Khoai lang VC6

Khoai lang VC6

1- Nguồn gốc: Giống khoai lang VC6 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có củ, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm lai tạo và chọn lọc từ tổ hợp lai VA1 x CIP68, năm 2012, dòng được chọn số 190 và đã được xác định có gen liên quan đến tính trạng hàm lượng tinh bột củ cao, được nhận dạng bằng 2 chỉ thị ITSSR15 và IbE29. Giống được Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm tự công bố lưu hành theo quyết định số 330/VCLT-KH ngày 9 tháng 10 năm 2020 cho vụ xuân, tiếp nhận hồ sơ tại Cục trồng trọt số 1448/TB-TT-CLT ngày 1/12/2020 vụ đông tại các tỉnh phía Bắc.

2- Nhóm tác giả: ThS. Nguyễn Thị Thúy Hoài, TS. Ngô Doãn Đảm, ThS. Trần Quốc Anh; ThS. Nguyễn Đạt Thoại; ThS. Đỗ Thị Hồng Liễu; ThS. Nguyễn Phan Anh; KS. Nguyễn Thanh Bình và các cộng tác viên.

3- Đặc điểm chính: Giống VC6 có TGST từ 130-135 ngày cho vụ Xuân và từ 110-115 ngày cho vụ Đông, sinh trưởng phát triển thân lá tốt, dạng thân nửa đứng, thân cây to mập, lá hình tim, lá non màu tím, khả năng chống chịu khá với sâu đục dây, bọ hà và chống chịu tốt với bệnh xoăn lá và thối đen củ. Giống VC6 có dạng củ hình tròn – dài, vỏ củ màu đỏ, ruột củ màu trắng ngà, năng suất củ tươi dao động từ 25,71-26,53 tấn/ha, vượt 26,13-42,8% so với đối chứng Hoàng Long đạt từ 18,13-19,39 tấn/ha, hàm lượng chất khô củ đạt 32,70% – 34,56%, hàm lượng tinh bột củ đạt 22,2% – 22,48%, chất lượng thử nếm sau luộc (độ bở đạt điểm 1); độ ngọt trung bình (điểm 3).

4. QUY TRÌNH KỸ THUẬT CANH TÁC GIỐNG KHOAI LANG VC6

4.1 Chuẩn bị giống, đất trồng

– Dây giống phải tươi khoẻ mạnh, không dập nát, không sâu bệnh, không non quá hoặc quá già, chưa mọc rễ củ. Tuổi dây giống từ 45 – 60 ngày, chọn dây bánh tẻ (đoạn 1 và đoạn 2) làm giống là tốt nhất, chiều dài từ 30-35 cm, mỗi đoạn có khoảng 5 – 7 đốt mắt.

– Làm đất phải được cày bừa kỹ, tơi xốp và sạch cỏ: Vụ Đông lên luống rộng 1,1 – 1,2m, luống cao 30 – 35 cm. Vụ Xuân lên luống rộng 1,3 – 1,4 m, luống cao 30 – 40 cm nhằm thoát nước kịp thời khi gặp trời mưa.

4.2 Thời vụ

– Vụ Đông: Trồng cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 (kết thúc khoảng 25 tháng 9).

– Vụ Xuân: Trồng từ ngày 01 đến ngày 20/02.

4.3 Kỹ thuật trồng

– Mật độ trồng: 38.000-41.000 dây/ha (tương ứng 1.350–1.500 dây/sào Bắc Bộ 360 m2).

– Trồng khi đất còn ẩm, thời tiết mát để đảm bảo tỷ lệ sống cao. Nếu đất khô phải

tưới nước vào rạch sau đó trồng ngay hoặc tưới rãnh sau khi trồng.

– Trồng hàng đơn, vùi dây giống sâu khoảng 5 cm, thành 01 hàng dọc thẳng mặt luống, nối đuôi nhau,  chỉ để 3-5 đốt lá trên ngọn dây ở trên mặt luống khoảng 5-10 cm,

4.4 Phân bón:

– Lượng phân bón cho 1ha: Phân chuồng 10 tấn hoặc 1,5 tấn phân hữu cơ vi sinh với lượng quy đổi tương ứng, từ 90-120 kg N; từ 90 – 120 kg P2O5 và từ 120-150 kg K2O (tương ứng với 7-9 kg đạm urê + 18-24 kg lân supe + 7-9 kg kali clorua/sào Bắc bộ 360m2).

– Cách bón: + Bón lót toàn bộ phân chuồng và phân lân supe + 30% đạm + 30% kali.

+ Bón thúc lần 1 sau trồng 20 – 25 ngày bón hết số đạm còn lại.

+ Bón thúc lần 2 sau trồng 40 – 50 ngày bón hết số kali còn lại.

4.5 Kỹ thuật chăm sóc

– Lần 1 (Sau trồng 25-30 ngày): Xới đất, làm sạch cỏ kết hợp bón thúc lần 1 sau đó vun nhẹ, sau đó có thể bấm ngọn, giúp phân cành, đẻ nhánh và phủ kín luống nhanh.

– Lần 2 (Sau trồng 40-45 ngày): Xới đất, làm sạch cỏ kết hợp bón thúc lần 2 sau đó vun vồng cao. Khi dây bắt đầu bò lan tiến hành nhấc dây lên rồi đặt xuống nhằm làm đứt rễ phụ để tập trung dinh dưỡng về củ; khoảng 10 ngày nhấc dây 1 lần.

4.6 Tưới nước:

Thường xuyên giữ độ ẩm của đất sau trồng khoảng (65-75%) để tỷ lệ cây sống cao, cây nhanh hồi phục, trong quá trình sinh trưởng phát triển cây, đặc biệt vào các thời kỳ hình thành và phình to củ. Nếu đất khô tiến hành tưới cho khoai lang (khoảng 1/3 đến 1/2 rãnh, sau 1 đêm phải tháo cạn), đất ướt phải tiêu thoát nước nhanh. Ngừng tưới nước trước khi thu hoạch khoảng 2-3 tuần

4.7 Phòng trừ sâu bệnh:

Giống khoai lang VC6 ít bị sâu bệnh hại, thường xuyên thăm đồng để phát hiện có

biện pháp phòng trừ kịp thời. Tuy nhiên có một số sâu bệnh hại chính như:

– Sâu khoang ăn lá nếu ít bắt bằng tay, nếu nhiều phun thuốc Sherpa phòng trừ.

– Nhổ bỏ những cây bị ghẻ, bị virus tránh lây lan sang những cây khác.

– Bọ hà: Với phương châm phòng là chính, trồng dây giống không nhiễm bọ hà, quá trình chăm sóc vun cao luống không để hở củ trên mặt luống, thường xuyên đảm bảo đất đủ ẩm, mặt luống không bị nứt nẻ, luân canh với lúa nước và dùng bẫy pheromone bọ hà.

– Bệnh thối củ: Hạn chế t­­ưới n­­ước ở giai đoạn cuối, nên trồng ở chân đất vàn cao khả năng thoát nước tốt.

 4.8 Thu hoạch:

Thu hoạch vào những ngày nắng ráo, phơi hong củ trên mặt luống khoảng 30 phút nhằm loại bỏ sạch đất cát, củ bị bệnh và phân loại cỡ củ và mục đích sử dụng.

Bảo quản củ tươi để kéo dài thời gian sử dụng (bằng phương pháp truyền thống): Xếp đứng củ thành 1 – 2 lớp ở nơi khô ráo, thoáng mát.

Thường xuyên kiểm tra loại bỏ củ bị hư hỏng trong quá trình bảo quản.

 

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có củ, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm

+ Địa chỉ: Xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội

+ Điện thoại: 0243 8615485         + DĐ: 0983718656 + Fax: 0243 8616821