Giống lúa BT7KBL-02
Giống lúa BT7KBL-02
- Nguồn gốc
BT7KBL-02 là giống lúa thơm, chất lượng cao được Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm chọn tạo từ tổ hợp lai BT7/IRBB54. Thực hiện lai backcross giữa giống BT7 (mẹ) và giống IRBB54 (bố) mang gen xa5. Sử dụng chỉ thị phân tử RM122 và xa5FM hỗ trợ quá trình chọn lọc cá thể phân ly và chọn lọc dòng thuần mang gen xa5 kháng bệnh bạc lá.
Giống lúa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận lưu hành quyết định số: 123/QĐ-TT-CLT ngày 07 tháng 03 năm 2024.
Nhóm tác giả: Phạm Thiên Thành, Tăng Thị Diệp, Nguyễn Trí Hoàn, Dương Xuân Tú, Tống Thị Huyền, Đoàn Văn Thảo, Lê Thị Thanh
- Một số đặc tính nông học chính
– Thời gian sinh trưởng: Vụ Xuân: 120-130 ngày, Vụ mùa: 100 -107 ngày.
– Cao cây : trung bình 110 cm, sinh trưởng phát triển tốt.
– Khối lượng 1000 hạt: 19- 20 g, dạng hạt thon nhỏ, màu nâu xẫm.
– Năng suất: 44,67-68,64 tạ/ha (vụ Xuân); 43,80- 56,57 tạ/ha (vụ Mùa).
– Chất lượng gạo: hạt gạo thon, gạo trong, hàm lượng amylose thấp (14%); cơm mềm, vị đậm, có mùi thơm đặc trưng.
– Khả năng chống chịu: phản ứng kháng với bệnh bạc lá, nhiễm vừa đạo ôn và nhiễm rầy nâu.
- QUY TRÌNH KỸ THUẬT CANH TÁC GIỐNG LÚA BT7KBL-02
Phạm vi áp dụng:
Giống lúa BT7KBL-02 là giống lúa cảm ôn, thích hợp cho gieo trồng trong cả điều kiện vụ Xuân/ Đông – Xuân và vụ Mùa/ Hè – Thu tại các tỉnh phía Bắc, trên chân đất vàn và vàn cao chủ động tưới tiêu.
2.1. Qui trình kỹ thuật canh tác lúa cấy (mạ dược, mạ sân, mạ khay)
Lượng thóc giống: gieo cấy khoảng 40-45 kg/ha
Thời vụ gieo cấy: áp dụng cho phương pháp làm mạ sân, mạ dầy xúc:
– Tại các tỉnh miền núi phía Bắc:
+Vụ Xuân: gieo khoảng 25/1, cấy 10/2 khi cây mạ được 2-3 lá
+ Vụ Mùa: gieo khoảng 10/6, cấy 20-25/6 khi cây mạ được 2-3 lá
– Tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng:
+Vụ Xuân: gieo khoảng 30/1, cấy 15/2 khi cây mạ được 2-3 lá
+ Vụ Mùa: gieo khoảng 15/6, cấy 30/6 khi cây mạ được 2-3 lá
– Tại các tỉnh Bắc trung bộ:
+Vụ Đông – Xuân: gieo khoảng 10/1, cấy 30/1 khi cây mạ 3-4 lá
+ Vụ Hè – Thu: gieo khoảng 20/5, cấy 5/6 khi cây mạ 3-4 lá
(Tham khảo lịch thời vụ cụ thể của ngành nông nghiệp địa phương)
Phân bón: áp dụng cho cả hai vụ Xuân và vụ Mùa
Lượng bón cho 1 ha: 1 tấn HCVS + 100 kg N + 90 kgP2O5 + 90 kg K2O
(36 kg HCVS + 7,8 kg ure + 18 kg supe lân + 5,5 kg kaliclorua cho 1 sào Bắc bộ 360 m2)
Mật độ cấy, kỹ thuật bón phân, chăm sóc, thu hoạch
– Mật độ: BT7KBL-02 là giống có khả năng đẻ trung bình, cấy ở mật độ từ 40 khóm/m2, cấy 2-3 dảnh/khóm.
– Kỹ thuật bón phân: Nên bón nặng đầu nhẹ cuối, bón thúc sớm cho lúa đẻ nhánh sớm, tập trung, đảm bảo được số dảnh hữu hiệu/m2.
+ Bón lót toàn bộ phân HCVS (hoặc phân chuồng) + 100%P2O5 + 40%N + 30% K2O.
+ Bón thúc lần 1: Sau khi lúa bén rễ hồi xanh 50% N + 30% K2O.
+ Bón thúc lần 2: Khi lúa đứng cái, bón hết lượng phân còn lại.
Có thể sử dụng các loại phân bón NPK tổng hợp chuyên dùng để bón cho lúa theo lượng quy đổi tương đương lượng phân nêu trên hoặc theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
– Chăm sóc:
+ Tưới nước: sau khi cấy giữ lớp nước 3-5 cm cho lúa hồi xanh, sau đó thường xuyên giữ nước ở mực nước 2-3 cm. Khi lúa kết thúc đẻ nhánh nên rút nước phơi ruộng trong 5-7 ngày sau đó tưới và giữ đủ nước trong suốt thời kỳ làm đòng, trỗ bông và vào chắc. Trước khi thu hoạch 10-15 ngày rút kiệt nước.
+ Phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại chính như bệnh đạo ôn, khô vằn, sâu đục thân, sâu cuốn lá, rầy nâu,… theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn tại địa phương.
– Thu hoạch: Khi ruộng lúa chín 85-90% tiến hành thu hoạch, không nên phơi thóc lúc nhiệt độ quá cao hạt gạo dễ bị gãy, giảm tỷ lệ gạo nguyên khi xay xát, ảnh hưởng đến chất lượng gạo.
2.2. Qui trình kỹ thuật canh tác lúa gieo thẳng (sạ)
Ruộng gieo sạ cần chủ động nước hoàn toàn. Khi làm đất cần chú ý: Cày bừa kỹ, san ruộng thật phẳng, chia ruộng thành nhiều luống nhỏ tương đương chiều rộng của dụng cụ sạ hàng (2,5 m hoặc 3,3 m). Tháo khô nước ruộng trước khi sạ nhưng không để nứt nẻ (tương tự như mặt luống mạ đặc biệt trong mùa hè).
Lượng giống: sử dụng lượng giống gieo sạ khoảng 40 kg/ha.
Thời vụ gieo cấy: Tham khảo lịch gieo cấy cụ thể của ngành nông nghiệp tại địa phương.
– Miền núi phía Bắc:
+ Vụ xuân: gieo trong khoảng 1/2-5/2
+ Vụ mùa: gieo sạ trong khoảng 15-20/6
– Tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng:
+ Vụ xuân: gieo sạ trong khoảng 5-10/2
+ Vụ mùa: gieo sạ trong khoảng 20-25/6
– Tại các tỉnh Bắc trung bộ:
+ Vụ Đông Xuân: gieo sạ trong khoảng 20-30/01
+ Vụ Hè thu: gieo sạ trong khoảng 25/5
Phân bón:
– Lượng bón cho 1 ha: 1 tấn HCVS + 90 kg N + 90 kgP2O5 + 90 kg K2O
(36 kg HCVS + 7,0 kg ure + 18 kg supe lân + 5,5 kg kaliclorua cho 1 sào Bắc bộ 360 m2)
– Cách bón:
+ Bón lót: Bón toàn bộ phân chuồng và phân lân; 40% lượng đạm; 10% kali
+ Bón thúc đẻ nhánh: 50 % đạm và 50% Kali khi có 3-3,5 lá kết hợp với tỉa và đặm lúa.
+ Bón nuôi đòng: Bón toàn bộ lượng phân còn lại khi lúa đứng cái, làm đòng.
Ngâm ủ hạt giống, gieo sạ và chăm sóc
– Ngâm ủ hạt giống: Ngâm ủ bình thường như lúa cấy, ủ tới khi rễ mới nhú ra hoặc tối đa dài bằng 1/3 hạt là tốt nhất (không được để rễ mọc dài quá khó gieo). Khi dùng dụng cụ sạ hàng, cần căn cứ độ dài của rễ để quyết định số lỗ sạ trên dụng cụ sạ hàng (che bớt hoặc để nguyên số lỗ tra hạt).
– Trường hợp vừa sạ xong trong ngày gặp mưa rào, tốt nhất tháo nước ngập mặt luống trước cơn mưa để tránh cho mưa khỏi trôi, dồn hạt giống, sau cơn mưa rút cạn nước.
– Để ruộng lúa đồng đều, tốt nhất nên sử dụng dụng cụ sạ hàng thay cho sạ bằng tay. Tuy nhiên với những ruộng quá nhỏ, góc ruộng, thường không sạ hàng được, cần sạ tay bổ sung.
– Trừ cỏ: Sử dụng thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm, phun ngay khi gieo được 1-2 ngày (Sofit 300EC)
– Sau khi sạ 2-3 ngày, bắt đầu cho nước vào ruộng theo chiều cao của mầm lúa, đạt mức 3-5 cm thì giữ cho lúa để nhánh.
– Nếu ruộng tưới tiêu chủ động, cần tháo nước phơi ruộng trong 5-7 ngày khi lúa kết thúc đẻ nhánh hữu hiệu, sau đó giữ nước khoảng 4-5 cm cho đến trước khi gặt 15-20 ngày tháo cạn.
Phòng trừ sâu bệnh: Theo dõi phát hiện và phòng trừ sâu bệnh theo hướng dẫn của cơ quan bảo vệ thực vật tại địa phương. Giai đoạn trỗ và sau trỗ nên chú ý phun phòng trừ sâu đục thân, cuốn lá.
Thu hoạch: Khi ruộng lúa chín 85-90% tiến hành thu hoạch, không nên phơi thóc lúc nhiệt độ quá cao hạt gạo dễ bị gãy, giảm tỷ lệ gạo nguyên khi xay xát, ảnh hưởng đến chất lượng gạo.
III. Thông tin cảnh báo an toàn
– Các biện pháp phòng trừ sâu bệnh khác theo sự hướng dẫn chỉ đạo của địa phương sản xuất. Tuy nhiên để đảm bảo năng suất nên thường xuyên thăm và kiểm tra ruộng cấy, giai đoạn trỗ nên phun phòng trừ sâu đục thân và cuốn lá, khô vằn, rầy nâu.
– Bón phân cân đối theo quy trình kỹ thuật canh tác của giống, nên dùng đúng chủng loại phân bón chuyên dụng cho cây lúa và bón theo khuyến cáo của nhà sản xuất.