GIỐNG LÚA HDT10
GIỐNG LÚA HDT10
1. Nguồn gốc
HDT10 là giống lúa thơm, chất lượng cao được Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo bằng phương pháp lai hữu tính chọn kiểu gen thơm bằng chỉ thị phân tử AND. Giống đã được công nhận chính thức theo Quyết định số 309/QĐ-BNN-TT ngày 22/01/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Tác giả: Dương Xuân Tú, Tăng Thị Diệp, Tống Thị Huyền, Phạm Thiên Thành, Nguyễn Văn Khởi, Lê Thị Thanh
2. Đặc điểm của giống:
HDT10 là giống lúa cảm ôn nên có thể gieo cấy được cả trong vụ Xuân và vụ Mùa
– Thời gian sinh trưởng:
+ Vụ Xuân: 135 ngày,
+ Vụ mùa: 105 ngày.
– Cao cây TB : 110 cm.
– Khối lượng 1000 hạt: 21 g.
– Hình dạng, màu sắc hạt: hạt ngắn, nhỏ, mầu nâu xẫm.
– Chất lượng hạt: Phẩm chất gạo ngon, cơm mềm, đậm, có mùi thơm nhẹ.
– Khả năng chống chịu: Cứng cây, sức sống tốt, kháng vừa với bệnh bạc lá, đạo ôn.
3. Kỹ thuật gieo cấy:
– Thời vụ gieo cấy:
+ Vụ Xuân: gieo mạ trong khoảng 25/1 cấy cuối tháng 2.
+ Vụ mùa: Gieo trong khoảng 05/6, cấy tuổi mạ từ 15 – 18 ngày.
– Mật độ cấy: Vụ Xuân: 45 khóm/m2; vụ Mùa: 45 khóm/m2; cấy 1-2 dảnh/khóm.
– Phân bón:
+ Lượng phân đơn: (tính cho 1 sào Bắc bộ – 360m2):
7 kg đạm urê + 18-20 kg supe lân + 5,5 kg kali.
(tương đương 90 kg N : 90 kg P2O5 : 60 kg K2O cho 1 ha)
Phân chuồng (nếu có): 300 – 500 kg/sào hoặc sử dụng phân hữu cơ vi sinh (1 tấn/ha).
+ Cách bón:
Yêu cầu bón sớm và bón tập trung để lúa đẻ nhánh (nên thay phân đơn bằng phân bón tổng hợp NPK theo tỷ lệ tương đương).
+ Bón lót toàn bộ phân chuồng (nếu có) 100% P2O5 + 40% N + 50% K2O. Bón thúc: 50%N khi lúa bén rễ hồi xanh. Bón nuôi đòng: 10%N + 50% K2O khi lúa đứng cái, làm đòng.
– Phòng trừ sâu bệnh: Theo dõi phát hiện và phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn của cơ quan bảo vệ thực vật tại địa phương.
4. Phạm vi áp dụng:
Giống lúa HDT10 thích hợp gieo cấy trên chân đất vàn và vàn cao cho các tỉnh Đồng bằng, Trung du miền núi phía bắc và Bắc Trung bộ.
Giống HDT10 có thể áp dụng phương thức làm mạ dược, mạ sân hoặc gieo thẳng.