GIA LỘC 26

GIA LỘC 26

1. Nguồn gốc: Giống lúa thuần Gia Lộc 26 do Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn lọc từ nguồn vật liệu nhập nội. Giống lúa đã được công nhận chính thức theo Quyết định số 337/QĐ-TT-CLT ngày 23/12/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT

Nhóm tác giả: Nguyễn Trọng Khanh, Đỗ Thế Hiếu, Nguyễn Anh Dũng, Trần Thị Yến, Nguyễn Phi Long và Nguyễn Thị Hà Thu

2. Một số đặc điểm chính

            Gia lộc 26 là giống lúa chịu thâm canh khá, có Thời gian sinh trưởng  : từ 135-140 ngày trong vụ xuân và 115 – 120 ngày trong vụ Mùa, giống có dạng hình gọn, sinh trưởng phát triển tốt, khả năng đẻ nhánh khá (5-7 dảnh/khóm). Giống lúa có dạng bông to, hạt thon dài vàng sáng, xếp hạt thưa, số hạt/ bông (150-170 hạt/bông), độ tàn lá chậm, hạt gạo dài (7,85 mm), gạo trong, cơm mềm, có mùi thơm nhẹ, nhiệt độ hóa hồ ở mức trung bình, hàm lượng amylose 18%. Năng suất trung bình đạt 71,2 tạ/ha trong vụ Xuân và đạt 64,3 tạ/ha trong vụ Mùa, nếu thâm canh tốt đạt trên 75 tạ/ha. Trong điều kiện đồng ruộng, giống kháng khá bệnh đạo ôn, nhiễm nhẹ khô vằn; khả năng chịu rét tốt và chống đổ khá.

            Giống lúa Gia lộc 26 thích hợp vụ Xuân, Mùa tại các tỉnh Đồng Bằng Sông Hồng, Trung du miền núi  phía Bắc và vụ xuân tại các tỉnh Bắc Trung bộ.

3. Kỹ thuật canh tác

            Giống gieo trồng được cả 2 vụ/năm, thích hợp gieo cấy trong vụ Xuân và Mùa tại vùng đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc và vụ Xuân tại các tỉnh Bắc Trung Bộ trên các chân đất vàn, vàn hơi thấp.

3.1. Phương thức làm mạ:

            Giống lúa Gia Lộc 26 thích hợp với cả hai phương thức làm mạ dược và mạ sân. Ngoài mạ dược, mạ sân có thể gieo mạ khay, mạ dầy xúc hoặc gieo thẳng. Nếu làm mạ dược nên gieo thưa, chăm sóc tốt đảm bảo cây mạ khoẻ, to gan đanh dảnh.

            Lượng giống gieo thẳng tính cho 1 ha lúa từ 60-65 kg

            Ngâm ủ hạt giống: Hạt giống phải được đãi và ngâm trong nước sạch hoặc nước ấm (trong vụ xuân: xử lý nước 2 sôi + 3 lạnh, không quá 540C để kích thích nảy mầm và diệt trừ mầm mống sâu bệnh) đến khi no nước, sau đó rửa chua, để ráo nước, ủ ở nhiệt độ 28-350C cho đến khi hạt nứt nanh, tiếp tục ngâm ủ cho đến khi hạt nẩy mầm đạt yêu cầu thì đem gieo.

3.2. Thời vụ:

 – Trung du miền núi phía Bắc:

+ Gieo mạ dược: Vụ xuân gieo tập trung xung quanh 5/1-20/1, vụ mùa gieo mạ xung quanh 10/06.

+ Gieo mạ sân: Vụ xuân gieo từ 25/1-5/2, vụ mùa gieo mạ xung quanh 15/6.

+ Gieo thẳng: Vụ xuân gieo tập trung xung quanh 5-15/2, vụ mùa gieo tập trung xung quanh 20/06

– Đồng bằng Sông Hồng:

            + Gieo mạ dược: Vụ Xuân (mạ dược) gieo từ 25/01 đến 05/2, cấy khi mạ có 4-5 lá. Nếu gieo mạ sân thì tiến hành gieo trước tiết lập xuân khoảng 3-5 ngày, cấy trong tháng 2, khi mạ có 3-3,5 lá. Vụ Mùa thời vụ cho phép gieo từ 25/5 – 20/6. Mạ dược cấy ở tuổi mạ 15-18 ngày, mạ có từ 3,5-4,0 lá. Mạ sân cấy ở tuổi mạ 12-15 ngày, mạ có từ 3,0-3,5 lá.

+ Gieo mạ sân: Vụ xuân gieo khoảng 25/1 – 10/2, vụ mùa gieo mạ từ 20-30/06

+ Gieo thẳng: Vụ xuân gieo khoảng 1-10/2, vụ mùa gieo xung quanh 30/06.

– Bắc Trung Bộ            

+ Gieo mạ dược: gieo từ 15/1-25/1

+ Gieo mạ sân: gieo từ 01/02-10/2

+ Gieo thẳng: gieo mạ xung quanh 05/02

3.3. Kỹ thuật cấy, bón phân, chăm sóc:

– Tuổi mạ: Trong vụ xuân cấy ở tuổi mạ 4,5-5,0 lá (mạ dược) và 3,0-3,5 lá đối với mạ sân. Vụ mùa: cấy ở tuổi mạ 15- 18 ngày (mạ dược) và 10 – 12 ngày (mạ sân).

– Kỹ thuật cấy: Cấy 2-3 dảnh/khóm, nông tay, thẳng hàng, mạ nhổ đến đâu cấy đến đó, không để mạ qua đêm, không cấy mạ dập nát.

– Mật độ cấy: 40-45 khóm/m2

– Lượng phân bón cho 1 ha:

+ Vụ Xuân: 8-10 tấn phân chuồng hoặc 1 tấn phân hữu cơ vi sinh (nếu có) + 120 N + 100 P2O+ 100 K2O.

+ Vụ Mùa: 8-10 tấn phân chuồng hoặc 1 tấn phân hữu cơ vi sinh (nếu có) + 100 N + 100 P2O+ 90 K2O.

Có thể thay thế bằng các loại phân khác nhưng phải đảm bảo đủ lượng N-P-K như đã nêu. Nếu ruộng chua cần bón thêm 200-260 kg vôi bột/ha.

– Cách bón:

+ Bón lót toàn bộ phân chuồng hoặc phân hữu cơ vi sinh + 100% P2O5 trước khi bừa lần cuối, bón 30% N + 30% K2O trước khi cấy.

+ Bón thúc lần 1: 60% N + 20% K2O.

+ Bón đón đòng: 10% N + 50% K2O

            Yêu cầu bón sớm, bón tập trung, nên dùng phân bón NPK tổng hợp theo khuyến cáo của nhà sản xuất ghi trên bao bì và kết hợp với phân bón đơn, thời điểm bón giống như dùng phân đơn.

            * Lưu ý: Trong giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng nên sử dụng bảng so màu lá lúa để điều chỉnh lượng phân đạm cần bón.

            – Điều tiết nước trong ruộng lúa: Giai đoạn lúa sau cấy đến đẻ nhánh tối đa nên duy trì mức nước trên ruộng khoảng 5 – 7 cm. Sau đó rút nước khoảng 7- 10 ngày để lúa hạn chế đẻ nhánh vô hiệu, rồi lại tiếp tục cho nước vào ruộng ở mức 5- 7 cm, duy trì đến giai đoạn lúa bắt đầu chín sữa thì cho nước rút tự nhiên đến khi thu hoạch nhằm tăng độ cứng cây và thuận tiện cho khâu thu hoạch.

            – Phòng trừ sâu bệnh: Theo dõi và phong trừ sâu bệnh theo dự tính dự báo của trạm BVTV địa phương như các giống lúa khác, kết hợp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp IPM.

4. Địa phương đã sử dụng

            Hiện nay, giống GL26 đã được nhiều địa phương sử dụng để gieo cấy trong vụ Xuân và vụ Mùa tại vùng đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc và vụ Xuân tại các tỉnh Bắc Trung Bộ. Các mô hình đã áp dụng thành công tại Điện Biên, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Bình …

  • :