GIỐNG KHOAI TÂY KT4
GIỐNG KHOAI TÂY KT4
1. Nguồn gốc
– KT4 là giống khoai tây do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây có củ, Viện cây lương thực và cây thực phẩm chọn lọc từ nguồn vật liệu khoai tây chống chịu bệnh virus nhập nội của Trung tâm Khoai tây Quốc tế năm 2010.
– Giống KT4 đã được công nhận cho sản xuất thử tại Quyết định số: 341/QĐ-TT-CLT, ngày 24/10/2018 của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT
– Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Nhung, TS. Trịnh Văn Mỵ, ThS. Ngô Thị Huệ, KS. Nguyễn Mạnh Quy, KS. Nguyễn Thị Thu Hương và CTV.
2. Đặc điểm chính
– Giống khoai tây KT4 có sức sinh trưởng phát triển tốt, thời gian sinh trưởng trung bình (85-90 ngày), tiểm năng năng suất cao (25-30 tấn/ha). Giống khoai tây KT4 là giống có nguồn gen chống chịu bệnh virus. Mức độ nhiễm sâu bệnh hại chính thấp, không gây ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển và tiềm năng năng suất của giống
– Giống khoai tây KT4 chất lượng tốt, ăn ngon, dạng củ hình oval, màu vỏ củ và ruột củ màu vàng, phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng. Hàm lượng chất khô cao trung bình đạt từ 19,6-20,2%, hàm lượng tinh bột 16,6-16,8%, hàm lượng đường khử 0,42-0,51% do vậy phù hợp với nhu cầu ăn tươi.
3. Làm đất, chuẩn bị luống trồng
Chọn chân đất nhẹ, tơi xốp, thoát nước tốt. Cày bừa kỹ, đảm bảo đất tơi xốp, sạch cỏ. Lên luống cao 20 – 25 cm, luống đôi rộng 1,2-1,4 m hoặc luống đơn rộng 90-100 cm.
4. Thời vụ trồng:
– Vụ đông vùng Đồng bằng sông Hồng trồng từ 25/10 đến 10/11
5. Mật độ trồng:
– Mật độ trồng: 50.000 củ/ha, tương đương 1.800 củ/sào (360m2 ), khoảng 50-60 kg/sào .
– Khoảng cách trồng từ 30 x 40 cm
6. Phân bón:
Lượng phân tính cho 1 ha:
- Phân chuồng hoai mục: 15 tấn (phân trâu, bò, lợn hoai mục). Không có phân chuồng thì bón phân vi sinh từ 1,0-1,2 tấn.
- Phân đơn chất theo tỷ lệ; N: P2O5 : K2O = 150kg: 150kg: 150kg.
Tính cho 1 sào Bắc Bộ (360m2).
– Phân chuồng hoai mục: 500 kg
– Đạm Urê : 12 kg – Supe lân: 34 kg – Kali: 9 kg.
Chú ý: Không dùng phân gà, vịt tươi trộn với trấu không hoai mục vì sẽ làm củ khoai tây bị ghẻ.
7. Cách bón:
– Bón lót toàn bộ phân chuồng + 100% phân lân + ½ đạm + ½ kali:
– Bón thúc: sau khi cây mọc cao 20-25 cm, bón nốt ½ đạm + ½ kali, kết hợp xới xáo, làm cỏ và vun lên luống lần 1. Vun lần 2 sau lần 1 khoảng 10-15 ngày.
8. Trồng và chăm sóc:
– Khi trồng tuyệt đối không cho củ giống tiếp xúc với phân hóa học. Đất được xới xáo, làm cỏ 2 lần kết hợp với bón phân và vun luống.
– Đất phải được giữ ẩm thường xuyên để giúp cho quá trình sinh trưởng và phát triển thân lá củ được thuận lợi.
– Giai đoạn trước khi thu hoạch 15-20 ngày không được tưới nước nhằm tránh ảnh hưởng đến chất lượng củ khoai tây.
9. Phòng trừ một số sâu bệnh hại chính
9.1. Phòng trừ sâu hại như rệp, nhện và bọ trĩ:
– Trừ sâu xám, sâu ăn lá: phun thuốc như Superfoss, lượng phun thuốc theo khuyến cáo của nhà sản xuất (từ 35- 40ml/bình 16 lít và phun vào lúc chiều tối).
– Trừ rệp, nhện và bọ trĩ: Phun thuốc Sherpa, Bassa (kết hợp với phun Minkhada) lượng phun thuốc theo khuyến cáo của nhà sản xuất).
9.2. Phòng trừ mốc sương và đốm vòng:
– Sử dụng củ giống sạch bệnh. Chú ý giữ vệ sinh đồng ruộng, loại bỏ cây ký chủ và các tàn tích ký chủ của vụ trước; loại bỏ các cây khoai tây mọc tự do do củ sót lại của các vụ trước; không đổ củ thối, nhiễm bệnh trong hoặc xung quanh ruộng trồng khoai tây.
– Thực hiện phun phòng trừ bệnh mốc sương trước khi cây khoai tây khép tán (thuốc Mancozeb, Zineb, Daconil, Acrobat, Aliette, Mancozeb, Curzate M8). Có thể phối trộn Curzate M8 và Acrobat với Mancozeb. Lượng thuốc phun theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
7.3. Phòng trừ héo rũ do vi khuẩn:
– Luân canh với lúa nước: đối với ruộng đã nhiễm khuẩn, không trồng lại khoai tây trên cùng ruộng sau ít nhất từ 2 – 3 năm.
– Dùng củ giống sạch bệnh.
10. Thu hoạch
– Khi 50% lá chuyển vàng là có thể thu hoạch. Cắt dọn thân lá 10 cm trên mặt trước khi thu; chọn ngày nắng ráo để thu, hạn chế làm xây sát, dập vỡ củ trong lúc thu hoạch, vận chuyển. Dùng dụng cụ đựng thích hợp để tránh dập nát củ. Đóng gói bao bì theo yêu cầu và vận chuyển càng sớm càng tốt về cơ sở bao tiêu.
– Trong trường hợp chưa thể tiêu thụ ngay, phải lưu giữ, cần bảo quản khoai trong điều kiện thoáng mát và tối để tránh lục hóa và thối củ. Trong thời gian dài, tốt nhất là bảo quản khoai thương phẩm trong kho lạnh ở nhiệt độ 12-14oC, ẩm độ không khí 90%.
– Bảo quản khoai giống trong kho lạnh ở nhiệt độ 4oC.
Địa chỉ liên hệ
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có củ, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm
+ Địa chỉ: Xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội
+ Điện thoại: 0243 8615485 + DĐ: 0983718656 + Fax: 0243 8616821