GIỐNG KHOAI SỌ KS15
GIỐNG KHOAI SỌ KS15
1.NGUỒN GỐC, ĐẶC ĐIỂM GIỐNG
+ Giống khoai sọ KS15 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có củ, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, tuyển chọn nguồn nhập nội từ Trung Quốc, năm 2016. Trong quá trình đánh giá và tuyển chọn từ năm 2017 đến 2022 được đặt tên là giống khoai sọ KS15. Giống được Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm tự công bố lưu hành theo quyết định số 255/VCLT-KH ngày 17 tháng 07 năm 2023 cho các tỉnh phía Bắc.
+ Nhóm tác giả: TS. Trịnh Văn Mỵ; ThS. Nguyễn Thị Thúy Hoài; ThS. Nguyễn Đạt Thoại; ThS. Trần Quốc Anh; KS. Nguyễn Thanh Bình; ThS. Đỗ Thị Hồng Liễu; ThS. Vũ Thị Chinh
+ Giống khoai sọ KS15 có thời gian sinh trưởng từ 200-220 ngày cho vụ Xuân hè, dạng thân gọn, lá hình phẳng, màu sắc dọc thân trắng xanh, màu sắc viền lá màu Xanh, màu sắc rốn lá mà trắng xanh và màu chỏm củ là màu trắng hồng. Khả năng chống chịu sâu (sâu khoang, rệp, nhện đỏ) khá; nhiễm bệnh mốc sương trung bình. Giống KS15 có dạng củ hình Oval, vỏ củ màu nâu, ruột củ trắng. Năng suất củ trung bình đạt 20,9 tấn/ha (giao động từ 19,6 tấn/ha đến 23,6 tấn/ha), hàm lượng chất khô củ đạt 20,61-23,7%, hàm lượng tinh bột củ đạt 20,5% (chất tươi) và 74,94% (chất khô), chất lượng ăn nếm độ bở (điểm 1); độ dẻo (điểm 3) và vị ngon.
– Phạm vi áp dụng: Cho các tỉnh phía Bắc.
2. KỸ THUẬT SẢN XUẤT HẠT GIỐNG
- Chuẩn bị giống: Chọn giống chất lượng tốt, rõ nguồn gốc, sạch bệnh và trẻ sinh lý. Chọn củ giống là củ cấp 1 và cấp 2, không sâu bệnh và có khả năng nảy mầm tốt, củ không mù, có khả năng mọc chồi thân.
- Chuẩn bị làm đất:
Chọn đất thích hợp nhất là đất có thành phần cơ giới nhẹ, tơi xốp và thoát nước tốt như đất cát pha, đất thịt nhẹ.
Đất được cày bừa kỹ, nhặt hết cỏ dại, mặt ruộng bằng phẳng và tránh đọng nước. lên luống rộng 1,1 – 1,2m, cao 30 – 35 cm (trồng đôi), hoặc lên luống rộng (0,5 – 0,7 m) (trồng đơn) và cao hơn (30 – 40 cm) nhằm thoát nước kịp thời khi gặp trời mưa.
- Thời vụ: Trồng từ cuối tháng 11, đầu tháng 12 và thu hoạch vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm sau.
- Mật độ: Mật độ trồng: 35.000 khóm/ha.
- Phân bón:
– Lượng phân bón cho 1ha: Phân chuồng 15 tấn hoặc (1,5 tấn phân hữu cơ vi sinh) + 120kg N + 80kg P2O5 + 100kg K2O/ha. Tùy theo độ phì của đất, có thể điều chỉnh mức phân bón cho phù hợp.
– Cách bón:
+ Bón lót toàn bộ phân chuồng và phân lân supe + 30% đạm + 30% kali.
+ Bón thúc lần 1 sau trồng 25 – 30 ngày bón hết số đạm còn lại, phủ kín gốc.
+ Bón thúc lần 2 sau trồng 50 – 60 ngày bón hết số kali còn lại, phủ kín gốc.
- Cách trồng:
Sau khi bổ hốc hoặc rạch hàng để trồng, bón lót toàn bộ phân chuống hoai mục, lân và 30% lượng đạm, kali vào rồi lấp một lớp đất mỏng lên phân, sau đó mới tiến hành đặt củ giống.
– Trồng khi đất ẩm, thời tiết mát để đảm bảo tỷ lệ sống cao. Nếu đất khô phải tưới vào rạch sau đó trồng ngay hoặc tưới rãnh sau khi trồng.
– Trồng hàng đơn hoặc đôi, phủ củ giống sâu khoảng 5-7cm , cây cách cây 22-25 cm.
- Kỹ thuật chăm sóc:
– Lần 1 (Sau trồng 25-30 ngày): Xới đất, làm sạch cỏ kết hợp bón thúc lần 1 và tưới ẩm sau vun.
– Lần 2 (Sau trồng 50-60 ngày): Xới đất, làm sạch cỏ kết hợp bón thúc lần 2 sau đó vun vồng cao.
- Tưới nước:
Thường xuyên giữ ẩm của đất, độ ẩm thích hợp (75-80%) sau trồng để tỷ lệ cây sống cao, cây nhanh hồi phục và trong quá trình sinh trưởng phát triển cây, đặc biệt vào các thời kỳ hình thành và phình to của củ. Tốt nhất trong rãnh lúc nào cũng ướt, có ít nước. Trước khi thu hoạch 15-20 ngày thì giữ đất khô để thu hoạch dễ dàng và củ bảo quản không bị thối.
- Phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện thấy sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, dùng đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng nồng độ theo khuyến cáo của cơ quan bảo vệ thực vật.
Khoai sọ khi lá xòe ra, rất nhiều côn trùng trú ẩn, gây hai cho ruộng khoai. Một số sâu gây hại xuất hiện như sâu ăn lá (chủ yếu là sâu khoang), bọ cánh cứng, sâu đầu nhọn, rệp hay nhện đỏ. Các loại sâu hại chính gây hại chủ yếu là ăn lá, dọc lá, hay trích hút dinh dưỡng, làm khóm khoai xơ xác và héo rũ. Với mật độ nhiều cần phun thuốc diệt trừ đối với côn trùng gây hại trên.
– Bệnh thối củ xuất hiện vào mùa mưa, làm giảm 40-60% năng suất. Hạn chế tưới nước ở giai đoạn cuối. Nên trồng trên chân đất cao khả năng thoát nước tốt.
– Bệnh khảm lá khoai môn sọ do virus gây ra, có 2 loại virus khảm: Dasheen mosaic virus (DMV) và cucumber mosaic virus (CMV). Do vậy, làm giảm bệnh lây lan rộng cần thiết làm giảm mật độ rệp trong quá trình trồng và bảo quản giống.
– Bệnh mốc sương: Xuất hiện nhiều sau cơn mưa, do đó cần phải phun trừ bệnh mốc sương ở lá, cuống lá để không xâm nhập vào củ.
- Thu hoạch:
Khi trên đồng ruộng, cây khoai sọ có 70-80% lá chuyển màu vàng, là lúc đã được thu hoạch, chọn ngày không mưa để thu hoạch. Khi thu không cắt thân ngay, để cả thân dọc lá về, để nơi râm mát trong vòng 7 ngày cho củ chín sinh lý thêm sẽ có lợi cho bảo quản và sử dụng chất lượng củ tốt.
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có củ, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm
+ Địa chỉ: Xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội
+ Điện thoại: 0243 8615485 + DĐ: 0983718656 + Fax: 0243 8616821