GIỐNG KHOAI TÂY KT7

GIỐNG KHOAI TÂY KT7

  1. Nguồn gốc, xuất xứ giống khoai tây KT7:

– Nguồn gốc giống: Giống khoai tây KT7 (4-170) do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có củ thuộc Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm lai tạo và chọn lọc từ tổ hợp lai KT3 x 106 năm 2012, mã số 04 và dòng chọn được là dòng số 170. Giống KT7 mang gen kháng bệnh mốc sương R1 (đã được sàng lọc bằng chỉ thị phân tử liên kết với gen kháng bệnh mốc sương BA213c14t7 hay LP2).

– Giống KT7 được Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm tự công bố lưu hành theo quyết định số 303/QĐ-VCLT-KH ngày 21 tháng 9 năm 2022

– Nhóm nghiên cứu: ThS. Nguyễn Đạt Thoại; ThS. Nguyễn Thị Nhung; TS. Trịnh Văn Mỵ; ThS. Ngô Thị Huệ; ThS. Đỗ Thị Hồng Liễu; ThS. Nguyễn Phan Anh; ThS. Trần Quốc Anh; KS. Nguyễn Thanh Bình và các cộng tác viên.

QUY TRÌNH KỸ THUẬT CANH TÁC GIỐNG KHOAI TÂY KT7

1. Củ giống:

Trồng bằng củ là tốt nhất, củ giống khoai tây sạch sâu bệnh và sử dụng củ giống trẻ sinh lý để trồng. Sử dụng cỡ củ giống từ 25-40 củ/1kg để trồng hoặc củ giống có đường kính từ trên 25-50mm. Không nên dùng củ giống dưới 25mm hoặc dưới 20gram để trồng vì cây nhỏ kém phát triển.

2. Đất trồng và thời vụ

            – Đất trồng: Chọn loại đất tơi xốp, chân đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất phù sa có tầng canh tác dày, độ màu mỡ cao, bằng phẳng, sạch cỏ dại và chủ động tưới tiêu nước.

            – Thời vụ trồng: Vụ Đông trồng từ 20 tháng 10 đến 10 tháng 11.

3. Làm đất và lên luống

            – Làm đất: Cày bừa làm nhỏ đất bằng máy hoặc trâu bò cần kết hợp với thu gom rơm rạ để hạn chế sâu bệnh truyền sang khoai tây. Đất nhỏ tơi là thích hợp với khoai tây.

            – Lên luống: Luống đơn trồng 1 hàng, luống rộng khoảng 60-70cm, cây cách cây 25-30 cm. Lên luống hàng đôi rộng từ 120 – 140cm, hàng cách hàng 35-40cm, cây cách cây 25-30cm, luống cao 0,25 m để thuận tiện cho việc tưới và tiêu nước.

4. Phân bón và cách bón

– Lượng phân: Phân chuồng hoai mục 15 tấn + 150N + 150P2O+ 150K2O (Kg/ha)

– Quy đổi: + 15 tấn/ha phân chuồng hoai mục, quy đổi cho 1 sào 360 m2 = 540 kg/sào.

+ Đạm urê : 325 kg/ha, quy đổi cho 1 sào 360 m2 = 12 kg/sào.

+ Lân Supe: 937 kg/ha, quy đổi cho 1 sào 360 m2 = 34 kg/sào.

+ Kali Cloarua: 250 kg/ha, quy đổi cho 1 sào 360 m2 = 9 kg/sào.

– Cách bón:  + Bón lót toàn bộ phân chuồng cùng với 50% lượng đạm và 50% lượng kali.

+ Bón thúc đợt 1: Khi cây mọc cao 15- 20cm bón  50% lượng đạm và 50% lượng kali còn lại kết hợp với vun lần 1.

5. Mật độ và cách trồng

* Mật độ: Trồng 5 củ/m2Tương ứng với 5 vạn củ/ha hoặc 1,2-1,4 tấn; quy tính cho 1sào (360m2) là 1.500-1.800 củ/sào hoặc 50-60 kg/sào .

* Cách trồng: Sau khi rạch hàng trồng, bón lót toàn bộ phân HCVS, lân và 40% lượng đạm, kali vào rạch rồi lấp một lớp đất mỏng lên phân, sau đó mới tiến hành đặt củ giống. Không đặt trực tiếp vào phân mà nhất là phân hoá học vì làm nh­ư vậy củ giống dễ bị chết. Sau khi đặt củ giống ta phủ lên củ giống một lớp đất dầy 3 – 5cm, sau đó vét rãnh lên luống.

6. Tưới n­ước

Thời gian cây khoai sống trên ruộng khoảng trên d­ưới 90 ngày, trong đó 60-70 ngày đầu, cây khoai tây rất cần nư­ớc. Phư­ơng pháp t­ưới rãnh cho khoai tây phổ biến hiện nay, t­ư­ới nư­­ớc phải kết hợp liên hoàn với việc chăm sóc xới xáo, làm cỏ, bón phân thúc. Trong một vụ trồng khoai tây thường có 2 -3 lần t­ưới nư­­ớc.

7. Chăm sóc

            – Đợt 1: Khi cây cao khoảng 15 – 20cm thì xới nhẹ, làm sạch cỏ, bón phân thúc phân đợt 1 với lượng bón trên rồi vun cao luống.

 Đợt 2: Sau khi chăm sóc đợt 1 khoảng 15-20 ngày, lúc này cây khoai được khoảng 40-45 ngày tuổi, tiến hành xới nhẹ làm cỏ rồi vun cao, to luống lần cuối.

8. Phòng trừ sâu bệnh

– Đối với bệnh virut:  Xâm nhập vào cây, vào củ, làm giảm năng suất và chất lượng khoai tây. Virut là nguyên nhân chủ yếu làm thoái hoá giống và có những virut thường gặp sau: Virut xoăn lùn, cuốn lá, khảm lá…. Biện pháp phòng trừ: Không dùng thuốc hoá học để phòng trừ mà phải nhổ bỏ cả cây, củ bị bệnh đem đi tiêu huỷ.

            – Đối với bệnh héo xanh: Hay còn gọi là héo rũ, do vi khuẩn gây nên, rất nghiêm trọng và phổ biến ở vùng nhiệt đới nóng ẩm làm cho cây chết đột ngột và thối củ. Nguyên nhân: Củ giống bị nhiễm khuẩn từ khi thu hoạch, do nguồn n­ước tưới bị nhiễm vi khuẩn, do đất trồng và do bón phân chuồng t­ươi.. Biện pháp phòng trừ: Sử dụng củ giống sạch bệnh để trồng, luân canh khoai tây với lúa n­ước, không bón phân tư­ơi, nhổ bỏ toàn bộ cây bệnh và tiêu huỷ.

            * Bệnh mốc sư­ơng: Do nấm gây nên, là bệnh nghiêm trọng nhất ở hầu khắp các vùng trồng khoai tây. Nấm bệnh mốc s­ương phát triển rất nhanh. Biện pháp phòng trừ: Sử dụng củ giống sạch bệnh để trồng. Kiểm tra đồng ruộng th­ường xuyên, khi phát hiện có ổ bệnh thì khẩn trư­ơng tập trung diệt ổ bệnh và phun thuốc phòng trừ cả cánh đồng trồng khoai. Dùng thuốc Zinep 80WP, Ridomil Mancozep 68WP và Pegasus … để phòng trừ.

9. Thu hoạch             

Thu hoạch là khâu quan trọng cuối cùng trên đồng ruộng. Để có sản l­ượng cao, mã củ đẹp cần phải để cho khoai già đầy đủ, vì thời gian cuối khoai phình to rất nhanh. Khi thấy lá vàng, cây rạc dần là khoai đã già, là có thể thu hoạch đư­ợc. Thu hoạch khoai còn non, sản lượng giảm nhiều, tinh bột trong củ thấp, vỏ củ dễ bị xây xát, mã xấu. Thư­ờng khi khoai đư­ợc 60 – 70 ngày tuổi là giai đoạn lớn của củ. Chỉ 20 – 25 ngày sau, sản l­ượng sẽ tăng lên tới 25 – 30%. Vì vậy sau khi đ­ược 70 – 75 ngày tuổi cần phải:

– Tuyệt đối không cho nư­ớc vào ruộng khoai, nếu trời mưa phải tháo kiệt nước.

– Thu hoạch khoai vào ngày khô ráo.

– Phân loại cỡ củ ngay trên ruộng, để hạn chế việc đảo khoai nhiều lần, tránh va chạm, xây sát nhiều l ần sẽ ảnh hưởng đến chất lượng củ khoai tây thương phẩm.

10. Phạm vi áp dụng: Cho sản xuất ở vụ Đông tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng

Địa chỉ liên hệ

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây có củ, Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm

+ Địa chỉ: Xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội

+ Điện thoại: 0243 8615485         + DĐ: 0983718656 + Fax: 0243 8616821