GIỐNG ĐẬU TƯƠNG Đ9804

GIỐNG ĐẬU TƯƠNG Đ9804

1. Nguồn gốc

Giống đậu tương Đ9804 được chọn tạo bằng phương pháp lai hữu tính từ tổ hợp lai VX93 x TH184, thực hiện tại Viện Cây lương thực và CTP. Được công nhận Quốc gia theo Quyết định số 2182 QĐ/BNN-KHCN ngày 29 tháng 7 năm 2004

Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Tấn Hinh, TS. Nguyễn Văn Lâm, ThS. Phạm Văn Thuận và CTV, Viện Cây lương thực và CTP

2. Đặc tính nông học

Giống đậu tương Đ9804 có TGST trung ngày (93 – 105 ngày), có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, phân cành nhiều, cứng cây, chống chịu bệnh tốt, thích hợp với gieo trồng cho vụ xuân và vụ đông. Giống Đ9804 có số quả/ cây nhiều từ 35 – 38 quả và có khối lượng 1000 hạt lớn (175 – 193 gam), hạt màu vàng đẹp, Giống đậu tương Đ9804 có tiềm năng đạt năng suất cao (22,0 – 25,0 tạ/ha).

3. Kỹ thuật thâm canh đạt năng suất cao

3.1. Thời vụ gieo trồng:

– Vụ xuân: từ 15/2 đến 5/3

– Vụ đông: gieo từ 5/9 – 5/10 là tốt nhất (kết thúc trước 5/10).

3.2. Làm đất

* Vụ xuân: Đất được lên luống rộng 100-120cm, cao 20-25cm dùng cày, cuốc kéo thành 2 rạch để gieo hạt đậu trên mặt luống cách nhau 30-35cm, Giữa 2 luống làm rãnh thoát nước rộng 20-25cm.

l * Vụ đông: Thường được gieo trên đất 2 vụ lúa (sau thu lúa mùa) để tranh thủ kịp thời vụ, thường phải thực hiện gieo trồng trên nền đất ướt (không làm đất hoặc làm đất tối thiểu). Lưu ý cần rút nước ở ruộng lúa trước khi thu hoạch từ 7-10 ngày để tạo độ ẩm cho đậu tương khi gieo.

3.3. Mật độ và phương pháp gieo

            * Vụ xuân: Mật độ gieo 25 – 35 cây/m2 (lượng hạt giống 55 – 60 kg/ha); Gieo hạt đậu theo rạch trên mặt luống, khoảng cách 5-10 cm/hạt; sau đó dùng hỗn hợp phân (phân HCVS + lân + tro bếp trộn với đất bột khô) phủ kín hạt đậu, hoặc dùng rơm rạ phủ kín mặt luống.

            * Vụ đông: Mật độ gieo 40 – 50 cây/m2 (lượng hạt giống 80 – 90 kg/ha), hiện nay có 2 phương pháp gieo hạt đậu tương đang phổ biến là:

* Cách 1: Tra hạt vào gốc rạ ngay sau khi thu lúa mùa,

* Cách 2: Gieo vãi bằng tay hoặc bằng máy (sử dụng cho ruộng chủ động tưới tiêu; Đất được làm rãnh thoát nước tránh ngập úng sau khi gieo)

3.4. Phân bón cho 1ha: Phân đạm urê: 80 – 100 kg; Supe lân: 300 – 330kg; Kali clorua: 80 – 100kg và 1 tấn phân hữu cơ vi sinh Sông Gianh

Cách bón:

            * Vụ  xuân:

– Bón lót toàn bộ phân hữu cơ + phân lân +1/2 đạm và 1/2 kali trước khi gieo;

– Bón thúc số lượng 1/2 đạm và 1/2 kali, kết hợp khi vun xới lần 2.

* Vụ  đông: Tập trung bón  trong 25 ngày sau khi gieo

– Bón thúc lần 1: (Khi đậu có 1 lá thật) trộn đều 1-2 kg urê + 1 kg kali + 5-6 kg lân super, rắc đều trên mặt ruộng vào chiều mát lúc lá đậu khô.

– Bón thúc lần 2: (Khi đậu có 4-5 lá thật – chuẩn bị ra hoa) trộn đều lượng phân còn lại rải đều trên ruộng.

3.5. Chăm sóc và tưới nước

* Chăm sóc  tỉa, dặm cây đảm bảo mật độ cây đậu đồng đều trên ruộng.

– Xới nhẹ lần 1 khi cây có 1-2 lá kép.

– Xới vun lần 2 khi cây có 4-5 lá kép

 * Tưới nước: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, giữ độ ẩm cho cây đậu tương

3.6. Phòng trừ sâu, bệnh hại:

– Sâu hại: Giai đoạn cây con khi cây mới mọc được 2 lá đơn cần phun phòng dòi đục thân; Các giai đoạn sau phòng trừ đối với sâu đục thân, sâu ăn lá, sâu đục quả dùng các loại thuốc đặc hiệu (Padan 50EC, Regent, Perant, Dipterex, Sutin, Vitasheell, Supermor, Trebon).

– Bệnh hại: Bệnh gỉ sắt, phấn trắng, thối rễ, lở cổ rễ …là các bệnh chủ yếu gây hại đậu tương ở vụ xuân và vụ đông nên phun thuốc định kỳ với các loại thuốc: Newkasura 16.6 BTN 0,5 – 1 kg/ha, Viroxyl 58BTN, Manage 5 WP, Viben–C50HP, Validacin, Daconil

3.7. Thu hoạch:

Thu hoạch khi bộ lá chuyển sang màu vàng, trên thân có khoảng 85-90% số quả già trên cây có vỏ quả chyển sang màu vàng, nâu xám. Thu hoach vào những ngày khô ráo cắt cả cây, sau đó rải đều cây trên mặt sân, tránh để thành đống làm cho quả bị men mốc, chất l­ượng hạt kém. Hạt đậu đập ra phơi… Khi đạt độ ẩm hạt 12%, sẽ cất giữ hạt nơi khô ráo.

4. Đối tượng và phạm vi áp dụng

– Thích hợp gieo trồng vụ xuân và vụ đông ở các tỉnh đồng bằng; Vụ xuân và vụ hè thu ở các tỉnh núi phía Bắc.

5. Điển hình đã áp dụng thành công

Tại các tỉnh phía Bắc (Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội, Sơn La, Hà Giang…) kết quả giống Đ9804 đều đạt năng suất cao hơn từ 10 – 15% so với giống đối chứng của các địa phương

6. Địa chỉ liên hệ giống

TS. Nguyễn Văn Lâm – Bộ môn Canh tác – Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm – Liên Hồng, Gia Lộc, Hải Dương. ĐT: 0220.3716392