GIỐNG LÚA ĐB5
GIỐNG LÚA ĐB5
1. Nguồn gốc
Giống lúa ĐB5 do Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng và phân bón Quốc gia kết hợp với Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo bằng phương pháp gây đột biến nhân tạo dòng 28 R nhập nội từ Trung Quốc từ vụ mùa 1998. Giống được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận chính thức năm 2008 theo quyết định số 56/QĐ-TT-CLT ngày 08/01/2008.
Cơ quan tác giả: Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm.
2. Đặc điểm chính của giống
– ĐB5 là giống cảm ôn, thuộc nhóm ngắn ngày có thời gian sinh trưởng 135 -140 ngày (vụ xuân) và 105 – 110 ngày (vụ mùa) ở các tỉnh phía Bắc, 110 – 115 ngày (vụ đông xuân) và 95 – 100 ngày (vụ hè thu) ở các tỉnh miền Trung.
– Đặc điểm: Giống có kiểu hình đẹp, cây gọn, cứng, sinh trưởng khoẻ, khả năng thâm canh cao, thích ứng rộng. Khả năng đẻ nhánh trung bình (4 – 5 dảnh hữu hiệu/khóm), bông to, hạt xếp xít, hơi bầu, màu vàng cam, số hạt/bông cao (165 – 195), tỷ lệ hạt lép thấp (12-15%), khối lượng 1000 hạt: 20 – 21 g.
– Khả năng chống chịu: Chịu rét, chống đổ tốt, có khả năng chịu được chân đất trũng tốt hơn giống Khang dân 18. Nhiễm nhẹ đến trung bình bệnh đạo ôn cổ bông, bạc lá, rầy nâu.
– Năng suất trung bình đạt: 65 -70tạ/ha, năng suất cao có thể đạt 75 – 80 tạ/ha.
3. Kỹ thuật canh tác
* Kỹ thuật làm mạ: Ngoài mạ dược có thể gieo mạ sân, mạ khay, mạ dầy xúc hoặc gieo thẳng. Nếu làm mạ dược nên gieo thưa, chăm sóc tốt để mạ đẻ nhánh ngay trên ruộng mạ, đảm bảo mạ khoẻ, to gan đanh dảnh.
– Kỹ thuật ngâm ủ:
Vụ xuân, hạt giống được ngâm trong nước sạch, cứ 24 giờ thay nước chua một lần. Khi hạt no nước đem đãi thật sạch, để cho chảy hết nước đọng thì đem ủ. Lượng nước ngâm cho lúa giống luôn gấp 3 lần thể tích thóc (1 kg thóc giống cần ngâm với ít nhất 3 lít nước sạch). Vụ xuân nhiệt độ tương đối thấp nên lúa giống cần được ủ cẩn thận để giữ nhiệt toả ra, lô thóc giống nảy mầm nhanh và đồng đều. Sử dụng bao vải bông thấm nước, vắt kỹ, đổ lúa giống đã ngâm vào bao, để bao lúa giống vào nơi kín gió, đệm và phủ cẩn thận bằng bao tải hoặc rơm ẩm. Sau 30 giờ thì có lô mộng đạt yêu cầu để gieo.
– Thời vụ gieo:
+ Các tỉnh phía Bắc: Vụ xuân muộn gieo 15/1 – 5/2, vụ mùa có thể gieo mùa sớm, mùa trung, không gieo quá thời vụ 20/6 để tránh bệnh hoa cúc.
+ Các tỉnh miền Trung: Vụ đông xuân gieo mạ từ 5 – 15/1, vụ hè thu:15 – 25/5
– Đất mạ: Cày bừa nhuyễn, sạch cỏ dại, tưới tiêu chủ động, độ phì cao, bón nhiều phân chuồng cho đất tơi xốp.
– Làm luống mạ: Luống rộng 1,2 – 1,5 m, rãnh rộng 30 cm, mặt luống phẳng khi giao không có vũng nước trên mặt.
– Chăm sóc mạ: Giống ĐB5 có khả năng đẻ nhánh trung bình nên phải chăm sóc mạ tốt để mạ có sức sinh trưởng tốt, đẻ nhánh khoẻ ngay từ đầu.
+ Bón phân cho mạ:
Lượng phân bón cho 1 ha: Phân hữu cơ vi sinh 8 – 10 tấn, supe lân: 500 kg, đạm Ure: 150 – 160 kg, kaliclorua: 100 – 110 kg.
Bón lót: Toàn bộ phân hữu cơ vi sinh + lân + 50% đạm ure + 50% kali
Bón thúc lần 1: Khi mạ được 2,0 – 2,5 lá: 40% đạm ure + 50% kali
Bón tiễn chân: Trước khi cấy 3 – 4 ngày với số phân đạm còn lại.
Chăm sóc: Thường xuyên giữ ẩm ruộng mạ sau khi gieo, Khi mạ mọc cao 2 -3 cm (3 – 4 ngày sau khi gieo) tưới nước tràn mặt luống, giữ mức nước trên mặt luống 1 – 2 cm. Thường xuyên theo dõi sinh trưởng phát triển của mạ đẻ có biện pháp chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
* Kỹ thuật cấy, bón phân, chăm sóc
– Tuổi mạ: Vụ xuân, nếu mạ dược cấy khi khi mạ có 4,5 – 5 lá; nếu làm mạ sân, mạ dày xúc, mạ khay cấy sau khi gieo 13 – 15 ngày; vụ mùa cấy khi mạ dược 18 – 20 ngày.
– Mật độ cấy: Trong điều kiện vụ xuân, cấy mật độ 50 – 55 khóm/m2, vụ mùa mật độ cấy thích hợp là 50 khóm/m2, cấy 2 – 3 dảnh/khóm.
– Chuẩn bị ruộng cấy: Ruộng phải phẳng, sạch cỏ dại, cày bừa nhuyễn, bón đủ phân lót, giữ lớp nước nông 5 – 7 cm.
– Kỹ thuật cấy: Cấy nông 2 – 3 cm, mạ nhổ đến đâu cấy đến đó, không để mạ qua đêm, không đập làm nát mạ.
– Phân bón cho 1 ha: Tuỳ điều kiện đất đai, thời vụ, vụ xuân bón 8 – 10 tấn phân hữu cơ vi sinh, 100 – 110 kg N: 100 kg P2O5: 70-80 kg tuỳ loại đất; vụ mùa: Bón 8 -10 tấn phân hữu cơ vi sinh, 90 – 100 kg N: 100 kg P2O5: 60 – 70 kg.
Cách bón: Bón lót toàn bộ phân hữu cơ vi sinh, phân lân, 40% đạm ure và 50% kali
Bón thúc lần 1: Sau khi lúa bén rễ hồi xanh 40%
Bón đón đòng: Bón lượng phân còn lại.
Nếu sử dụng phân NPK (16-16-8) thì dùng 400-500 kg/sào.
Bón lót: 200 – 250 kg, thúc lần 1: 110 – 140 kg, số còn lại bón thúc lần 2.
– Chăm sóc: Cấy xong, giữ lớp nước 5 – 7 cm trên mặt, khi lúa kết thúc đẻ nhánh, rút nước phơi ruộng 4 – 5 ngày để lúa ngừng đẻ nhánh, sau đó tưới nước bình thường. Thường xuyên theo dõi sự xuất hiện sâu bệnh để phòng trừ kịp thời: Cần theo dõi chặt chẽ bệnh đạo ôn cổ bông vụ đông xuân và bệnh bạc lá trong vụ mùa và vụ hè thu. Các tỉnh phía bắc, không nên gieo mạ quá muộn trong vụ mùa (sau 20/6) dễ bị nhiễm bệnh hoa cúc.
4. Đối tượng và phạm vi áp dụng giống ĐB5
Sử dụng cho trà lúa xuân muộn, mùa sớm. Tại các chân ruộng cao, vàn.
Đặc biệt phát huy hiệu quả tại các công thức luân canh 2 lúa + 1 mầu /năm.
5. Điển hình đã áp dụng thành công giống ĐB5
Giống lúa ĐB5 đã phát triển trên diện tích hàng nghìn ha/vụ tại tất cả các tỉnh vùng ĐBSH, các tỉnh Trung bộ (Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên…)
6. Địa chỉ liên hệ giống
ThS. Nguyễn Trọng Khanh – Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lúa thuần, Liên Hồng, Gia Lộc, Hải Dương.
ĐT: 0220.3514926, 0220.3716928
Email: mr_khanh_hd@yahoo.com