng Bắc Trung Bộ: vụ Đông: Trồng cuối tháng 10 đến giữa tháng 11 thu hoạch cuối tháng 1 và giữa tháng 2 năm sau.
– Vùng núi phía Bắc: vụ Đông: Trồng đầu tháng 12 thu hoạch cuối tháng 2 và đầu tháng 3 năm sau.
3.2. Làm đất:
– Làm sạch cỏ dại, tàn dư cây trồng vụ trước, tiến hành cày bừa và lên luống. Sau khi thu hoạch lúa, cắt rạ sát gốc, vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, tiến hành cày rãnh để thoát nước và chia luống.
– Làm luống đơn với kích thước: rộng 70 – 90 cm, cao 20 – 25 cm. (sử dụng cày máy)
– Làm luống đôi với kích thước: rộng 120 – 140 cm, rãnh rộng: 30 – 40 cm (sử dụng bố trí thí nghiệm và những nơi không sử dụng bằng máy).
– Làm rãnh thoát nước, tránh úngcho cây khoai tây.
3.3. Chuẩn bị giống
– Lượng giống tính cho 1 ha: từ 1.400-1.600 kg.
– Có thể trồng tùy thuộc vào tập quán từng vùng và loại củ giống.
– Giống khoai tây có thể trồng nguyên cả củ nếu củ giống có kích thước nhỏ. Nếu củ giống to (khối lượng ≥ 50g/củ) nên cắt củ giống và xử lý nấm bệnh trước khi trồng.
3.4. Mật độ và khoảng cách
– Mật độ: trồng: 5 hoặc 6 củ/m2
– Khoảng cách: củ x củ = 25 – 30 cm, hàng x hàng = 30 – 40cm
3.5. Phân bón và cách bón
– Lượng phân bón tính cho 1 ha: Phân chuồng loại mục: 10-15 tấn + 150N: 150 P2O5: 150 K2O tương đương: Đạm Urê: 330 kg; Supe Lân: 940 kg; Kali Clorua: 250 kg.
– Cách bón:
+ Bón lót toàn bộ phân chuồng và lân, cùng 1/3 lượng đạm + 1/3 lượng kali trộn đều bón vào giữa 2 củ sau đó lấp kín và phẳng mặt luống.
+ Bón thúc đợt 1: cây mọc cao 15- 20cm bón 1/3 lượng đạm và 1/3 lượng kali còn lại kết hợp với vun lần 1.
+ Bón thúc lần 2: sau lần 1 từ 10-15 ngày, bón nốt lượng đạm và kali còn lại kết hợp với vun lần 2.
3.6. Chăm sóc và tưới tiêu
– Xới xáo, làm cỏ, vun gốc:
+ Khi cây mọc lên khỏi mặt đất 7 – 10 ngày, cao khoảng 15 – 20 cm tiến hành chăm sóc lần 1 bằng cách xới nhẹ, làm sạch cỏ, bón thúc rồi vun luống.
+ Chăm sóc vun lần 2 cách lần 1 từ 15 – 20 ngày,xới nhẹ, làm cỏ và vun luống lần cuối. Lưu ý vun cho luống to và cao để tránh hiện tượng hở củ trên mặt đất.
– Tưới nước:
+ Sau khi trồng 10-15 ngày nếu đất đủ ẩm khoai sẽ mọc đều nếu đất khô nên tưới rãnh nhẹ cho khoai mọc nhanh. Luôn đảm bảo độ ẩm 80% sức giữ ẩm tối đa đồng ruộng, sau trồng 70 ngày không nên tưới nước nếu bị ngập úng phải tháo kiệt nước.
+ Tưới nước ngập 1/2 rãnh, khi nước ngấm đều thì tháo kiệt, tránh để nước đọng ở rãnh trong thời gian dài sẽ làm phát sinh và lây lan nguồn bệnh. Đặc biệt, khi phát hiện trên ruộng có bệnh héo xanh vi khuẩn thì tuyệt đối không được tưới rãnh vì sẽ tạo điều kiện cho bệnh lây lan rộng. Số lần tưới tùy thuộc vào thời tiết của năm.
3.7. Phòng trừ sâu bệnh
– Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và khuyến khích áp dụng các biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp (sử dụng giống kháng bệnh, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, kỹ thuật làm đất, bón phân, luân xen canh cây trồng hợp lý, vệ sinh đồng ruộng…).
– Các loại sâu chính hại khoai tây: sâu xám, nhện trắng, bọ trĩ và rệp; Các bệnh chính gây hại khoai tây như: bệnh vi rút, bệnh héo xanh, bệnh mốc sương. Dùng các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ theo đúng hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất mỗi thuốc. Chú ý tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách và đúng liều lượng).
– Trừ sâu xám: Sử dụng thuốc hoá học có chứa hoạt chất: Chlorantraniliprole + Thiamethoxan là loại thuốc có thành phần đặc trị theo thị trường và lượng thuốc phun theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
– Trừ rệp, nhện và bọ trĩ: Dùng thuốc trừ sâu sinh học hoặc thuốc hóa học chứa hoạt chất: Fenobucarb. Lượng phun thuốc theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
– Phòng trừ bệnh mốc sương bằng cách sử dụng củ giống sạch bệnh, giữ vệ sinh đồng ruộng, loại bỏ cây ký chủ và các tàn tích ký chủ của vụ trước.Thực hiện phun thuốc phòng trừ bệnh mốc sương trước khi cây khoai tây khép tán. Sử dụng một số loại thuốc hóa học có chứa hoạt chất: Copper Oxychloride + Zineb, Fosetyl – aluminium, Mancozeb + Cymoxanil… Lượng thuốc phun theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
– Phòng trừ héo xanh do vi khuẩn: Luân canh với lúa nước: đối với ruộng đã nhiễm khuẩn, không trồng lại khoai tây trên cùng ruộng sau ít nhất từ 2 – 3 năm. Dùng củ giống sạch bệnh. Khi phát hiện trên đồng ruộng có khóm bị bệnh cần nhổ bỏ và tuyệt đối không được vứt xuống nguồn nước tưới.
– Phòng trừ bệnh virus: Dùng củ giống sạch bệnh, kiểm tra trên đồng ruộng khi cây cao 15-20 cm nếu phát hiện cây bệnh thì tiến hành nhổ bỏ. Nên phun phòng trừ rệp đào để ngăn chặn môi giới truyền bệnh virus.
3.8. Thu hoạch và bảo quản
– Thu hoạch: Trước thu hoạch 5-7 ngày tiến hành cắt bỏ thân lá để hạn chế lây bệnh cho củ giống. Thu hoạch khoai tây ở thời điểm phù hợp khi thấy 70% thân lá chuyển vàng, và thời tiết khô ráo. Khoai tây làm giống thu hoạch sớm hơn 5 – 7 ngày so với khoai thương phẩm. Khi thu hoạch, nên phơi khoai tây trên đồng ruộng để vỏ củ khô ráo, phân loại theo cỡ củ, đóng bao và vận chuyển nhẹ nhàng.
– Bảo quản: Trong trường hợp chưa thể tiêu thụ ngay, phải để khoai trong điều kiện thoáng mát và tối để tránh lục hóa và thối củ. Trong thời gian dài, tốt nhất là bảo quản trong kho mát hoặc kho lạnh. Bảo quản khoai thương phẩm trong kho mát từ 12-14oC, ẩm độ không khí 90%. Bảo quản khoai giống trong kho lạnh ở nhiệt độ 4oC.
- Địa chỉ liên hệ giống
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có củ, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm
+ Địa chỉ: Xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội
+ Điện thoại: 0243 8615485 + DĐ: 0983718656 + Fax: 0243 8616821
+ Email: nguyenthithuhuongccc@gmail.com