Giống sắn 13Sa05
Giống sắn 13Sa05
- Nguồn gốc: Giống sắn 13Sa05 do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có củ thuộc Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn lọc từ tập đoàn nhập nội. Giống được được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cho sản xuất thử theo quyết định số: 401/QĐ – CLT ngày 17 tháng 12 năm 2018. Và quyết định tự công bố lưu hành của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm số 131/VCLT-KH ngày 28 tháng 4 năm 2020 và tiếp nhận hồ sơ của Cục trồng trọt số 745/TB-TT-CLT ngày 22 tháng 6 năm 2020.
- Nhóm tác giả: Phạm Thị Thu Hà, ThS. Niê Xuân Hồng, ThS. Nguyễn Trọng Hiển, KS. Vũ Thị Vui, TS. Trịnh Văn Mỵ, KS. Nguyễn Thành Trung, TS Nguyễn Quang Tin , PGS.TS. Nguyễn Viết Hưng và CTVNN08
- Một số đặc điểm chính giống sắn 13Sa05 Giống sắn 13Sa05 là giống sắn nhập nội.Giống sắn 13Sa05 có dạng hình cây thẳng, chiều cao cây TB 359,1cm có phân cành; số thân/khóm dao động từ 1,7-1,8; vỏ thân, lá và cuống lá có màu xanh, ngọn lá màu tím; vỏ củ và màu thịt củ màu trắng. Thời gian sinh trưởng khoảng 10 tháng. Giống nhiễm nhẹ các bệnh đốm lá, cháy lá và nhiễm nhẹ hơn so với giống KM94; đặc biệt giống chưa thấy xuất hiện triệu chứng của bệnh chổi rồng ở các thời vụ và các vùng trồng. Khả năng chịu hạn, rét và chống đổ tốt hơn so với KM94; số củ/khóm TB từ 10,7-14; củ to, TB đạt từ 3,9-5,0 kg/khóm; Năng suất củ tươi TB đạt từ 40,8-46,8 tấn/ha, cao hơn KM94 từ 43,5-51,7%; tỷ lệ tinh bột đạt từ 28,9-29,1%, chất lượng củ khi luộc tương tự KM94.
- Kỹ thuật trồng 4.1. Chuẩn bị hom: Chọn những cây sắn khỏe mạnh, không bị nhiễm sâu bệnh, không bị trầy xước, có đốt ngắn, ở những nương sắn tốt, không bị sâu bệnh, đã đủ 8 tháng tuổi trở lên để làm giống.- Chọn lấy đoạn giữa thân, để chặt hom làm giống.- Dùng dao sắc chặt hom, mỗi hom dài 15 – 20 cm, có 3 – 5 mắt. Khi chặt tránh làm dập nát hai đầu, tránh làm xây xước hom.
– Xử lý hom giống trước khi trồng bằng cách nhúng vào các thuốc diệt nấm Ridomil hoặc Tilsuper 300EC để hạn chế sâu bệnh hại sắn.
Lưu ý: Các giống sắn đưa vào trồng phải đảm bảo sạch bệnh, đặc biệt chú ý đối với bệnh chổi rồng và khảm lá sắn
4.2. Chuẩn bị đất:
– Đối với đất <15 độ, cày sâu và bừa kỹ để đất tơi xốp, thoáng khí và sạch cỏ dại. Nếu đất bằng thì nên lên luống để thoát nước.
– Đối với đất dốc >15 độ, không cày bừa mà chỉ cần làm cỏ, bổ hốc và trồng sắn trực tiếp theo đường đồng mức nhằm tránh xói mòn đất.
4.3. Thời gian trồng:– Vùng Trung du miền núi phía Bắc: tháng 1, tháng 2 đến đầu tháng 3
– Vùng Bắc Trung Bộ: đầu tháng 4 trước khi trời mưa 5-10 ngày
4.4. Phương pháp trồng:
+ Cách 1: Áp dụng những nơi đất cát pha hoặc đất thịt pha cát. Đặt nghiêng hom một góc 10 – 15 độ so với mặt đất, lấp đất phủ phần gốc hom (sâu 7 – 10 cm). Chú ý, đặt hom nghiêng theo 1 chiều nhất định, mắt mầm về 2 phía, ngọn hom hướng lên trên để chồi dễ mọc
+ Cách 3: Trồng nằm (Rải hom nằm ngang dưới đất). Cách này thường được ứng dụng trên đất dốc, nhằm giúp rễ củ phân bố đều trên bề mặt đất, cây sắn có nhiều củ hơn so với đặt dọc theo triền dốc. Rải hom nằm dưới hốc hoặc rãnh, bón lót, sau đó lấp đất phủ kín hom, sâu 7-10 cm. Chú ý, đặt gốc hom quay về một phía, phần ngọn hom nghiêng theo hướng sườn dốc, ghi nhớ chiều đặt hom sắn (vị trí ra rễ của cây sắn là bên trái hay bên phải) để tiện chăm sóc và bón phân thúc cho đúng. Hầu hết đất trồng sắn ở Sơn La là đất dốc, nên thường áp dụng phương pháp trồng nằm
– Mật độ trồng 10.000khóm/ha (Hàng cách hàng 1,0 m; cây cách cây 1,0 m).
Chú ý: Khi cây sắn ra nhánh, cần tỉa bỏ các nhánh để đảm bảo mật độ và cho cây sắn sinh trưởng, phát triển tốt. Mỗi gốc để 1-2 thân.
4.5 Phân bón và cách bón phân
Cây sắn có khả năng sinh trưởng phát triển tốt trên đất xấu và chua muốn có năng suất cao nhất thiết phải bón phân đủ và cân đối, không được coi nhẹ việc bón phân cho cây sắn:
Lượng phân thích hợp cho đất trồng giống sắn 13Sa05 là: 1,5 tấn phân hữu cơ vi sinh + 90 N + 60 P205 + 90 K2O tương đương 195 kg đạm urê + 363 kg phân lân supe + 150 kg Kali.
– Cách bón
+ Bón lót (lúc trồng): Toàn bộ phân hữu cơ vi sinh + 100% lân.
+ Bón thúc lần 1: Vào khoảng 30–40 ngày sau trồng, làm cỏ, bón phân và vun nhẹ cho sắn (bón 50% đạm + 50% kali).
+ Bón thúc lần 2: Vào khoảng 50-70 ngày sau trồng, làm cỏ, bón lượng phân còn lại, cào đất lấp kỹ phân thúc và vun cao cho sắn (bón 50% lượng kali + 50% đạm còn lại).
Chú ý:
* Bón phân khi đất có đủ ẩm độ, tránh bón vào lúc trời nắng to hoặc những ngày có mưa lớn; bón cách gốc sắn 10-15 cm và lấp đất lại.
4.6 Hạn chế cỏ dại và chăm sóc sắn
*Một số biện pháp hạn chế cỏ dại:
– Che phủ kín bề mặt đất (bằng nylon, bằng thân lá thực vật, hoặc bằng cách trồng cây che kín mặt đất) sẽ làm cho hạt cỏ hoặc củ, rễ và thân ngầm không thể mọc.
– Dùng thuốc trừ cỏ tiền này mầm để tiêu diệt cỏ ngay từ khi hạt cỏ mới nứt nanh, chưa mọc thành cây.
4.7 Làm cỏ, chăm sóc sắn:
Xới phá váng, làm sạch cỏ dại sau trồng từ 15-20 ngày
Khi sắn có từ 5-7 lá (sau mọc mầm từ 30-40 ngày): làm sạch cỏ, xới đất, bón thúc lần 1 và vun nhẹ quanh gốc.
Khi sắn có từ 9-10 lá (sau mọc mầm từ 50-70 ngày): làm sạch cỏ, xới đất, bón thúc lần 2 và vun cao chống đổ.
4.8. Phòng trừ sâu, bệnh:
Sắn thường bị các loại côn trùng phá hại như rệp sáp, bọ phấn trắng, nhện đỏ, … và các bệnh đốm nâu lá, bệnh chổi rồng, bệnh khảm lá virus…. Phương pháp phòng trừ tốt nhất là vệ sinh đồng ruộng trước khi trồng và xử lý hom giống bằng thuốc nội hấp (nhúng hom giống vào dung dịch Formandehyt)
*Sâu hại:
– Nhện đỏ (Mononychellus tanajoa) và nhện đỏ (Tetranychus urticae): Khi nhện đỏ xuất hiện nhiều, có mật độ trên ngưỡng kinh tế, điều kiện thời tiết thuận lợi cho nhện phát triển, thiên địch không có khả năng tiêu diệt nhện, dùng thuốc phù hợp phù diệt trừ nhện đỏ.
– Rệp sáp (mealybugs): Khi rệp xuất hiện ít, loại bỏ ngay những bộ phận của cây, hay cả cây (cuốc nhổ bỏ và đốt) có rệp để tránh lây lan. Khi rệp xuất hiện thành từng đám, phun thuốc thích hợp vào chỗ diện tích sắn bị nhiễm và các cây lân cận. Vì rệp có lớp sáp và bột trắng bao phủ trên thân, nên cần pha thuốc kết hợp với dầu khoáng để tăng hiệu quả của thuốc.
*Các bệnh hại sắn:
– Cháy lá vi khuẩn(Xanthomonas), bệnh đốm nâu lá (Brown Leaf Spot): Loại bỏ ngay (cuốc nhổ bỏ) khỏi nương những cây có triệu chứng bệnh để tránh lây lan. Luân canh với cây trồng khác để loại bỏ mầm bệnh khỏi đất.
– Khảm lá virus(Sri Lanka Cassava Mosaic Virus): Sử dụng giống sạch bệnh, vệ sinh dao chặt hom giống và thu gom đốt tàn dư thực vật.Sử dụng bẫy dính diệt ruồi phấn trắng. Khi ruồi này xuất hiện nhiều và có nhiều cây sắn bị bệnh trên nương có thể dùng thuốc phun tiêu diệt ruồi phấn trắng.
– Bệnh Mycoplasma (bệnh chổi rồng): Ngâm hom trong dung dịch Formandehyt. Loại bỏ và tiêu hủy ngay cây bị bệnh khi phát hiện trên đồng ruộng.
4.9. Thu hoạch và bảo quản hom giống:
* Thời gian thu hoạch: 10-12 tháng sau trồng, khi sắn rụng gần hết lá, thân cây sắn chuyển sang màu xám. Chọn ngày nắng ráo, tránh trời mưa, thu hoạch xong vận chuyển ngay đến cơ sở chế biến không nên giữ lại quá 2 ngày, chất lượng củ sẽ bị ảnh hưởng.
* Bảo quản củ sắn:
– Bảo quản sắn tươi: Chọn củ sắn không bị sây xát nhúng vào nước vôi 1% để bảo vệ củ sắn. Khi vỏ sắn khô nước vôi xử lý thì xếp từng luống cao 50 – 60cm để ở chỗ râm mát, tránh được mưa nắng sau đó phủ lớp cát dày 10cm lên trên luống củ. Hoặc cũng có thể bảo quản theo cách trên đây nhưng thay xử lý nước vôi bằng hun khói lưu huỳnh với liều lượng 30 – 35gr lưu huỳnh hun cho 20kg sắn.
– Chế biến sắn: Săn nguyên liệu chế biến công nghiệp để có nhiều sản phẩm; chế biến tinh bột: Làm bột sắn ngâm, bột sắn mài, bột sắn nghiền; chế biến sắn lát phơi khô; chế biến sắn sợi.
* Cách chọn và bảo quản hom giống:
Trên các ruộng nhân giống hay ruộng sản xuất sạch sâu bệnh, cây được trên 8 tháng tuổi, chọn cây khỏe mạnh không bị nhiễm sâu, bệnh để làm giống cho vụ sau.. Nên chọn những cây có đường kính thân > 2 cm, nhặt mắt, phần lấy hom không già quá hoặc non quá, thân cây còn tươi, không được khô.
Cách 1: Có thể đào hố để bảo quản hom giống bằng cách ủ phần gốc khoảng 20 cm, nếu trời hanh khô tưới bổ sung nước để giữ ẩm cho hom giống, thời gian bảo quản cây giống càng ngắn càng tốt.
Cách 2: Bó thành từng bó dựng vào gốc cây râm mát, phủ rơm dạ, lá cây để giữ ẩm, tránh sương muối.
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có củ, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm
+ Địa chỉ: Xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội
+ Điện thoại: 0243 8615485 + DĐ: 0983718656 + Fax: 0243 8616821