Giống lúa Gia Lộc 601

Giống lúa Gia Lộc 601

  1. Nguồn gốc

Giống lúa thuần Gia Lộc 601 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo từ xử lý đột biến giống lúa LC93-1 và chọn lọc theo phương pháp cá thể, đã được khảo nghiệm trong mạng lưới khảo nghiệm Quốc gia từ vụ Xuân 2017 đến vụ Mùa 2019.

Giống lúa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận lưu hành quyết định số: 42/QĐ-TT-CLT ngày 23 tháng 01 năm 2024.

  1. Một số đặc tính nông học chính

Thời gian sinh trưởng: Vụ xuân: 131-140 ngày, vụ mùa: 99-109 ngày.

Cây lúa dạng hình gọn, cao trung bình 96,6 – 107,4 cm, sinh trưởng nhanh, mạnh, đẻ nhánh khá và đều, bộ lá màu xanh, mật độ bông dày, tỷ lệ bông hữu hiệu cao, bông trung bình, hạt thóc thon và dài, màu vàng sáng, tỷ lệ hạt chắc cao. Khối lượng 1000 hạt từ 22,1-24,9 gam, hàm lượng amylose 27,7- 30,7 %, tỷ lệ gạo xay, gạo sát và gạo nguyên cao. Hạt gạo thon dài, trong, cơm trắng, bóng, mềm, rất cứng, có mùi thơm nhẹ.

Gia Lộc 601 chống chịu tốt với đạo ôn và khô vằn nhiễm nhẹ với bạc lá và rầy nâu.

Năng suất trung bình của giống đạt 66,6-77,7 tạ/ha vụ xuân, 53-60 tạ/ha vụ Mùa, hè Thu 58,7 – 65,1 tạ/ha.

  1. Kỹ thuật canh tác

3.1  Mùa vụ và chân đất: giống thích hợp gieo trồng trong cơ cấu chuyên canh lúa hoặc luân canh 2 lúa – 1 màu. Giống  gieo trồng được 2 vụ/năm,  phù hợp với chân đất vàn và vàn cao.

3.2 Thời vụ và phương pháp gieo cấy

* Vùng ĐBSH và Trung du miền núi phía Bắc

+ Vụ Xuân: khuyến cáo gieo cấy theo lịch của địa phương vào trà xuân muộn tương tự như thời vụ với KD18 (mạ dược gieo từ  10/01-30/01, cấy sau lập xuân và cấy mạ non khi mạ đạt 3,5 – 4 lá; mạ sân gieo sau mạ dược 5-7 ngày, cấy khi tuổi mạ 10 – 15 ngày sau lập xuân; nếu gieo thẳng thì gieo xung quanh tiết lập xuân.

+ Vụ Mùa: Tuỳ theo từng vùng làm cây vụ đông khác nhau mà bố trí thời vụ cho phù hợp. Thời vụ cho phép gieo từ 10-20/6, mạ dược tuổi mạ 12-14 ngày, mạ sân tuổi mạ 8-11 ngày. Gieo thẳng thời vụ thích hợp từ 30/6 – 05/07.

*Vùng Bắc trung bộ

+ Khuyến cáo gieo cấy theo lịch của địa phương vào trà xuân muộn tương tự như thời vụ với KD18 (mạ dược gieo từ  30/01-10/02, cấy sau lập xuân và cấy mạ non khi mạ đạt 3,5 – 4 lá; mạ sân gieo sau mạ dược 5-7 ngày, cấy khi tuổi mạ 10 – 15 ngày sau lập xuân; nếu gieo thẳng thì gieo xung quanh tiết lập xuân.

+ Vụ Hè Thu: Tuỳ theo từng vùng làm cây vụ đông khác nhau mà bố trí thời vụ cho phù hợp. Thời vụ cho phép gieo từ 05/5 – 10/5, mạ dược tuổi mạ 12-14 ngày, mạ sân tuổi mạ 6-8 ngày. Gieo thẳng thời vụ thích hợp từ 20/5-25/05.

3.3. Kỹ thuật ngâm ủ mạ

  • Vụ Xuân, hạt giống cần được xử lý loại bỏ hạt lép lửng, ngâm trong nước sạch, cứ 10-12 giờ thay nước chua một lần. Khi hạt no nước đem đãi thật sạch rồi ủ. Vụ Xuân nhiệt độ tương đối thấp nên lúa giống cần được ngâm trong nước ấm (3 sôi 2 lạnh), để ráo nước rồi ủ cẩn thận để giữ nhiệt, lô thóc giống nảy mầm nhanh và đồng đều. Sau khoảng 30 giờ thì có lô mộng đạt yêu cầu để gieo.
  • Vụ Mùa, nếu sử dụng hạt giống đã để cách vụ thì ngâm trong nước sạch 24-25 giờ, nếu là hạt giống mới, thì ngâm ủ trong thời gian 30-36 giờ. Chú ý: trong vụ Mùa thường nhiệt độ cao nên dễ gây chua, do vậy thường xuyên đãi mạ bằng nước sạch cho bớt chua (1-2 lần/ngày). Đảm bảo độ thoáng trong quá trình ủ để tránh trường hợp yếm khí làm cho bộ rễ sẽ mọc dài, mầm lúa thì còi cọc. Khi mầm lúa đạt độ dài 2-3 mm thì có thể tiến hành gieo mạ.

 3.4. Lượng giống gieo, mật độ : 40-55 kg/ha, cấy 3 -4 dảnh/khóm và  mật độ 40-45 khóm/m2; nếu gieo thẳng dùng 36-47 kg/ha.

3.5.  Lượng phân và cách bón:

Lượng phân hữu cơ : Phân chuồng tùy theo từng địa phương, 6-8 tấn/ha, nếu không có có thể thay thế bằng 1 tấn phân  hữu cơ vi sinh .

* Vụ xuân

Lượng phân vô cơ (kg/ha): 90-110N + 100 P2O5 + 90 K2O

Cách bón: chú ý bón sớm và bón tập trung

+ Bón lót toàn bộ phân chuồng hoặc phân vi sinh + 40-50 N+ 100 P2O5 + 20 K2O

+ Bón thúc lần 1(Sau cấy hoặc gieo thẳng 20-25ngày):40-50 N +30 K2O

+ Bón đón đòng (Sau cấy hoặc gieo thẳng 45-55 ngày): 10 N +40 K2O

* Vụ mùa, hè thu

Lượng phân vô cơ (kg/ha): 90 N + 100 P2O5 + 90 K2O

+ Bón lót toàn bộ phân chuồng hoặc phân vi sinh + 40 N+ 100 P2O5 + 20 K2O

+ Bón thúc lần 1(Sau cấy hoặc gieo thẳng 20-25ngày):40 N +30 K2O

+ Bón đón đòng (Sau cấy hoặc gieo thẳng 28-38 ngày): 10 N +40 K2O

Cách bón: chú ý bón sớm và bón tập trung

– Nếu dùng phân NPK thì dùng theo khuyến cáo của nhà sản xuất ghi trên bao bì, lưu ý thời điểm bón thúc và đón đòng sớm hơn khi dùng phân đơn 2-3 ngày.

 3.6. Rút nước:  sau khi lúa đẻ nhánh tối đa rút nước tới khi ruộng nẻ chân chim để tăng độ cứng cây để thuận tiện cho thu hoạch và tăng chất lượng gạo thương phẩm. Sau đó cho nước vào với mực nước 2-3 cm so với mặt ruộng để lúa chuẩn bị trỗ. Sau trỗ 10 ngày rút nước để thuận tiện cho thu hoạch.

– Thời điểm thu hoạch: Thu hoạch khi lúa chín 85-90 % để giảm thất thoát do lúa rụng hạt, không nên phơi thóc lúc nhiệt độ quá cao hạt gạo dễ bị gãy, giảm tỷ lệ gạo nguyên khi xay xát, ảnh hưởng đến chất lượng gạo.

– Phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại chính như bệnh đạo ôn, bạc lá, khô vằn, sâu đục thân, sâu cuốn lá, rầy nâu,… theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn tại địa phương.