GIỐNG ĐẬU TƯƠNG Đ9
GIỐNG ĐẬU TƯƠNG Đ9
I. NGUỒN GỐC
Giống đậu tương Đ9 được Viện Cây lương thực và CTP lai tạo và chọn lọc bằng phương pháp lai hữu tính kết hợp sử dụng chỉ thị phân tử chọn kiểu gen kháng bệnh gỉ sắt từ tổ hợp lai TL7 x ĐT2000. Giống đậu tương Đ9 được Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận cho sản xuất thử theo quyết định số: 337/QĐ-TT-CLT ngày 16 tháng 10 năm 2019 và Quyết định tự công bố lưu hành số 379/VCLT-KH ngày 23 tháng 11 năm 2020 và tiếp nhận hồ sơ của Cục trồng trọt số 1556/TB-TT-CLT ngày 22 tháng 12 năm 2020.
Nhóm tác giả: TS. Dương Xuân Tú, TS. Nguyễn Văn Lâm, TS. Nguyễn Văn Khởi, ThS. Lê Huy Nghĩa, ThS. Nguyễn Thị Hường, TS. Nguyễn Thanh Tuấn
II. MỘT SỐ ĐẶC TÍNH NÔNG HỌC CHÍNH
Giống đậu tương Đ9 có thời gian sinh trưởng 85–90 ngày trong vụ Đông và 95 – 100 ngày trong vụ Xuân và Hè, nhiễm nhẹ với một số sâu bệnh hại chính (cuốn lá, đục quả, sương mai, phấn trắng…), kháng cao với bệnh gỉ sắt, khối lượng 1000 hạt lớn (175 gam), hạt đẹp, màu vàng sáng. Tiềm năng năng suất cao (đạt từ 20,0 – 28,0 tạ/ha); thích hợp gieo trồng 3 vụ/ năm (Xuân, Hè và Đông) tại các tỉnh phía Bắc.
III. QUY TRÌNH KỸ THUẬT
3.1. Thời vụ gieo trồng
– Vụ xuân: Từ 05/2 đến 15/2
– Vụ hè: Từ 25/5 đến 05/6
– Vụ đông: Từ 15/9 đến 25/9 (kết thúc trước 5/10)
3.2. Đất và làm đất
– Đậu tương trồng vụ Xuân và vụ Hè (Trên nền đất khô): Đất cày bừa kỹ, làm sạch cỏ, lên luống hoặc cày rạch trên đất bãi ven sông, đất chuyên màu, đất 1 vụ lúa… cụ thể:
+ Trên trên đất bãi ven sông: Đất được san phẳng mặt, rạch thành hàng để gieo hạt .
+ Trên đất chuyên màu, đất 1 vụ lúa: Đất được lên luống rộng 90-100cm, cao 20-25cm dùng cày, cuốc kéo thành 2 rạch để gieo hạt đậu trên mặt luống cách nhau 30-35cm, giữa 2 luống làm rãnh thoát nước rộng 20-25cm.
– Đậu tương trồng vụ đông trên đất 2 vụ lúa (Trên đất ướt): Theo phương thức không làm đất hoặc làm đất tối thiểu (Lưu ý cần rút nước ở ruộng lúa trước khi thu hoạch từ 7-10 ngày để tạo độ ẩm cho đậu tương khi gieo). Dùng cày chia ruộng thành các luống rộng từ 2,5 – 3,0m làm thành rãnh thoát nước phòng úng ngập để tiến hành gieo hạt đậu tương (tránh hạt nằm trong nước) bằng các phương pháp tra hạt vào gốc rạ, gieo vãi bằng tay hoặc bằng máy.
3.3. Chuẩn bị hạt giống
– Yêu cầu hạt giống: Độ thuần nhất, kích cỡ đồng đều, không dị dạng, không bị sâu mọt, tỷ lệ nẩy mầm đạt >85%
– Xử lý hạt giống: Xử lý hạt giống với thuốc trừ nấm Rovral 50WP, liều lượng 3 – 4g/kg hạt giống hoặc Thiram 50WP, liều lượng 2g /kg hạt giống để phòng trừ 1 số bệnh gây chết cây con
– Lượng hạt giống gieo: Đậu tương trồng vụ xuân và vụ hè lượng hạt giống cần là 50 – 60 kg/ha với mật độ 25 – 30 cây/m2, đậu tương trồng vụ đông lượng hạt giống cần 70 – 80 kg/ha, với mật độ 35 – 40 cây/m2
3.4. Mật độ và phương pháp gieo
– Mật độ: + Đậu tương trồng vụ xuân và vụ hè: 25 – 30 cây/m2
+ Đậu tương trồng vụ đông: 35 – 40 cây/m2
– Phương pháp gieo:
+ Đối với đậu tương trồng vụ Xuân và Hè: Rạch hàng sâu khoảng 15cm, bón lót vào rãnh, dùng đất bột hoặc đất đập nhỏ phủ phân dày khoảng 5cm sau đó gieo hạt vào rãnh theo mật độ khuyến cáo (tránh hạt tiếp xúc trực tiếp với phân bón), dùng đất bột hoặc hỗn hợp đất bột + mùn hữu cơ phủ hạt dày từ 5 – 7cm, có thể dùng rơm rạ phủ kín mặt luống để tránh cỏ dại và giữ ẩm cho dất. Lên luống phổ biến theo kích cỡ rộng 1m (cả rãnh), mặt luống rộng 70 cm, gieo 2 hàng trên 1 luống, hàng cách hàng 35 cm, cách mép luống khoảng 17cm, đánh rãnh sâu khoảng 30 cm. Sau khi gieo xong phải tưới đủ ẩm để cho hạt hút nước bão hòa rồi rút nước, sau đó luôn duy trì độ ẩm khoảng 60 – 70% độ ẩm đồng ruộng cho hạt nảy mầm.
+ Đối với đậu tương trồng vụ Đông: Căn cứ vào thời tiết, độ ẩm đất, kinh nghiệm sản xuất của từng nơi, để áp dụng biện pháp làm đất gieo hạt theo 2 cách sau:
Cách 1: Tra hạt vào gốc rạ ngay sau khi thu lúa mùa: Dùng tay hoặc bàn chân gạt nghiêng gốc rạ, tra từ 1-2 hạt đậu vào khe giữa đất và gốc rạ, đảm bảo mỗi gốc rạ có 1 cây đậu tương (không tra hạt vào giữa gốc rạ) Sau đó dùng hỗn hợp (phân chuồng mục + Lân + Tro trấu trộn với đất bột khô) phủ kín hạt hoặc cắt rạ rải đều trên ruộng. (Lưu ý: Nếu gốc rạ còn nước, phải làm rãnh thoát hết nước mới tra đậu)
Cách 2: Gieo vãi bằng tay hoặc bằng máy (thường sử dụng cho ruộng chủ động tưới tiêu; Đất được làm rãnh thoát nước tránh ngập úng sau khi gieo)
Với ruộng đủ ẩm: (Nếu dẫm lên đất thấy có vết chân nhưng không dính bùn) dùng tay gieo vãi đều hạt đậu trên ruộng (gieo 2-3 lần để tăng độ đồng đều
Với đất ướt sụt bùn (phải làm rãnh thoát hết nước trên ruộng) Gieo vãi, ném nhẹ tay cho hạt đậu không chìm sâu trong bùn; Hoặc dùng thùng phuy, thuyền tôn có nước hoặc cây chuối vv… kéo trên mặt, đè dập rạ thay cho máy.
3.5. Phân bón
– Lượng phân bón sử dụng cho 1ha: 1tấn phân HCVS + 30 kg N + 90 kg P2O5 + 80kg K2O)/1 ha
– Cách bón:
+ Đối với đậu tương trồng vụ Xuân và Hè: Bón lót toàn bộ phân hữu cơ + phân lân +1/2 đạm và 1/2 kali. Bón thúc 1/2 đạm và 1/2 kali, kết hợp vun xới lần 2. Nên phun bổ sung phân bón lá Komix, diệp lục tố… kích thích cho đậu phát triển nhanh
+ Đối với đậu tương trồng vụ Đông (Tập trung bón phân sớm trong 25 ngày sau gieo). Bón thúc lần 1: (Khi đậu có 1 lá thật) trộn đều 1-2 kg urê + 1 kg kali + 5-6 kg lân super, rắc đều trên mặt ruộng vào chiều mát lúc lá đậu khô. Tránh bón phân khi lá đậu còn ướt dễ gây cháy lá. Bón thúc lần 2: (Khi đậu có 4-5 lá thật – chuẩn bị ra hoa) trộn đều lượng phân còn lại rải đều trên ruộng. Nếu có điều kiện dùng nước phân hữu cơ pha loãng với phân khoáng đạm và kali để tưới tác dụng sẽ cao hơn. Phun bổ sung phân bón lá Komix, diệp lục tố… kích thích cho cây đậu phát triển nhanh.
3.6. Chăm sóc và tưới tiêu
– Chăm sóc: Ngay sau khi gieo cần tiến hành kiểm tra toàn bộ diện tích, lấp bổ sung các hạt còn nổi trên mặt đất. Trong vòng 5-6 ngày sau gieo, dùng mạ đậu để dặm vào các chỗ khuyết mật độ, dặm cây đảm bảo mật độ cây đậu đồng đều trên ruộng; Xới nhẹ lần 1 khi cây có 1-2 lá kép; Xới vun lần 2 khi cây có 4-5 lá kép
– Tưới tiêu: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng và căn cứ vào lượng mưa thực tế để điều tiết độ ẩm hợp lý cho cây đậu tương phát triển. Thời kỳ sau gieo 2- 3 ngày hạt đậu không nứt nanh, cây đậu ra quả non vào chắc không đủ độ ẩm… cần phải bơm nước bổ sung theo cách tháo nước vào rãnh trên ruộng để tưới tiêu chủ động khi cần thiết. Tuyệt đối không để hạt đậu bị úng nước.
3.7. Phòng trừ sâu bệnh
– Trừ sâu: Giai đoạn cây con khi cây mới mọc được 2 lá đơn cần phun phòng dòi đục thân; Các giai đoạn sau phòng trừ đối với sâu đục thân, sâu ăn lá, sâu đục quả dùng các loại thuốc đặc hiệu (Padan 50EC, Regent, Perant, Dipterex, Sutin, Vitasheell, Supermor, ofatox, Trebon).
– Bệnh hại: Phấn trắng, thối rễ, lở cổ rễ …là các bệnh chủ yếu gây hại đậu tương ở vụ Xuân và vụ Đông Sử dụng các loại thuốc khuyến cáo như: Newkasura 16.6BTN 0,5 – 1 kg/ha, Viroxyl 58BTN, Manage 5WP, Viben–C50HP, Validacin, Daconil… phun phòng và trừ khi bệnh chớm xuất hiện.
3.8. Thu hoạch và bảo quản
Thu hoạch khi bộ lá chuyển sang màu vàng, trên thân có khoảng 2/3 số quả già trên cây vỏ quả chyển sang màu vàng, nâu xám. Thu hoach vào những ngày khô ráo cắt cả cây, sau đó rải đều cây trên mặt sân, tránh để thành đống làm cho quả bị men mốc, chất lượng hạt kém. Hạt đậu làm giống đập ra phơi trên nia, bạt… tránh phơi trực tiếp trên sân nền gạch, xi măng. Khi đạt độ ẩm hạt 12%, sẽ cất giữ và bảo quản hạt giống nơi khô ráo.