GIỐNG KHOAI TÂY KT6

GIỐNG KHOAI TÂY KT6

1. Nguồn gốc giống:

– Giống khoai tây KT6 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có củ, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm lai tạo và chọn lọc từ tổ hợp lai Solara x 47 năm 2012, mã số 10, dòng chọn được là dòng số 167.Giống khoai tây KT6 mang gen kháng mệnh mốc sương R1 (đã được sàng lọc bằng chỉ thị phân tử liên kết với gen kháng bệnh mốc sương BA213c14t7 hay LP2).

– Giống KT6 đã được công nhận cho sản xuất thử tại Quyết định số: 213/QĐ-TT-CLT, ngày 04/7/2019 của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT

– Tác giả: ThS. Ngô Thị Huệ, TS. Trịnh Văn Mỵ, ThS. Nguyễn Thị Nhung, KS. Nguyễn Thị Thu Hương, KS. Nguyễn Mạnh Quy, ThS. Đỗ Thị Bích Nga và CTV.

2. Đặc điểm chính

Giống KT6 có thời gian sinh trưởng ngắn 75-80 ngày, khả năng sinh trưởng phát triển tốt. Chiều cao cây từ 50-55 cm, d��ng cây đứng, lá màu xanh nhạt, nhiễm nhẹ với một số sâu bệnh hại chính như (rệp, nhện, bọ trĩ, bệnh đốm lá, héo xanh), nhiễm bệnh mốc sương ở mức nhẹ (điểm 3). Số củ/khóm từ 6-8 củ,  năng suất đạt từ 21-25 tấn/ha. Giống khoai tây KT6 có dạng củ hình oval, mắt nông, vỏ củ màu vàng, ruột củ màu vàng đậm. Hàm lượng chất khô đạt 19-20%, hàm lượng đường khử đạt 0,5% và hàm lượng tinh bột đạt 16-17% phù hợp cho nhu cầu ăn tươi.

3. Kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản

3.1. Chuẩn bị giống:

Chọn củ giống sạch bệnh, củ to tiến hành bổ củ trước khi trồng 3-5 ngày, mỗi củ bổ làm 2 đến 3 miếng đảm bảo có 2-3 mắt củ/miếng.

3.2. Làm đất, chuẩn bị luống trồng

Chọn chân đất nhẹ, tơi xốp, thoát nước tốt. Ruộng trồng khoai tây tốt nhất được luân canh với lúa nước, tránh ruộng vụ trước trồng các loại cây họ cà hoặc trồng thuốc lá.Cày bừa kỹ, đảm bảo đất tơi xốp, sạch cỏ. Lên luống cao 20 – 25 cm, luống đôi rộng 1,2-1,4 m hoặc luống đơn rộng 0,8 – 0,9 m.

3.3. Thời vụ trồng: Vụ Đông

– Vùng Đồng bằng sông Hồng:Trồng từ giữa tháng 10 đến đầu tháng 11,

– Vùng Bắc Trung Bộ:Trồng cuối tháng 10 đến giữa tháng 11

– Vùng núi phía Bắc:Trồng cuối tháng 11 đến đầu tháng 12

3.4. Mật độ và cách trồng:

– Mật độ: 50.000 củ/ha. Khoảng cách hàng cách hàng 40 cm, cây cách cây 30 cm (đối với luống đôi), luống đơn cây cách cây 22-25cm.

– Cách trồng:

+ Rạch hàng trên mặt luống sâu khoảng 10 cm, rải phân chuồng hoai mục hoặc phân vi sinh và lân sau đó lấp một lớp đất mỏng lên trên trước khi đặt củ.

Khi đặt củ tránh không để củ giống tiếp xúc với phân hóa học. Lấp củ dầy 5 cm bằng đất tơi xốp, sau đó vét rãnh lên luống.

Trồng 1 hàng hoặc 2 hàng tùy thuộc vào tập quán của từng địa phương. Tùy vào lớp canh tác mà làm luống rộng hay hẹp, nếu lớp đất canh tác mỏng cần làm luống rộng để có đất vun luống.

3.5. Phân bón:

– Lượng phân: (cho 1 ha)

+ Phân chuồng hoai mục 10-15 tấn hoặc 1.400-1.700 kg phân vi sinh Quế Lâm

+ Phân hóa học theo tỷ lệ 150N:150P2O5:150K2O tương đương 325 kg đạm ure, 940 kg lân supe, 250 kg kali clorua

– Cách bón:

+ Bón lót: 100% phân chuồng (hoặc vi sinh) + 100% lân + ½  Đạm + ½ Kali

+ Bón thúc: ½ đạm và ½ kali kết hợp với vun xới lần 1

3.6. Chăm sóc:

– Chăm sóc, vun xới, bón phân lần 1: Khi cây cao khoảng 15 – 20 cm thì xới nhẹ, làm sạch cỏ, bón phân thúc đợt 1, trộn đều lượng đạm và kali bón vào mép luống hoặc bón vào giữa 2 khóm khoai.

– Chăm sóc, vun xới lần 2: Sau chăm sóc đợt 1 khoảng 10 – 15 ngày thì tiến hành xới nhẹ, làm cỏ và vun luống lần cuối. Cần lấy đất ở rãnh luống để vun cho luống to và cao, lấp kín nếu không đủ đất sẽ làm cho vỏ củ bị xanh hoặc mọc thành cây, gặp nhiệt độ cao củ sẽ biến dạng làm giảm chất lượng khoai.

– Tưới tiêu nước: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng thấy khô thì tiến hành tưới nước, sau trồng 60 ngày không nên tưới nước cho ruộng khoai

Khi gặp trời mưa phải tháo kiệt nước tránh để bị ngập nước.

3.7. Phòng trừ sâu bệnh hại

Kiểm tra đồng ruộng thường xuyên khi phát hiện thấy có sâu bệnh gây hại thì tiến hành phun thuốc .Sử dụng các loại thuốc đặc trị và pha theo khuyến cáo của nhà sản xuất

(Chú ý: Để tránh bệnh lây lan thành dịch nên phun phòng bệnh 2 lần/vụ)

3.8. Thu hoạch và bảo quản

Khi 50% lá chuyển vàng là có thể thu hoạch nên thu hoạch vào những ngày nắng ráo, mặt đất khô. Phân loại củ ngay sau khi thu hoạch, loại bỏ những củ không đạt tiêu chuẩn, củ bị bệnh.

Đối với củ thương phẩm trường hợp chưa thể tiêu thụ ngay cần bảo quản khoai trong điều kiện thoáng mát. Đối với củ giống nên bảo quản trong kho lạnh sau thu hoạch 10-15 ngày.

Lưu ý: Giống khoai tây KT6 có nhược điểm chịu úng ở mức trung bình do đó cần bố trí ở nơi đất cao ráo, dễ thoát nước. Khi gặp trời mưa cần phải tháo cho khô kiệt ruộng trồng khoai tây.

Địa chỉ liên hệ

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có củ, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm

+ Địa chỉ: Xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội

+ Điện thoại: 0243 8615485         + DĐ: 0983718656 + Fax: 0243 8616821