GIỐNG LÚA PC26

GIỐNG LÚA PC26

1. Nguồn gốc, tác giả:

Giống lúa PC26 do Bộ môn chọn tạo giống lúa cho vùng khó khăn, Trung tâm nghiên cứu và phát triển lúa thuần – Viện CLT và CTP chọn tạo. Giống đã được công nhận chính thức theo Quyết định số 870/QĐ-BNN-TT ngày 12/3/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Tác giả: Đỗ Năng Vịnh, Hà Thị Thúy, Nguyễn Trọng Khanh, Phạm Văn Tính, Nguyễn Thị Miền, Vũ Thị Nhường, Đoàn Văn Thành và cộng tác viên.

2. Đặc điểm chính của giống:

– Giống PC26 không phản ứng với ánh sáng ngày ngắn nên gieo trồng được cả hai vụ trong năm.

– Chiều cao cây 100-105cm; thời gian sinh trưởng vụ xuân 135-140 ngày, vụ mùa 105-110 ngày; năng suất đạt từ 60-80 tạ/ha. Khả năng chống chịu sâu bệnh tốt; chống đổ tốt, chịu rét tốt. Chất lượng cơm mềm, ngon, có giá trị hàng hóa. Tỷ lệ hạt chắc cao (>90%), năng suất trong vụ xuân đạt 65-76 tạ/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt 80 tạ/ha; vụ mùa đạt 53-58 tạ/ha.

3. Kỹ thuật gieo cấy/ canh tác/ sản xuất:

Là một giống lúa thuần nên các biện pháp gieo cấy, chăm sóc như các giống lúa thuần khác, tuy nhiên với giống PC26 cũng có những điểm cần lưu ý khi gieo cấy và chăm sóc.

* Thời vụ và mật độ gieo cấy:

Khi canh tác giống lúa PC26 có thể áp dụng các phương thức làm mạ dược, mạ sân hoặc gieo thẳng.

– Vụ xuân:

Gieo mạ dược từ 10-20/1. Cấy sau tiết lập xuân, tránh để mạ già, tuổi mạ dược 4-5 lá thật. Đối với mạ sân gieo từ 20-30/1, cấy khi mạ 15-18 ngày tuổi, mạ có ít nhất 3 lá thật. Mật độ cấy trong vụ xuân: 50-55 khóm/m2, cấy 2-3 dảnh/ khóm.

– Vụ mùa:

Gieo mạ dược từ 25/5-10/6, cấy khi mạ đạt 15-18 ngày tuổi. Gieo mạ sân từ 10/6-15/6, cấy mạ non 10-13 ngày tuổi, mạ có ít nhất 3 lá thật. Mật độ cấy trong vụ mùa: 55-60 khóm/m2.

* Kỹ thuật bón phân và chăm sóc:

– Lượng phân bón: Khi canh tác giống PC26 trên đất có độ phì khá và không có phân chuồng để bón thì nên bón với mức phân bón: 120 kg N + 110 kg P2O+ 90 kg K2O trong vụ xuân. Trong vụ mùa là 110 kg N + 110 kg P2O5 + 90 kg K2O.

Nếu có điều kiện sử dụng phân chuồng (hoặc phân vi sinh) thì nên sử dụng phân chuồng hoại mục và bón với liều lượng 8-10 tấn phân chuồng  + 110 kg N + 110 kg P2O5 + 90 kg K2O trong vụ xuân và 8-10 tấn phân chuồng  + 100 kg N + 110 kg P2O5 + 90 kg K2O trong vụ mùa là phù hợp và có ý nghĩa rất lớn đối với việc đảm bảo sự bền vững trong canh tác lúa và cải tạo nguồn dinh dưỡng trong đất.

– Cách bón: Nên bón nặng đầu nhẹ cuối, bón thúc sớm cho lúa đẻ nhánh sớm, tập trung và đảm bảo được số dảnh hữu hiệu/m2.

+ Bón lót: bón trước hoặc cùng cấy với lúa, bón toàn bộ phân chuồng + 100% P2O5 + 30% N + 50% K2O

+ Bón thúc lần 1: 40% N khi cây lúa bắt đầu đẻ nhánh (Vụ mùa bón sau cấy 12-15 ngày, vụ xuân sau cấy 20-25 ngày), kết hợp làm cỏ sục bùn.

+ Bón thúc lần 2: bón đón đòng trước khi trỗ 25-30 ngày, bón hết lượng phân còn lại.

Ngoài ra, cũng có thể sử dụng phân bón NPK tổng hợp để bón với liều lượng cho 1 sào Bắc bộ là: Phân chuồng 200 kg + 18-20kg NPK (16:16:8) + 3-4 kg kali. Quy thành 100-110N + 100-110 P2O5 + 100-110K2O/ha.

+ Bón lót: toàn bộ phân chuồng + 40% lượng phân tổng hợp NPK.

+ Bón thúc lần 1: 60% lượng phân tổng hợp NPK

+ Bón thúc lần 2: bón hết lượng phân kali còn lại (3-4 kg kali/ sào).

Trước khi cấy 4-5 ngày nên bón phân cho mạ với lượng 2 kg urê/ sào mạ. Chú ý trong vụ xuân, không bón thêm ure khi nhiệt độ thấp, chỉ bón khi có dự báo thời tiết sẽ ấm lên.

4. Đối tượng và phạm vi áp dụng:

Giống lúa PC26 có thể cấy được cả hai vụ/năm trên các chân vàn, vàn hơi thấp, chủ động tưới tiêu và có độ phì từ khá trở lên. Giống PC26 có thể tham gia tốt trong chương trình sản xuất lúa chất lượng cao của các tỉnh phía Bắc, tại các vùng canh tác màu đông chính vụ (khoai tây, rau, ngô chính vụ…), không phù hợp với các vùng canh tác màu đông cực sớm.

5. Điển hình đã áp dụng thành công: (Địa chỉ đã áp dụng thành công)

PC26 đã được sản xuất thử nghiệm ở nhiều tỉnh thành: Thái Nguyên, Bắc Cạn, Bắc Ninh…..

6. Một số điểm lưu ý của giống lúa PC26

* Khử lẫn: PC26 là giống lúa chất lượng cao, hạt tròn, không bạc bụng, tỷ lệ gạo nguyên trên 85% phù hợp với thị hiếu của người Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, Bắc Trung Quốc … Tuy nhiên nhược điểm của giống là vẫn có một tỷ lệ thấp phân ly trong quá trình sản xuất. Do vậy cần phải lưu ý khử lẫn, loại bỏ cây khác dạng để nâng cao giá trị hàng hóa của giống.

* Thu hoạch: là giống loài phụ japonica nên thời gian trỗ đến chín dài hơn các loại giống phụ indica từ 7-10 ngày. Phải thu hoạch khi chín hoàn toàn. Thời điểm thu hoạch muộn hơn các giống lúa indica từ 5-7 ngày. Như vậy sẽ đảm bảo độ mềm của cơm và độ trong của hạt gạo. Sau khi tuốt, thóc phải được phơi dưới nắng nhẹ và nên phơi từ 2-3 lần để đạt độ ẩm ≤ 14 %. Không được phơi lâu dưới nắng gắt và làm khô ngay trong thời gian ngắn.

* Ngâm ủ giống: PC26 có đặc tính ngủ nghỉ sau thu hoạch. Nếu dùng hạt giống mới thu hoạch làm giống phải phá ngủ nghỉ bằng axit Nitơric (hai phần nghìn – 2ml axit trong 1 lít nước) ngâm trong 8-10h sau đó đãi sạch axit rồi ngâm trong 48 giờ. Sau khi vớt thóc phải đãi sạch nước chua, để ráo nước rồi ngâm ủ bình thường.

Cần thường xuyên thăm đồng làm cỏ, quản lý nước tốt, phát hiện sâu bệnh hại và phòng trừ kịp thời.

7. Địa chỉ liên hệ giống:

Trung tâm Nghiên cứu và PT Lúa thuần, xã Liên Hồng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.

SĐT: 0320.3716.616

Một số hình ảnh giống lúa PC26: