GIỐNG LÚA N26

GIỐNG LÚA N26

1. Nguồn gốc

Giống lúa N26 có nguồn gốc từ tổ hợp ĐT136-2-5 chuyển gen kháng bạc lá xa5 sau đó lai lại với ĐT136-2-5 đến thế hệ BC3F2 và được chọn lọc theo phương pháp phả hệ từ thế hệ BC3F2 kết hợp với Maker- gen kháng bạc lá. Giống lúa N26 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống sản xuất thử năm 2018 (Quyết định số 95/QĐ-TT-CLT ngày 06 tháng 05 năm 2018).

2. Đặc điểm nông sinh học

– Giống N26 là giống lúa cực ngắn ngày

– Thời gian sinh trưởng:

+ Vụ xuân: 115 – 120 ngày

+ Vụ mùa:  gieo thẳng 85 – 90 ngày; cấy 90-95 ngày (hè thu; gieo thẳng 83-85 ngày; cấy 88-92 ngày)

– Chiều cao cây: 100 – 110 cm,  sinh trưởng nhanh, mạnh, bộ lá màu xanh nhạt.

– Khối lượng 1000 hạt từ 21- 22 gam

– Hạt nhỏ dài, hạt gạo trong, tỷ lệ gạo nguyên cao. Cơm ngon, mềm dẻo, vị đậm.

– Kháng vừa với bệnh đạo ôn (điểm 3) và bệnh bạc lá (điểm 1-3), chống chịu tốt với bệnh khô vằn và nhiễm vừa với rầy nâu.

– Năng suất trung bình 58 – 60 tạ/ha, thâm canh cao có thể đạt trên 70 tạ/ha.

3. Kỹ thuật canh tác

3.1.Thời vụ:

Các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc

       + Vụ xuân: gieo mạ sân khoảng 20/01-10/2; gieo thẳng từ 5/2-25/2. Cấy khi mạ được 3 – 3,5 lá.

      + Vụ mùa: Bố trí trà mùa sớm gieo từ 25/5 đến 10/6, gieo vãi hoặc mạ sân chỉ sau 7 – 10 ngày tuổi phải đưa ra cấy, gieo mạ dược cấy khi mạ được3- 3,5lá.

Các tỉnh vùng Bắc Trung bộ

+ Vụ đông xuân gieo từ 15/01 – 25/01, gieo mạ dày xúc hoặc mạ sân, tuổi mạ cấy đạt 2,5- 3 lá.

+ Vụ hè thu: gieo 20/5-5/6, cấy khi mạ được 7 – 10 ngày tuổi, gieo sạ hoặc gieo mạ dược cấy khi mạ được 3-3,5 lá.

3.2. Mật độ:

Các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc

– Cấy 45 khóm/m2. Cấy nông tay, 2 – 3 dảnh/khóm.

–  Gieo thẳng:  50 kg/ha

* Các tỉnh Bắc Trung bộ

– Cấy 45 khóm/m2. Cấy nông tay, 2- 3 dảnh/khóm.

– Gieo thẳng: 60 kg/ha

3.3. Chọn đất và làm đất: chân đất vàn và vàn cao để làm xuân muộn hoặc mùa sớm, hoặc hè thu cực sớm ở các tỉnh Bắc Trung bộ.

3.4. Phân bón: Giống N26 là giống cực ngắn, sau khi gieo mạ khoảng 32 ngày đã phân hoá đòng nên cần phải gieo vãi, hoặc cấy mạ non (3-4 lá). Đồng thời phải chăm sóc, bón phân sớm theo quy trình để lúa đẻ tập trung, bông dài hơn. Nếu bón muộn thì năng suất sẽ thấp.

Lượng phân cụ thể cho một 1 ha như sau:

– Phân hữu cơ vi sinh: 1.200 kg hoặc phân chuồng 8-10 tấn/ha

– Urê: 200-210 kg;

– Super lân: 500-550 kg;

– Kali Clorua: 140-150kg

– Nên bón Phân tổng hợp NPK cho lúa và bón theo tỷ lệ 1: 0,9: 0,9 để đảm bảo cân đối dinh dưỡng, hạn chế sâu bệnh hại.  Lượng bón căn cứ vào lượng chất ghi trên vỏ bao để tính toán cụ thể.

+ Cách bón như sau:

*) Đối với lúa cấy trong vụ xuân

– Lót: 100% phân vi sinh (hoặc phân chuồng) + 100% lân +30% đạm + 30% kali (bón trước bừa cấy)

– Thúc đẻ nhánh (sau khi cấy 7-10 ngày) bón 50%  đạm

– Bón đón đòng: Trước khi lúa phân hoá đòng 5-7 ngày : 20% đạm + 70 % lượng kali còn lại.

– Bón nuôi hạt: Khi lúa trỗ hoàn toàn nếu xấu có thể bón thêm 1 kg ure/sào. Có thể phun phân qua lá

*) Đối với lúa cấy trong vụ mùa

Bón bằng 75-80% lượng phân bón trong vụ xuân

*) Đối với lúa gieo thẳng

– Cần phải bón toàn bộ phân lót trước khi bừa cấy từ 1 – 3 ngày, để trong quá trình bừa hạt phân bám vào đất cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa giai đoạn làm đòng trỗ bông, đồng thời chống đổ tốt hơn.

– Nên bón 100% phân vi sinh (hoặc phân chuồng) + 100% lân +20% đạm + 30% kali

Tiến hành bừa kỹ hơn ruộng cấy và trang phẳng mặt ruộng, tạo rãnh tiêu nước xung quanh ruộng. Khi bùn lắng, nước trong, tiến hành tháo cạn nước rồi gieo.Có thể kẻ rạch tạo luống nếu gieo vãi. Nên làm bằng mặt ruộng trước khi gieo.

– Thúc đẻ nhánh (sau khi gieo 7-10 ngày): 50% đạm

– Bón đón đòng: Trước khi lúa phân hoá đòng 5 ngày: 20% đạm + 70 % kali .

– Bón nuôi hạt: Khi lúa trỗ hoàn toàn nếu xấu thì bón thêm 1 kg ure/sào. Có thể phun phân qua lá

3.5.   Kỹ thuật gieo thẳng

Có thể gieo vãi hoặc gieo bằng công cụ sạ hàng

– Gieo vãi: nên chia lương mộng mạ đều cho các luống. Mỗi luống rộng từ 1,5 – 2 m. Gieo đi gieo lại nhiều lần để đảm bảo được khoảng cách trung bình hạt cách hạt từ 8 – 10cm. Gieo úp tay để hạt mộng tiếp xúc với đất nhiều hơn.

– Gieo thẳng bằng công cụ sạ hàng: Đổ mộng mạ vào các trống, không đổ quá đầy (khoảng 2/3 – 1/2 trống). Khi kéo dàn, phải đi đều, đi thẳng và khép kín các lối đi. Trong quá trình kéo, chú ý điều chỉnh tốc độ ra hạt để hạt văng ra từ 18 – 20 hạt /1m dài, sẽ đảm bảo được mật độ từ 100 – 120cây/m2

Lưu ý: nên để dành 1 ít mộng rắc gọn vào góc ruộng làm mạ dự phòng, tuyệt đối không được gieo quá dầy sẽ mất nhiều công tỉa và dễ bị sâu bệnh phá hại

3.6. Chăm sóc lúa gieo thẳng giai đoạn đầu

– Cần phải phun thuốc trừ cỏ tiền này mầm sau gieo 1 – 3 ngày tùy vào thời tiết ấm hay rét, nhưng tốt nhất là phun ngay sau gieo bằng thuốc cỏ Sofit.

– Về điều tiết nước: Điều tiết nước đối với lúa gieo thẳng rất quan trọng. Sau gieo thường xuyên giữ ẩm mặt ruộng để rễ lúa ăn sâu vào đất và phòng ốc bưu vàng phá hại giai đoạn cây con. Khi lúa được 2,5 – 3 lá đưa nước vào láng chân, không để ruộng quá khô cây phát triển kém.

– Dặm tỉa: Khi lúa được 2,5 – 3 lá cần dặm tỉa để đảm bảo mật độ. Nếu sạ hàng để 20 dảnh/mét dài, gieo vãi tay thì cây – cây trung bình từ 8 – 10 cm để đảm bảo mật độ khoảng 100 – 120 cây/m2 mới cho năng suất cao. Không nên để quá dầy là điều kiện để sâu bệnh phát sinh gây hại. Chỉ những chỗ quá thưa mới dặm vào vì cây lúa có khả năng tự điều tiết quần thể.

4. Phòng trừ sâu bệnh: Cần thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Khi cần phải dùng đến các loại thuốc BVTV cần đúng theo hướng dẫn của từng loại thuốc.

5. Thu hoạch: Sau khi lúa trỗ hoàn toàn 28 ngày là có thể gặt được, không nên gặt muộn hơn vì rụng ngoài đồng và chuột phá hoại.

+ Ghi chú: Vì trỗ sớm nên dễ bị chuột phá hại, phải quy vùng và chống chuột.

Một số hình ảnh của giống: