GIỐNG ĐẬU ĐŨA VC2

GIỐNG ĐẬU ĐŨA VC2

1. Nguồn gốc:

Giống đậu đũa VC2 là giống thuần được chọn lọc giống đậu đũa nhập nội mang mã số 8Đa/01, nguồn gốc của Thái Lan. Công tác nhập nội và chọn lọc từ  năm 2004 đến năm 2009 thu được giống đậu đũa thuần. Giống được công nhận cho sản xuất thử năm 2012 theo quyết định số: 485/QĐ-TT-CLT, ngày 11 tháng 10 năm 2012 của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT, được Hội đồng khoa học Bộ Nông nghiệp và PTNT thông qua đề nghị công nhận chính thức 1/2015.

Tác giả : ThS. Đoàn Xuân Cảnh, KS. Nguyễn Thị Thanh HàTS. Nguyễn Thiên Lương, ThS. Nguyễn Trọng Khanh, KS. Nguyễn Thanh Loan, KS. Nguyễn Văn Dự – Viện Cây lương thực – CTP và Nhóm DA.NN.08

2. Đặc điểm chính của giống:

– Thời gian sinh trưởng từ 85 – 90 ngày.

– Đặc điểm: cây sinh trưởng phát triển tốt, thân lá xanh đậm, hoa trắng phớt tím. Thu quả đầu sau gieo hạt 40 – 45 ngày. Chiều dài quả 60 – 70 cm, quả tròn, đường kính quả 0,89 cm.

– Năng suất trung bình đạt 19,75 – 22,07tấn/ha.

– Giống đậu đũa VC2 quả có chất lượng tốt, vỏ nhẵn, màu xanh non, đặc ruột, ít hạt. Hàm lượng chất khô đạt 9,72 %, đường tổng số cao, axít thấp nên ăn giòn và đậm hơn các giống đậu đũa khác.

3. Kỹ thuật gieo trồng

Thời vụ: Vụ xuân hè, vụ hè: gieo hạt từ 5/3 đến 5/5. Vụ thu đông: gieo 5/ 8 đến 5/9.

 Làm đất: Đất trồng đậu đũa phải để ải, tơi xốp, sạch nguồn bệnh. Chiều rộng luống: 1,4 – 1,5m; luống đậu thường cao 0,25 – 0,30cm.

– Mật độ gieo trồng: khoảng cách hàng cách hàng là 75 – 85cm, khoảng cách: hốc cách hốc là 40 – 45cm, mỗi hốc 2 cây. Lượng hạt giống khoảng 12 -13kg/ha.

– Chăm sóc:  

+ Bón phân: Lư��ng phân cần cho 1ha: tùy theo điều kiện đất đai, tập quán canh tác, mục đích sản xuất mà có thể bón lượng phân khác nhau. Trong điều kiện nghiên cứu của cơ quan tác giả có thể đưa ra lượng phân và cách bón như sau:

Phân hữu cơ vi sinh: 5 tấn

Phân đạm: 200 – 220 kg urê

Phân lân: 450 – 500 kg supe lân

Phân kali: 220 – 250 kg Sunphat kali

Bón thêm vôi bột (300 kg/ha) để cải tạo đất và làm tăng độ phì của đất.

Cách bón: bón lót toàn bộ phân hữu cơ vi sinh, phân lân. Bón rải đều theo rạch hàng, trộn đều với đất ở độ sâu 15 – 20cm và lấp kín đất trước khi gieo hạt 3 – 5 ngày.

Lượng phân còn lại dùng để bón thúc chủ yếu vào các thời kỳ sau: Khi cây có 3 – 4 lá thật: bón phân vào hốc theo hàng kết hợp xới xáo vun nhẹ vào gốc. Khi cây cao 40-50cm bón phân lần 2 kết hợp vun cao, sau đó làm giàn cho cây. Lượng phân đạm và kali bằng 1/2 tổng số. Khi cây ra hoa – quả non bón hết lượng phân còn lại bằng cách tưới hoặc rạch hàng cho vào gốc.

– Tưới nước: để đảm bảo sản phẩm an toàn cần dùng nước sạch như nước giếng khoan, nước sông lớn để tưới. Khi cây còn nhỏ, cần giữ độ ẩm đất bằng cách tưới ướt rãnh luống. Khi cây sinh trưởng mạnh, tưới vào rãnh từ 10 – 15 ngày/lần,  để nước thấm đều mặt đất.  Nhất là khi cây ra hoa-quả rộ không được thiếu nước. Vụ xuân hè nếu thời tiết khô hạn tưới đủ nước thường xuyên còn có tác dụng hạn chế rệp đậu màu đen, nhện đỏ phát sinh gây hại.

– Phòng trừ sâu bệnh:

Bệnh lở cổ rễ, và bệnh héo rũ ở cây con: Dùng Viben C BTN nồng độ 0,2%, Ridomil 72WP nồng độ 0,15% hoặc Validacin, nồng độ 0,2% phun vào buổi chiều mát, không mưa

Bệnh sương mai:(Pseudoperospora cubensis berk, and curt). Dùng các loại thuốc như: Ridomil MZ 72 WP nồng độ 0,2 – 0,25%, Zineb 80WP nồng độ 0,25 -0,3%, Daconil 72WP… để phun phòng và trừ.

Bệnh phấn trắng (Eryshiphe Cichoracearum D.C). Dùng Bayfidan 20 EC hoặc Cocide 5.8DE, nồng độ phun 0,15%  phun vào buổi chiều mát, không mưa.

Rệp xanh (Aphis sp) dùng Oncol 20EC, Butyl 20wp phun nồng độ 0,15 – 0,2% phun đều, đặc biệt phun trực tiếp vào các ổ rệp

– Thu hoạch: Thu hoạch đúng lúc, đúng lứa quả, khi có quả dài 40 – 70cm, vỏ nhẵn, bóng, màu xanh non, chưa biểu hiện của hạt

4. Đối tượng và phạm vi áp dụng:

Tổ chức và cá nhân tham gia sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đậu đũa tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung

Trên đất vàn cao, chế độ luân canh 2 lúa 1 màu hoặc chuyên màu. Đất thịt nhẹ, phù sa, tầng canh tác dày, dinh dưỡng tốt, chế độ tươi tiêu tốt.

5. Điển hình đã áp dụng thành công:

Hải Dương: Tứ Kỳ, Kim Thành, Chí Linh, Gia Lộc

Hà Nội, Thường tín, Hoài Đức

Hải Phòng: Tiên Lãng, Kiến Thụy

6. Địa chỉ liên hệ giống:

Cá nhân:         Đoàn Xuân Cảnh. Trưởng Bộ môn Cây thực phẩm

Viện Cây lương thực và cây thực phẩm

Địa chỉ:  Liên Hồng, Gia Lộc, Hải Dương

Điện Thoại: 02203716385/0912675356