Giống táo VC01
Giống táo VC01
1. Nguồn gốc và tác giả
Giống táo VC01 là giống táo mới của Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm được tuyển chọn từ một mẫu giống táo nhập nội, mang mã số MT01 trong 04 mẫu táo nhập nội, năm 2012. Giống được Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm tự công bố lưu hành theo quyết định số 187/VCLT-KH ngày 18 tháng 6 năm 2021 và tiếp nhận hồ sơ của Cục trồng trọt số 1061/TB-TT-CLT ngày 19 tháng 10 năm 2021.
Tác giả và cơ quan tác giả: TS. Đoàn Xuân Cảnh, ThS. Nguyễn Văn Tân và ThS. Nguyễn Thị Hải Yến
2. Đặc điểm chính của giống
Giống táo VC01 có khả năng sinh trưởng phát triển khỏe, phân cành thưa, cành vươn thẳng, tán cân đối, cành non có nhiều lông mịn màu nâu, khi thành thục cành chuyển màu nâu, thân màu nâu xám có gai. Lá to hình bầu dục, đầu lá tròn, xanh đậm, phiến lá cong và nhẵn, mặt dưới có lông dày mềm, mép khía răng, 3 gân gốc.
3. Kỹ thuật canh tác
3.1. Chọn đất, đào hố và kỹ thuật trồng
Cây táo cần chọn vùng đất trồng có chủ động nước tưới, đặc biệt ở giai đoạn sau trồng (tháng 1- tháng 4), ra hoa, đậu quả và phát triển quả (tháng 7 – tháng 11). Táo là cây dễ tính ít đòi hỏi về điều kiện đất đai so với những cây trồng khác, nhưng tốt nhất là trồng táo VC01 ở đất phù sa, giữ ẩm, giàu mùn, dinh dưỡng, dễ tưới, tiêu nước.
Đào hố rộng 60 -70 cm, sâu 60 -70 cm. Bón lót 5-10kg phân hữu cơ vi sinh + 0,5 -1kg lân/hốc, đảo đều với đất bột cho kỹ, vun cao đất thành nấm mô sau đó trồng cây. Trồng ngập gốc, cách mắt ghép khoảng 10 cm. Trồng xong dậm chặt xung quanh gốc.
3.2. Thời vụ gieo trồng
– Từ tháng 02 đến tháng 03.
3.3. Kỹ thuật trồng
– Mật độ: mật độ trồng 625 cây/ha, khoảng cách trồng 4 x 4 m.
3.4. Kỹ thuật bón phân
– Lượng phân bón (cho 1 ha):
Tuổi 1: Phân hữu cơ vi sinh: 10 tấn; Đạm urê: 350 kg; Lân supe: 600kg; Kali clorua: 250 kg.
Tuổi 2: Phân hữu cơ vi sinh: 30 tấn; Đạm urê: 500 kg; Lân supe: 900kg; Kali clorua: 400 kg.
– Phương pháp bón:
+ Lần 1: Sau trồng 01 tháng (hoặc ngay sau khi đốn táo) xới toàn bộ xung quanh gốc và bón phân hữu cơ vi sinh + 100% supe lân + 1/3 phân đạm và kali.
+ Lần 2: trước khi cây ra hoa rộ bón 1/3 lượng phân đạm và kali
+ Lần 3: Khi cây đã vừa vào quả đẫy (sau lần 2: 70-85 ngày) bón 1/3 lượng phân đạm và kali còn lại.
3.5. Kỹ thuật chăm sóc
Giai đoạn sau trồng thường xuyên phải tưới giữ ẩm cho cây nhanh bén rễ ra chồi lộc.
Kịp thời loại bỏ những chồi dại (những chồi không mọc từ cành ghép).
3.6. Phòng trừ sâu bệnh hại chính
+ Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và khuyến khích áp dụng các biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp (sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, kỹ thuật làm đất, bón phân, luân xen canh cây trồng hợp lý…).
+ Ở thời kỳ sinh trưởng mạnh, táo thường bị bọ xít xanh, rệp dính, sâu cuốn lá, sâu gặm đục quả phá hoại. Dùng Sherpa 0,1 -0,15% để phun cho táo.
+ Ở thời kỳ vừa vào quả (sau ra hoa rộ 30- 40 ngày) quả táo hay bị phấn trắng, sương mai phá hoại:
Bệnh sương mai sử dụng Ridomil Gold 75WP 0,1-0,25% để phun.
Bệnh phấn trắng sử dụng loại thuốc: Sumi-eight 12,5WP hoặc Nicozol 12,5WP 0,25% phun 15 ngày/lần ở giai đoạn trong 01 tháng sau đậu quả.
4. Kỹ thuật thu hoạch quả
– Thu hoạch đúng lúc quả chín cho chất lượng ngon. Khi quả to đẫy màu xanh nhạt là thu được.
– Kỹ thuật đốn táo: Táo VC01 sau thu hoạch (giữa tháng 3) thì đốn. Kỹ thuật đốn; Táo tuổi 1 cắt cách cành ghép chính từ 20 -25 cm cành ghép, kết hợp với tạo tán; Táo tuổi 2 đốn thấp 40 cm cành ghép, để lại 3 thân chính ở thế chân kiềng; Từ tuổi 3 trở đi đốn đuổi cách vết đốn cũ trước 15 -20 cm. Cứ đốn đuổi như vậy, khi nào thấy bộ khung già cỗi, năng suất giảm, bộ tán quá cao thì lại đốn đau cách mặt đất 40 -50 cm để táo trẻ hóa lại.
5. Địa chỉ liên hệ giống: Bộ môn Cây thực phẩm, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm – Liên Hồng, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương
ĐT: 0220.3716397