Viện Cây lương thực và cây thực phẩm tổ chức Hội nghị kiểm tra đánh giá công tác thực hiện các nhiệm vụ KHCN 6 tháng đầu năm 2023
Thực hiện công tác quản lý khoa học, từ ngày 15/5/2023 đến ngày 05/6/2023 Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm tổ chức các đợt kiểm tra đánh giá công tác thực hiện các nhiệm vụ KHCN 6 tháng đầu năm 2023 tại Viện và một số tỉnh phía Bắc. Thành phần đoàn gồm Ban Giám đốc Viện, Lãnh đạo các đơn vị, chủ nhiệm ĐT/DA.
Kiểm tra đánh giá các thí nghiệm tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, Hải Dương
Qua kiểm tra, TS. Nguyễn Trọng Khanh – Viện trưởng và các đại biểu đều đánh giá vụ xuân năm nay thời tiết có nhiều thay đổi, đầu vụ mưa ít làm chậm quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Tuy nhiên với sự cố gắng của toàn thể cán bộ công nhân viên, các đơn vị đã tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung theo kế hoạch và đạt được kết quả tốt. Viện đã nghiên cứu chọn tạo được nhiều giống cây trồng triển vọng như: Giống lúa thuần Gia Lộc 601phục vụ chế biến; Gia Lộc 25; Nếp 68; Giống lúa lai HYT315, HYT325; Giống bí xanh Thanh Ngọc; Bí đỏ Mật Sao 2; Khoai lang KL03; Khoai sọ KS5; Dong riềng DR5; Đậu tương Đ11, ĐT32, ĐT33; Lạc LCHX03, LCHX06; Tuyển chọn được 02 giống hành Lý Sơn và Vĩnh Châu chịu nhiệt, sinh trưởng phát triển tốt trong điều kiện vụ xuân hè và thu đông… Song song với công tác nghiên cứu chọn tạo, Viện cũng thực hiện tốt công tác phục tráng giống cây trồng (Nếp cái Hoa vàng Kinh Môn, Sắn ruột vàng Phú Thọ, Khoai sọ Miễu Sơn và Dưa chuột gai của Hải Dương); Chuyển giao các giống cây trồng mới vào sản xuất (Giống lạc L29, táo VC01…); Xây dựng mô hình sản xuất vừng tại Đồng Tháp cho năng suất cao đạt > 2 tấn/ha; Mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất dưa thơm, lãi thuần đạt trên 600 triệu đồng/ha; Xây dựng, quản lý và phát triển các sản phẩm OCOP tỉnh Bến Tre, NHCN Rượu Hang Chú tỉnh Sơn La, CDĐL chè Lai Châu, Mật ong Mù Cang Chải tỉnh Yên Bái …các sản phẩm sau khi được chứng nhận sẽ góp phần nâng cao tính cạnh tranh, hiệu quả sản xuất và kinh doanh.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đưa ra một số khó khăn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ: Ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt; Công lao động đơn giản phục vụ trong sản xuất nông nghiệp ngày càng khan hiếm; Lương cơ bản tăng từ ngày 1/7/2023 tạo áp lực trong công tác tự chủ kinh phí đối với Viện và các đơn vị.
Các đại biểu thảo luận tại Hội nghị
Ban Giám đốc Viện đã đánh giá cao và ghi nhận sự cố gắng của tập thể cán bộ viên chức góp phần vào thành công chung của Viện. Đề nghị các đơn vị tiếp tục phát huy các thành tích đã đạt được, không ngừng đổi mới tư duy sáng tạo trong nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm tốt đáp ứng được nhu cầu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các nhiệm vụ nghiệm thu kết thúc năm 2023; Triển khai các thí nghiệm vụ hè thu, vụ mùa và thu đông đảm bảo kế hoạch đã được phê duyệt; Đẩy nhanh tiến độ thanh quyết toán tài chính đúng quy định; Phối hợp giữa các đơn vị trong và ngoài Viện đề xuất, chuyển giao các TBKT vào sản xuất. Ngoài ra, Ban Giám đốc và các đại biểu đã phân tích những điểm hạn chế cần khắc phục để tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2023.
Thí nghiệm đánh giá khả năng chịu hạn của các dòng/giống lạc tại Thanh Trì-Hà Nội
Mô hình sản xuất các giống Lạc mới tại xã Yên Cường, Ý Yên, Nam Định
Mô hình khảo nghiệm các giống bí xanh, bí đỏ tại xã Phù Vân, Phủ Lý, Hà Nam
Mô hình khảo nghiệm giống bí đỏ Mật sao 2 tại xã Quang Trung, Kiến Xương, Thái Bình
Mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao sản xuất dưa lưới TL3 tại phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, Hải Dương
Ảnh và bài: Trương Thị Khánh